Bí quyết giúp môn Lịch sử “biến hình” trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT | Giáo dục | Vietnam+ (VietnamPlus)

Bi quyet giup mon Lich su “bien hinh” trong Ky thi tot nghiep THPT hinh anh 1

Đề thi dễ hơn cùng nỗ lực trong dạy và học của giáo viên, học sinh đã cải thiện điểm số môn Lịch sử. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Kết quả môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 gây bất ngờ cho nhiều người khi lần đầu tiên phổ điểm môn này lệch trái, tỷ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ ở mức dưới 20%, thậm chí nhận “mưa” điểm 10 sau nhiều năm liên tiếp là môn có điểm thi vô cùng thấp, đa số thí sinh có điểm dưới trung bình và phổ điểm luôn luôn lệch phải.

“Kỳ tích” của môn Lịch sử

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử năm nay đạt điểm bình quân là 6,34 điểm. Mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình là 19,34%. Cả nước có 1.779 bài thi đạt điểm 10. Đây là những con số “kỳ tích” của môn học này khi liên tiếp các năm trước đó, kết quả thi của môn Lịch sử luôn rất thấp.

Trong suốt 6 năm qua, điểm trung bình của môn Lịch sử chỉ dao động quanh mốc 4 điểm, duy nhất năm 2020 vượt lên gần 5,2 điểm; điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là dao động trong khoảng từ 3 điểm (năm 2016) đến 4,5 điểm (năm 2020).

Năm 2018, môn Lịch sử gây choáng váng với tỷ lệ 83,45% thí sinh dự thi có điểm số dưới trung bình, điểm số nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25 điểm; điểm số trung bình của các thí sinh là 3,79 điểm. Năm 2019, tỷ lệ học sinh dưới trung bình môn lịch sử là 70%, nghĩa là cứ ba em dự thi thì có hai em dưới 5 điểm.

Bi quyet giup mon Lich su “bien hinh” trong Ky thi tot nghiep THPT hinh anh 2

Điểm trung bình và điểm số nhiều thí sinh đạt nhất ở môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT qua các năm.

Từ năm 2020, tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình môn này tiếp tục giảm còn 47% nhưng năm 2021 lại tăng lên 52%. Điểm trung bình môn Lịch sử năm 2020 là 5,19 điểm, năm 2021 là 4,97 điểm.

Theo đó, với mức trung bình đạt 7 điểm, tăng gần 3 điểm so với năm 2021, số bài thi đạt điểm dưới trung bình giảm hơn một nửa, số bài thi đạt điểm 10 tăng gấp 8 lần, môn Lịch sử đã trở thành một “hiện tượng” trong mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay khi lội ngược dòng ngoạn mục, không còn là môn “đội sổ” trong số các môn thi.

Bí quyết nào?

Tiến sỹ Trần Vân Anh, giáo viên môn Lịch sử tại Hà Nội, có nhiều yếu tố tác động đến việc tăng điểm số của một môn thi, như chất lượng dạy học được nâng lên; việc ôn tập phục vụ kỳ thi bám sát yêu cầu; cấu trúc đề giảm tỷ trọng câu khó, tăng tỷ trọng câu dễ.

“Phân tích bối cảnh năm học 2021-2022, việc dạy học không khác quá nhiều so với năm học 2020-2021, nên chất lượng dạy và học nếu có cải thiện cũng khó tạo nên đột phá thần kỳ. Cá nhân tôi đánh giá, nguyên nhân dẫn đến điểm thi cao trong năm 2022 đối với môn Lịch sử chủ yếu ở đề thi,” tiến sỹ Trần Vân Anh nhận định.

Bi quyet giup mon Lich su “bien hinh” trong Ky thi tot nghiep THPT hinh anh 3

Tỷ lệ học sinh có điểm dưới trung bình môn Lịch sử năm 2022 giảm hơn một nửa so với năm 2021, giảm hơn 4 lần so với năm 2018.

Phân tích cụ thể, cô Vân Anh cho hay nhìn từ hình thức, đề thi Lịch sử năm nay chỉ có ba trang, trong khi các năm trước là 4 trang, cho thấy cách diễn đạt câu hỏi và phương án trả lời ngắn gọn, đơn giản hơn so với trước.

Về cấu trúc nội dung, 95% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 5% thuộc lớp 11. Học sinh có thể chỉ tập trung vào ôn luyện phần kiến thức lớp 12 mà không cần ôn tập kiến thức lớp 11 vẫn có thể đạt điểm cao.

