Bí quyết phân biệt các loại phụ tùng ô tô – Gialeauto.vn
Phụ tùng ô tô hiện có rất nhiều loại khác nhau như: Phụ tùng chính hãng, phụ tùng thay thế, phụ tùng đã qua sử dụng và đặc biệt là các loại phụ tùng không chính thức hay còn gọi là hàng nhái.Vì vậy, người tiêu dùng rất dễ bị người bán lừa gạt về xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Dưới đây chúng tôi chia sẻ cho các bạn cách phân biệt các loại phụ tùng ô tô qua việc phân tích kỹ các khái niệm.
Nội Dung Chính
1.PHỤ TÙNG Ô TÔ CHÍNH HÃNG (GENUINE PARTS)
Là sản phẩm của chính hãng nhà sản xuất ô tô cung cấp. Nhà sản xuất ô tô chính hãng thiết kế kỹ thuật và đặt hàng các nhà máy sau đó phụ tùng được kiểm tra, giám sát và mang nhãn mác của nhà sản xuất ô tô. Nhà sản xuất ô tô tổ chức cung cấp linh kiện phụ tùng trên phạm vi toàn cầu.
Thông thường phụ tùng chính hãng chỉ do những đại lý chính thức tại Việt Nam của hãng sản xuất ôtô cung cấp và chỉ có thể mua ở đó. Tuy nhiên cũng có thể mua từ các đại lý chính thức của hãng ôtô đó tại nước ngoài điều này tăng cơ hội và tạo ra cạnh tranh về giá có lợi cho người tiêu dùng. Do đó, hàng chính hãng thường có giá cao nhưng chất lượng bảo đảm cùng với chế độ bảo hành nghiêm túc.
Tuy nhiên, với trình độ làm hàng nhái như hiện nay thì việc làm cho hàng OEM hay hàng không chính thức cũng như hàng cũ dễ dàng xảy ra tại các nhà cung cấp thứ cấp tại Việt Nam. Do vậy mua hàng của những đại lý chính thức là yên tâm hơn về chất lượng , nhưng nếu mua tại nhà cung cấp có uy tín và quan hệ bền chặt thì giá cạnh tranh hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.
2.PHỤ TÙNG THAY THẾ OEM (ORIGINAL EQUIPMENT MANUFACTURE)
Có thể hiểu là những sản phẩm do nhà sản xuất ô tô đặt hàng một nhà cung cấp khác sản xuất cho họ. Các nhà sản xuất xe hơi thường không sản xuất toàn bộ phụ tùng cho xe của họ. Đa phần các nhà sản xuất dùng phụ tùng của các nhà cung cấp – do nhà sản xuất ôtô thiết kế và đóng gói bao bì riêng với logo hoặc nhãn hiệu của nhà sản xuất xe hơi.
Nhà sản xuất xe hơi và nhà cung cấp có những điều kiện riêng ràng buộc nhau để nhà cung cấp sau một thời gian nhất định có thể sản xuất và bán lẻ phụ tùng ra thị trường dưới thương hiệu riêng của nhà cung cấp. Người tiêu dùng khi mua loại hàng này vẫn tin rằng mình đang mua phụ tùng ô tô chính hãng.
Loại phụ tùng thay thế – OEM này không phải là hàng thứ cấp, chất lượng kém với bao bì khác mà hoàn toàn giống với phụ tùng trên xe của nhà sản xuất nhưng nó được bán với giá rẻ hơn. Thông thường giá bằng khoảng 60% – 70%. Tuy nhiên, một nhà sản xuất OEM chỉ có thể làm một vài chi tiết nên không thể cung cấp đồng bộ nhu cầu của khách hàng được. Cũng vì vậy, chế độ bảo hành thì không thể bằng hàng chính hãng vì không có hệ thống đủ lớn để làm việc này. Khả năng cung cấp phụ tùng OEM của đại lý chính thức và nhà cung cấp liên kết với đại lý nước ngoài cũng giống phụ tùng chính hãng.
3.PHỤ TÙNG ĐÃ QUA SỬ DỤNG (SECONDHAND – RECYCLING PART)
Đa số đều là những phụ tùng được tháo rời từ các loại xe đã qua sử dụng nhập về với giá rẻ hoặc tháo trộm từ xe đắt tiền sau đó được các thợ sửa lại những bộ phận hư hỏng, gia công tút tát lại. Phụ tùng gì cũng có, tùy loại xe, đời xe, chất lượng đến giá thành, nhiều nhất vẫn là các bộ đèn, bộ đề, còi, mâm đúc, cản bảo vệ, bộ điện, nội thất trang trí, lốc điều hòa.
