Bị suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không? Cần lưu ý điều gì?

Bác sĩ thường khuyên các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới nên đi bộ đều đặn để kiểm soát triệu chứng bệnh. Vậy hình thức tập luyện này đem lại lợi ích gì cho các tĩnh mạch đang bị tổn thương? Đi bộ thế nào là đúng và cần lưu ý gì trong lúc tập? Tất cả thắc mắc sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không

Suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?

Để điều trị hiệu quả bệnh suy giãn tĩnh mạch chân cần kết hợp nhiều biện pháp thay đổi lối sống như tập thể dục, giảm cân, vật lý trị liệu, kê cao chân khi nghỉ, hay mang vớ áp lực tĩnh mạch. Trong đó, thay đổi lối sống và mang vớ áp lực tĩnh mạch đóng vai trò nền tảng, tiếp theo mới đến sử dụng thuốc và can thiệp thủ thuật. (1)

Đi bộ là môn thể dục nhẹ nhàng mang lại nhiều lợi ích nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán giãn tĩnh mạch chi dưới đều bỏ thói quen đi bộ. Thậm chí, có người không dám vận động vì sợ làm bệnh nặng hơn. Có lẽ vì người bệnh không biết rằng đi bộ lại mang đến nhiều lợi ích cho người bị suy giãn tĩnh mạch biết bao.

Khi bạn nhấc gót lên cao để đi bộ, máu từ đám rối tĩnh mạch phía dưới gót chân và lòng bàn chân sẽ được đẩy vào các tĩnh mạch sâu của vùng cẳng chân. Sau đó, động tác co cơ bắp chân giúp đẩy máu đi lên tĩnh mạch vùng đùi. Cứ lặp đi lặp lại như vậy, lượng máu về tĩnh mạch nhiều hơn rồi trở về tim.

Sự co cơ khi đi bộ sẽ giúp quá trình bơm máu của tĩnh mạch diễn ra hiệu quả hơn bao giờ hết. Lực co của cơ trong hệ tĩnh mạch sâu đo được khi vận động cao hơn nhiều so với khi đứng yên. Từ đó, máu được đẩy về tim một cách dễ dàng, giảm tình trạng tắc nghẽn cũng như áp lực ở các tĩnh mạch nông.

Hầu hết bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch đều nhận thấy các triệu chứng bệnh được cải thiện rõ rệt sau một thời gian đi bộ và thay đổi lối sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị suy tĩnh mạch mạn tính đi bộ ít hơn 10 phút/ngày có nguy cơ tiến triển đến loét chân cao hơn những người duy trì vận động trên 10 phút/ngày. Chính vì thế, các Hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới đều khuyến cáo bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nên đi bộ đều đặn mỗi ngày.

Lợi ích của bài tập đi bộ đối với bệnh suy giãn tĩnh mạch chân

Bên cạnh việc giảm bớt các triệu chứng giãn tĩnh mạch, đi bộ còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể của bạn, chẳng hạn như: (2)

1. Đốt cháy calo và giúp bạn duy trì cân nặng hợp lý

Thừa cân – béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch. Việc phải chịu một tải trọng lớn sẽ tạo gánh nặng cho đôi chân, khiến các van tĩnh mạch bị suy yếu và bệnh suy tĩnh mạch có cơ hội phát triển. Chỉ cần đi bộ tối thiểu 30 phút/ngày với tốc độ vừa phải, bạn sẽ đốt cháy từ 150-200 calo. Bạn có thể đi một lúc hoặc từng khoảng 10-15 phút/lần rồi nghỉ ngơi kết hợp gác chân lên. Cùng với thực đơn ăn uống khoa học, cơ thể bạn sẽ không bị tích tụ mỡ thừa, giữ được vẻ thon gọn và trẻ trung để đẩy lùi nguy cơ suy tĩnh mạch chân cũng như những bệnh tim mạch nguy hiểm khác.

