Bị say nắng nên làm gì? Cách phòng ngừa say nắng, sốc nhiệt

Tình trạng say nắng hay sốc nhiệt có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc nắm được những kiến thức cơ bản để sơ cứu người bị say nắng là rất cần thiết. Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy gọi ngay cho cấp cứu hoặc đưa ngay người đó đến bệnh viện.

Trong khi chờ nhân viên y tế đến, bạn hãy tiến hành sơ cứu cho nạn nhân. Đầu tiên, hãy di chuyển người đó đến nơi có máy điều hòa hoặc khu vực râm mát và cởi bỏ quần áo không cần thiết.

Nếu có nhiệt kế, hãy đo thân nhiệt của người đó và tiến hành sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể nạn nhân xuống dưới 39 độ C. Nếu không có sẵn nhiệt kế, bạn vẫn cần sơ cứu cho nạn nhân. Hãy thử các phương pháp làm mát cơ thể sau:

  • Lấy khăn ướt lau người và quạt mát cho nạn nhân
  • Chườm túi đá vào nách, bẹn, cổ, lưng của bệnh nhân. Đây là những khu vực có nhiều mạch máu gần da, việc làm mát chúng có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể.

Cách phòng tránh say nắng hiệu quả

Cách chống say nắng hiệu quả là bạn cần tránh các nguyên nhân có thể khiến bạn bị say nắng như tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu, làm việc quá sức, chế độ dinh dưỡng kém…

1. Tránh ánh nắng trực tiếp

Cách phòng tránh say nắng

Bạn nên tránh ra ngoài trời lúc trời nắng nóng vào giờ cao điểm. Nếu có thể thì bạn nên hạn chế ra đường trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. Mỗi khi ra ngoài đường, bạn nên mặc trang phục kín đáo che nắng với khẩu trang, khăn choàng, áo khoác, váy chống nắng…

Ngoài ra, bạn cần trang bị thêm mũ, nón rộng vành hoặc ô dù để che nắng tốt hơn. Bạn cũng cần bôi kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ cơ thể chống ánh nắng trực tiếp.

2. Nghỉ ngơi hợp lý

Bạn cần tránh làm việc quá sức, đặc biệt là dưới nhiệt độ cao. Bạn chỉ nên thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng vào những thời điểm nóng nhất trong ngày. Nếu bạn không thể tránh hoạt động gắng sức trong thời tiết nóng thì hãy uống nước và trong lúc tập luyện nên xen kẽ việc nghỉ ngơi thường xuyên ở nơi mát mẻ.

3. Uống nhiều nước để tránh bị say nắng

Uống nhiều nước

Nước sẽ giúp cơ thể bạn đổ mồ hôi và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường. Bên cạnh đó, bạn hãy ăn nhiều thực phẩm góp phần phòng ngừa say nắng như rau quả xanh, đặc biệt khi tiết trời hanh khô nóng nực. Bạn không quên uống bù lượng nước mà cơ thể mất đi do trời quá nóng hay hoạt động quá nhiều gây ra.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc

Hãy cảnh giác với các vấn đề liên quan đến nhiệt nếu bạn dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ nước và tản nhiệt của cơ thể. Một số loại thuốc cũng có thể làm người sử dụng có nguy cơ cao bị say nắng như thuốc ức chế beta, thuốc lợi tiểu và một số loại được sử dụng để điều trị trầm cảm, rối loạn tâm thần, hoặc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

5. Không ở lâu trong xe ô tô đang đậu

Không ở lâu trong xe ô tô đang đậu

Trên các phương tiện truyền thông đã ghi nhận rằng có nhiều trường hợp tử vong khi trẻ em lại trong chiếc xe ô tô đang được đậu vì nhiệt độ của xe có thể tăng lên khá cao. Khi đậu xe dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong xe của bạn có thể tăng hơn 6,7 độ C trong 10 phút. Khi chạy xe thì bạn thường bật điều hòa để duy trì nhiệt độ ổn định nên tránh được tình trạng này.

6. Giữ môi trường thoáng mát

Môi trường làm việc thoáng mát, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò rất có ý nghĩa trong việc phòng chống say nắng, say nóng. Khi ấy, bạn không chỉ thấy thoải mái, dễ chịu để làm việc hiệu quả hơn mà còn tránh được tình trạng tăng thân nhiệt quá mức dẫn đến bị say nắng.

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị say nắng nếu không biết cách đề phòng cẩn thận. Vì vậy, bạn cần biết phải làm gì khi ai đó bị say nắng, cũng như chú ý cách phòng ngừa say nắng để bảo vệ sức khỏe của bản thân tốt hơn nhé!