Khi mua các phụ tùng này cần có kinh nghiệm thực tế về phụ tùng định mua và liên kết chặt chẽ với người bán hàng tránh hàng sai khác tiền mất tật mang. Có những phụ tùng giống nhau không phân biệt được bằng mắt thường hoặc không có trang bị để đo như bánh răng thì bắt buộc phải lắp thử.
Đặc biệt phụ tùng điện tử như hộp đen thì có thể phần cứng giống nhau 100% nhưng không lắp được vì phần mềm khác nhau. Nếu đem thử thì có thể nguy hiểm trong quá trình thử. Mua bán phụ tùng đã qua sử dụng cũng nên mua ở nhà cung cấp uy tín có nhiều kinh nghiệm , kiến thức về sửa chữa ô tô. Thông thường áp dụng nhiều cho lĩnh vực xe tải hoặc xe chuyên dùng, xe cao cấp đắt tiền.
4.PHỤ TÙNG NHÁI THEO PHỤ TÙNG OEM
Loại phụ tùng nhái này được người bán nói rõ là không phải hàng chính hãng nhưng mạo danh là hàng phụ tùng OEM nên được bán với giá khá cao, thường tương đương với hàng OEM. Tuy nhiên, chất lượng không thể sánh bằng và nếu được bảo hành thì cũng chỉ được bảo hành từ 3 – 6 tháng. Phần lớn loại phụ tùng nhái được sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan.
Những phụ tùng ô tô thường phải thay thế, nhiều nhất là các loại bạc đạn, lọc dầu, phuộc, má phanh… Do vậy, đây cũng là những loại phụ tùng thường bị làm nhái nhiều nhất. Không nên mua những phụ tùng loại này cho dòng xe đắt tiền vì nếu xảy ra điều gì thì thiệt hại do mất uy tín rất lớn. Chỉ nên sử dụng hàng nhái với các chi tiết không quan trọng hoặc dùng tạm thời với sự đồng ý của chủ xe. Nếu kiểm soát được chất lượng hàng nhái thì có thể thay thế cho khách hàng đồng ý sử dụng nhất là xe rẻ tiền, xe tải.
5.PHỤ TÙNG NỘI ĐỊA, PHỤ TÙNG XUẤT KHẨU, PHỤ TÙNG KHU VỰC
Các hãng sản xuất ôtô thường ban hành các tiêu chuẩn chất lượng và tên gọi khác nhau cho từng loại xe cũng như phụ tùng của nó. Mỗi khu vực tuỳ theo điều kiện kinh tế, khí hậu mà các hãng cung cấp loại ôtô phù hợp. Ngoài ra một số hãng duy trì tiêu chuẩn chất lượng cao hơn với cùng loại sản phẩm khi bán sản phẩm đó trong nước như Nhật – Hàn Quốc. Do vậy loại phụ tùng cho xe xuất khẩu, phụ tùng cho xe nội địa, phụ tùng cho xe khu vực Trung đông, Châu Á, Châu Âu.
Nguồn phụ tùng trôi nổi đang bán trên thị trường được nhập về từ thị trường thứ 3,thứ 4 như Trung Quốc, Đài loan, Thái Lan… Bên cạnh đó là nguồn cung ứng các loại phụ tùng chính hãng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ , Ấn Độ – các quốc gia có nhiều loại xe lưu hành tại Việt Nam.
Phụ tùng cung ứng trong nước có nhưng không nhiều, chủ yếu là hàng gia công Các phụ tùng không quan trọng như ghế , đệm…giá rẻ .
6.CÁCH PHÂN BIỆT VÀ MUA PHỤ TÙNG Ô TÔ
Đối với những người không thành thạo về lĩnh vực kỹ thuật ôtô thì cách tốt nhất là đến các hãng bán phụ tùng chính hiệu của các hãng ôtô. Hoặc mua có bảo hành của nhà cung cấp có uy tín, địa chỉ rõ ràng .
Theo các chuyên gia kỹ thuật, có thể phân biệt phụ tùng giả bằng một số dấu hiệu cơ bản như:
Vỏ hộp/Bao gói: Chữ in hoặc logo trên bao gói phụ tùng giả không sắc nét hay nội dung chỉ tương tự như trên bao gói phụ tùng chính hiệu. Ví dụ chữ “Genuine Parts” thì trên phụ tùng giả in là “General Parts”.
Hình dáng bên ngoài: Phụ tùng giả thường được làm từ vật liệu rẻ tiền và thủ công nên các đường nét không sắc sảo, hình dạng kích thước không đều, vị trí hay tên phụ tùng in không chính xác. Ví dụ lọc dầu giả thường không được sơn phủ phần đế.
Giá phụ tùng: Phụ tùng giả thường có giá rẻ hơn phụ tùng chính hiệu rất nhiều do được làm từ các vật liệu rẻ tiền, không được kiểm nghiệm chất lượng.