2. Thúc đẩy tuần hoàn

Đi bộ là một trong những cách tốt nhất để cải thiện hoạt động của hệ tuần hoàn, đặc biệt là tuần hoàn ở chi dưới. Khi bạn đi bộ, máu được đẩy về tim nhanh hơn, giảm tắc nghẽn và giảm áp lực ở các tĩnh mạch nông, giúp quá trình tuần hoàn máu diễn ra trơn tru. Không chỉ vậy, đi bộ thường xuyên còn có tác dụng giảm huyết áp ở cả động mạch và tĩnh mạch cũng như tăng cường sức khỏe tim mạch.

3. Cải thiện tâm trạng

Những bệnh nhân suy tĩnh mạch mạn tính, nhất là những người bị bệnh ở cấp độ trung bình đến nặng (từ C2 đến C6) thường mất tự tin với đôi chân chằng chịt đường gân xanh lớn nhỏ, sự sưng phù, chàm, hay thậm chí lở loét… Tình trạng này kéo dài rất dễ khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng về tinh thần cũng như suy nhược về thể chất, thậm chí một số người còn bị trầm cảm do khó hòa đồng với đồng nghiệp và bạn bè. Đi bộ đã được chứng minh có thể khắc phục đáng kể các triệu chứng trầm cảm, lo lắng, tự ti, stress tâm lý…, giúp người bệnh lấy lại tâm trạng thoải mái để yên tâm điều trị bệnh.

4. Hỗ trợ tiêu hóa

Đi bộ với tốc độ trung bình (không quá nhanh, không quá chậm) sẽ nhẹ nhàng xoa bóp đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón – một yếu tố nguy cơ khác của suy tĩnh mạch chân. Nghiên cứu về tác dụng của việc đi bộ đối với bệnh nhân hội chứng ruột kích thích cho thấy, càng đi bộ nhiều mỗi ngày thì khả năng cải thiện triệu chứng bệnh càng cao. Lời khuyên hữu ích dành cho bạn để đạt được tối đa lợi ích tiêu hóa là hãy đi bộ sau bữa ăn 15-30 phút.

5. Tăng cường miễn dịch

Khi bạn lớn tuổi, chức năng miễn dịch dần suy giảm. Cùng với việc ăn uống lành mạnh, tập thể dục đã được chứng minh giúp tăng cường hệ miễn dịch ở người lớn tuổi. Một minh chứng dễ hình dung nhất là đi bộ. Bộ môn này giúp tăng hiệu quả của vaccine cúm mùa và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu chẳng may bạn mắc phải.

6. Cải thiện giấc ngủ

Khi bạn đốt cháy lượng calo dư thừa, thúc đẩy cơ bắp vận động và hỗ trợ lưu thông máu bằng cách đi bộ thường xuyên, giấc ngủ sẽ đến với bạn một cách dễ dàng và sâu hơn, ngon lành hơn. Một nghiên cứu trên nhóm phụ nữ mãn kinh (và cả những người hay bị mất ngủ) sau khi đeo máy đếm bước chân và tăng quãng đường đi bộ lên 500 bước mỗi ngày trong 12 tuần, cho thấy có sự cải thiện đáng kể về chất lượng và thời lượng giấc ngủ, thời gian đi vào giấc ngủ của họ cũng ngắn hơn.

duy trì thói quen đi bộ thường xuyên

7. Ngăn ngừa và hỗ tương các bệnh mạn tính

Các bệnh lý mạn tính như bệnh tim, tăng huyết áp và đái tháo đường tuýp 2 ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Chúng được gọi chung là hội chứng chuyển hóa. Đi bộ mỗi ngày có tác dụng tuyệt vời trong việc giảm mức cholesterol, ổn định lượng đường trong máu và giảm huyết áp. Nó còn được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa hơn 4 lần.

8. Tăng cường sức khỏe hệ cơ xương

Nếu loãng xương là một mối lo lắng đối với bạn thì đi bộ là việc bạn nên làm trước tiên. Đây là một trong những bài tập tốt nhất giúp làm chậm quá trình mất xương. Hơn nữa, khi kết hợp đi bộ với một số bài tập tăng cường sức đề kháng, chẳng hạn như nâng tạ nhẹ, bạn còn có thể phục hồi khối lượng xương đã mất.