Về cấp độ nhận thức, 80% câu hỏi thuộc mức độ dễ, ghi nhớ và hiểu sự kiện (từ câu 1 đến 32); 20% câu hỏi ở mức độ liên hệ, so sánh, nhận định, đánh giá. Theo đó, học sinh có khả năng ghi nhớ và kỹ năng tư duy, áp dụng các chiến thuật làm bài trắc nghiệm có thể đạt điểm từ 8 trở lên. 

Về diễn đạt câu hỏi và các phương án trả lời đơn giản hơn so với các năm trước. Ví dụ ở mã đề 323, câu số 12 hỏi “Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương giúp đỡ việc lập mặt trận ở nước nào sau đây?”, chọn đáp án giữa Na Uy, Thụy Điển, Lào và Thụy Sỹ, học sinh dễ dàng chọn đáp án là Lào vì Lào thuộc Đông Dương còn 3 nước kia ở châu Âu.

Bi quyet giup mon Lich su “bien hinh” trong Ky thi tot nghiep THPT hinh anh 4

Số thí sinh đạt từ 9,5 điểm trở lên ở môn Lịch sử năm 2022 tăng mạnh.

Đây cũng là chia sẻ của thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết Trinh, giáo viên môn Lịch sử, Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Theo cô Trinh, nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất của việc điểm môn Lịch sử cao là đề thi. Đề thi phù hợp với đại trà học sinh, câu chữ tường minh, ngắn gọn, sát với nội dung học, với chương trình sách giáo khoa. Đề có 80% câu hỏi ở mức độ dễ, tăng 5% so với năm 2021. Câu vận dụng, vận dụng cao nhằm phân loại học sinh cũng là những dạng câu hỏi quen thuộc đã xuất hiện trong những đề thi năm trước.

[Một số địa phương dẫn đầu về điểm học bạ nhưng điểm thi… cuối bảng]

Bên cạnh đó, đề thi sát với đề tham khảo, học sinh có định hướng để ôn tập trước, không bị bỡ ngỡ khi làm đề thi chính thức.

Cũng đánh giá đề thi năm nay đã giảm độ khó so với năm trước và dự đoán trước việc điểm môn Lịch sử sẽ tăng lên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc thay đổi trong cách ra đề thi này là phù hợp để đánh giá tốt nghiệp cho học sinh. “Đề sẽ tốt hơn nữa nếu có thêm khoảng 4-5 câu hỏi phân loại học sinh,” cô Thảo nói.

Bi quyet giup mon Lich su “bien hinh” trong Ky thi tot nghiep THPT hinh anh 5

Theo các giáo viên, bên cạnh nguyên nhân quan trọng là đề thi thì cách dạy học môn Lịch sử trong các nhà trường cũng đã thay đổi tích cực. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh nguyên nhân quan trọng là sự thay đổi trong cách ra đề thi, các giáo viên cũng cho rằng kết quả điểm thi Lịch sử năm nay phản ánh nỗ lực của cả thầy và trò trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử bởi đề thi dù dễ hơn nhưng vẫn yêu cầu học sinh phải có kiến thức cơ bản và kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

“Vẫn có 19,34% học sinh có điểm dưới trung bình, điều này có nghĩa học sinh chỉ có thể làm tốt bài thi khi các em có quá trình học tập nghiêm túc không chỉ trong thời gian ôn tập mà còn trong suốt 12 năm học. Câu hỏi không khó như các năm trước nhưng vẫn đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ, hiểu, tổng hợp, suy luận và vận dụng kiến thức,” cô Tuyết Trinh nói.

Theo cô Tuyết Trinh, trong bối cảnh môn Lịch sử luôn là tâm điểm của dư luận, mỗi thầy cô giáo đều ý thức rõ trách nhiệm của mình, thấu hiểu những đòi hỏi của xã hội, phụ huynh và học sinh dành cho mình nên hầu hết các thầy cô đều ra sức trau dồi chuyên môn, điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Chất lượng dạy và học môn Lịch sử đang từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực trong nhà trường phổ thông. Thầy, cô giáo không chỉ truyền đạt những kiến thức trong sách giáo khoa theo cách một chiều mà đã có sự đầu tư, đổi mới phương pháp, tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút sự tham gia của học sinh, qua đó học sinh lĩnh hội kiến thức một cách tự nhiên.

“Kết quả mà học sinh đạt được trong kỳ thi vừa qua là một tín hiệu tốt phản ánh sự thay đổi trong quan điểm cũng như thực tế dạy và học, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử,” cô Trinh nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)