Bí quyết tìm việc cho lao động lớn tuổi
Đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho người lao động (NLĐ) trung niên, khiến họ mất việc hàng loạt và gặp khó khi quay lại thị trường lao động. Khảo sát mới đây của tổ chức phi lợi nhuận AARP (Mỹ) cho thấy 78% NLĐ từ 40 – 65 tuổi cho biết đã bị phân biệt tuổi tác khi đi tìm việc. Đây là tỉ lệ cao nhất mà AARP ghi nhận kể từ năm 2003 – thời điểm tổ chức này bắt đầu theo dõi nhóm lao động trung niên.
Chịu thiệt vẫn không được tuyển
Hiện trong các bản tin tuyển dụng đều đưa ra mức tuổi trong điều kiện tìm ứng viên. Thông thường, các nhà tuyển dụng chọn ứng viên ở độ tuổi 20 – 35 hoặc cao nhất là 40. Rất ít tin tuyển dụng không giới hạn độ tuổi khiến những ứng viên lớn tuổi gặp nhiều khó khăn khi ứng tuyển.
Nhiều lao động tuổi trung niên đến các ngày hội việc làm để tìm kiếm công việc phù hợp
Gần 20 năm kinh nghiệm làm kế toán kho, cuối năm 2021, bà Dương Thị Ngọc Giàu (44 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) rơi vào cảnh thất nghiệp do dịch bệnh. Từ đó đến nay, bà gửi hồ sơ ứng tuyển hơn 10 công ty nhưng chỉ có 3 nơi gọi đi phỏng vấn. “Một công ty ở Bình Dương quá xa nên tôi từ chối, còn 2 công ty ở TP HCM thì đòi hỏi cao ở kỹ năng thực hành, phải sử dụng thành thạo phần mềm kế toán mới nhất. Do vậy, dù chấp nhận mức lương thấp hơn trước nhưng tôi vẫn không được nhận” – bà kể. Để có thu nhập, bà Giàu vừa bán hàng online vừa nhận hồ sơ kế toán về làm.
Ông Lưu Đức Thanh (45 tuổi; ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), vốn là giảng viên dạy tin học, cũng rơi vào hoàn cảnh như bà Giàu. Do phải chăm sóc cha mẹ già yếu nên ông xin nghỉ giảng dạy ở trường và tìm việc tại các công ty gần nhà. Thế nhưng, ông đều nhận được những cái lắc đầu. “Kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm ở trường của tôi chưa đủ thuyết phục doanh nghiệp (DN) bởi họ cần nhiều hơn thế. So với ứng viên trẻ, tôi mất lợi thế về sự đa năng cũng như quỹ thời gian” – ông Thanh thất vọng.
Chọn công việc phù hợp trình độ
Bà Đinh Kim Nhung – Trưởng Bộ phận Nguồn nhân lực, Tập đoàn Masan (quận 1, TP HCM) – khuyên NLĐ trung niên nên đối diện với thực tế tuổi tác thay vì né tránh. Quan trọng nhất là NLĐ trung niên cần có tinh thần không bỏ cuộc.
Theo chuyên gia nhân sự này, tuổi tác đang là vấn đề của NLĐ nhưng chưa hẳn là vấn đề của DN. Nếu NLĐ cho DN thấy được tuổi tác không là vấn đề với vị trí công việc mà họ ứng tuyển thì cơ hội sẽ rộng mở. DN cũng cần có NLĐ trung niên để cân bằng văn hóa DN trong chiến lược giữ nhân tài.
Để chinh phục được nhà tuyển dụng, bà Nhung cho rằng NLĐ có tuổi cần chuẩn bị một bộ hồ sơ thật chỉn chu theo hướng hiện đại. “Lọc hồ sơ là khâu đầu tiên trong quy trình tuyển dụng. Vì vậy, qua được vòng này hay không phụ thuộc vào sự chỉn chu và chuyên nghiệp của ứng viên. Do vậy, NLĐ cần đầu tư kỹ cho khâu quan trọng này” – bà Nhung nói. Theo bà, nhà tuyển dụng thường sử dụng các ứng dụng robot, AI (trí tuệ nhân tạo) để lọc hồ sơ ứng viên, vì thế NLĐ có tuổi nên nộp hồ sơ trực tiếp thay vì trực tuyến. Làm như vậy để tránh bị robot loại bỏ vì DN thường ưu tiên độ tuổi trẻ hơn.
Là DN sử dụng nhiều lao động lớn tuổi, bà Lương Tú Anh – Giám đốc Công ty CP BPO Mắt Bão (quận Tân Bình, TP HCM) – cho biết sức khỏe thể chất và tinh thần rất quan trọng với NLĐ có tuổi. Vì vậy, trước khi ứng tuyển, ứng viên lớn tuổi cần tập luyện để có thần thái tươi trẻ nhất có thể.
“Là đơn vị cung ứng nhân lực thuê ngoài và dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp nên công ty có đông lao động có tuổi. Họ được đào tạo trước khi đi làm nên khi tuyển dụng, chúng tôi chú trọng đến sức khỏe, tinh thần làm việc và tính kỷ luật. Vì thế, có thể nói độ tuổi chưa ảnh hưởng gì đến sức lao động và giá trị lao động, vấn đề là sử dụng đúng vị trí việc làm” – bà Tú Anh nhìn nhận. Theo bà, NLĐ có tuổi cần chọn cho mình những công việc phù hợp với trình độ và tay nghề. Thời gian làm việc cũng cần được tính toán để cân bằng giữa gia đình và công việc.
“Để cạnh tranh sòng phẳng với các ứng viên trẻ, NLĐ có tuổi cần cập nhật kiến thức chuyên môn theo xu hướng và kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ phục vụ công việc” – bà Đinh Kim Nhung lưu ý.