9. Giảm đau khớp

Đối với những người bị viêm khớp, thoái hóa khớp, cứng khớp… từ mức độ nhẹ đến trung bình, việc tuân thủ liệu trình đi bộ thường xuyên sẽ giúp cải thiện chức năng khớp và giảm đau khớp. Bên cạnh đó, đi bộ còn góp phần xây dựng sức mạnh cơ bắp cũng như giảm bớt căng thẳng cho các khớp.

10. Làm chậm quá trình thoái hóa khớp

Nếu bạn đã khá giỏi trong việc đi bộ về phía trước và muốn hưởng lợi nhiều hơn từ bài tập này, hãy thử đi bộ ngược. Chỉ cần dành 10 phút mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần để đi bộ ngược, bạn sẽ thấy nó hữu ích trong việc tăng cường độ dẻo dai cho khớp, đẩy lùi thoái hóa khớp. Để đảm bảo an toàn, việc đi bộ giật lùi nên được thực hiện dưới sự giám sát của huấn luyện viên hoặc nhà vật lý trị liệu.

Xem thêm: 16 bài tập suy giãn tĩnh mạch chân hiệu quả nhất

Lưu ý khi đi bộ đối với người bệnh suy giãn tĩnh mạch

Không thể phủ nhận những lợi ích mà bệnh nhân giãn tĩnh mạch chân nhận được khi đi bộ đều đặn, nhưng cần chú ý những điều sau để quá trình tập luyện diễn ra thuận lợi: (3)

  • Nếu bạn không có thói quen đi bộ thì nên bắt đầu với tốc độ vừa phải và quãng đường ngắn, sau đó tăng dần cự ly.
    Giai đoạn đầu khi mới tập, bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau chân, nhưng đừng vội bỏ cuộc. Đôi chân sẽ quen dần và cơn đau sẽ cải thiện trong vòng vài ngày sau đó.
  • Nếu có điều kiện hãy mang vớ áp lực tĩnh mạch khi tập luyện vì nó sẽ giảm thiểu triệu chứng cơ bản của tĩnh mạch hiệu quả.
  • Đi bộ đòi hỏi sự chuyển động linh hoạt của mắt cá chân để mang lại hiệu quả. Trong khi đó, những người bị loét chân do giãn tĩnh mạch sẽ bị hạn chế vận động ở mắt cá chân. Vì vậy, họ cần được điều trị tình trạng loét và giảm đau trước khi tiến hành đi bộ.

Nếu tình trạng suy giãn tĩnh mạch của bạn đang tiến triển hoặc khiến bạn đau đớn nhiều, cản trở công việc và cuộc sống của bạn, hãy tạm ngưng đi bộ và cần tham vấn bác sĩ để được can thiệp phù hợp. Sau khi bệnh được chữa khỏi, bạn có thể đi bộ trở lại để duy trì hiệu quả điều trị, ngăn ngừa bệnh tái phát. (4)

thực hiện đốt laser

Chuyên khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là địa chỉ tin cậy trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý tim mạch, mạch máu ngoại biên và lồng ngực. Tại đây đang triển khai các phương pháp can thiệp điều trị suy tĩnh mạch chi dưới tiên tiến như đốt laser (hoặc sóng cao tần), chích xơ tĩnh mạch và bơm keo sinh học trong lòng tĩnh mạch, nhằm loại bỏ/vô hiệu hóa chức năng các tĩnh mạch bị suy giãn.

Đây là các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, ít biến chứng, khả năng tái phát rất thấp. Sau điều trị, người bệnh hồi phục nhanh, khắc phục hoàn toàn các triệu chứng sưng phù, đau nhức, loét da…, đảm bảo thẩm mỹ cao và sớm trở lại cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới không khó điều trị nhưng muốn trị dứt điểm cần kết hợp nhiều biện pháp, từ nội khoa đến ngoại khoa và thay đổi lối sống. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn có câu trả lời về thắc mắc “Suy giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ không?“. Việc tăng cường vận động, đi bộ luôn được xem là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Vì thế, nếu bạn được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, dù ở bất cứ giai đoạn nào thì hãy hình thành thói quen đi bộ ngay hôm nay.