Bí quyết luộc gà cúng Tết không bị nứt, không bị đỏ

BNEWS

Thông thường, các gia đình hay cúng gà trống với hy vọng con gà sẽ cất cao tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy để cả năm được tràn ngập ánh sáng, mưa thuận gió hòa, tiền tài, sức khỏe … được rạng rỡ.

Cách luộc gà cúng không nứt

Để có con gà cúng đẹp, thông thường người ta sẽ mổ moi, làm sạch. Sau khi làm gà xong cần rửa sạch tiết để nước không bị đục.

Chọn nồi sâu lòng, cho nước vào nồi ước lượng đủ ngập gà, đặt lên bếp nóng khoảng 50 độ C (để hạn chế nước trong thịt gà không bị tiết ra nước, giữ độ ngọt của thịt gà), cho muối gừng hành đập dập, rồi cho gà vào luộc. Nên buộc dáng gà trước khi bỏ vào nồi. Khi luộc cần lật đều hai bên để gà không bị vẹo.

Đun lửa tới sôi lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt bỏ bọt và cứ để thế khoảng 7- 8 phút (5 phút nếu là gà non để cúng Giao thừa, 10 phút với gà luộc để ăn).

 

Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút (để kiểm tra xem gà chín chưa có thể dùng đầu đũa chọc vào gà, nếu đũa đâm xuyên dễ dàng, nước ứa ra không có màu đỏ là đã chín).
Muốn da gà giòn, khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh, khi nguội hẳn thì vớt ra, để ráo. Tùy vào gà to hay nhỏ bạn có thể tăng hoặc giảm thời gian luộc sao cho phù hợp.
Giã nát củ nghệ rồi vắt lấy nước trộn mỡ gà đã rán vàng. Khi thấy gà đã ráo nước thì quét một lớp hỗn hợp này dàn đều lên phần da gà khi đã ráo nước. Đảm bảo gà luộc sẽ trông thật bóng bẩy và căng mượt nhìn thật hấp dẫn.
Sau đó tháo dây buộc gà, bày ra đĩa, mỏ gà cài bông hoa hồng đỏ rực (hoặc hoa tỉa từ củ hành lá xanh cũng đẹp mắt), tiết, lòng gà nhét lại vào bụng gà. Bày thêm một đĩa muối tiêu, chanh ớt thái mỏng và một ít lá chanh thái chỉ cho thêm phần hấp dẫn.

Thông thường thì có thể cúng bất cứ loại gà nào, nhưng để bày tỏ lòng thành và sự tôn kính của gia chủ đối với tổ tiên và cầu xin một năm mới tốt lành thì tốt nhất nên chọn loại gà ta tơ.
Hơn nữa, giao thừa (trừ tịch) là đêm mà theo quan niệm dân gian thì mặt trời ngủ sâu nhất, bởi thế nên người Việt thường hay cúng gà trống hơn là gà mái với hy vọng con gà sẽ cất cao tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy để cả năm được tràn ngập ánh sáng, mưa thuận gió hòa, con đường tiền tài, sức khỏe… được rạng rỡ, sáng sủa.
Nên chọn gà ri, con trống, có mào đỏ tươi nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, chân nhỏ. Gà nặng từ 1,2 kg- 1,5 kg là vừa đẹp khi trình bày trên đĩa.
Gà mua về cắt dây trói chân, thả vào lồng 2-3 tiếng để gà đi lại cho máu không tụ ở chân.

Dưới đây là văn khấn lễ tất niên ngày 30 Tết (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam – NXB Văn hóa – Thông tin):

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.
– Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ Thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.
– Con kính lạy chư gia Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nội ngoại họ …
Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm …
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại…
Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.
Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hòa thuận.
Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.
Nam Mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).

>>> Lễ cúng giao thừa ngoài trời và trong nhà: Những điều cần biết