Bí quyết giúp học sinh chinh phục Hình học lớp 9
Để có nền tảng kiến thức cho kì thi vào 10, ngay từ đầu năm, học sinh cần nắm được hệ thống kiến thức và phương pháp học hiệu quả.
Thầy Nguyễn Hoàng Việt, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đưa ra một số lời khuyên giúp các em học tốt phần Hình học lớp 9.
Hệ thống kiến thức Hình học 9
Theo thầy Hoàng Việt, tổng quan chương trình Hình học lớp 9 bao gồm các chuyên đề: hệ thức lượng trong tam giác vuông, đường tròn, góc với đường tròn, hình nón – hình trụ – hình cầu. Trong Hình học lớp 9, học sinh cần chú ý những nội dung kiến thức cơ bản sau:
Thứ nhất là hệ thức cạnh và đường cao trong tam giác vuông – tỷ số lượng giác của góc nhọn. Đề thi thường áp dụng phần này vào các bài toán thực tế, áp dụng các công thức ở phần này để chứng minh trong phần đường tròn. Thứ hai là đường tròn – dây cung. Thứ ba là tiếp tuyến – vị trí tương đối (đường thẳng và đường tròn, đường tròn với đường tròn). Thứ tư là các loại góc trong đường tròn. Thứ năm là tứ giác nội tiếp. Thứ sáu là hình không gian với dạng bài chủ yếu tính diện tích xung quanh, diện tích toàn phần của 3 khối vừa đề cập ở bên trên, những bài toán về hình học không gian dừng ở mức độ vận dụng công thức.
Thầy Hoàng Việt nhấn mạnh: “Trong các nội dung trên thì mục thứ ba, tư, năm khá quan trọng, thường xuất hiện trong các bài thi vào 10. Đề bài thường yêu cầu chứng minh một đường là tiếp tuyến, điều kiện về tiếp tuyến… Các em cần chú trọng ôn tập và rèn luyện nhiều các bài tập liên quan đến các phần này”.
Thầy Nguyễn Hoàng Việt, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Phương pháp học tốt Hình học lớp 9
Để học tốt Hình học lớp 9, thầy Hoàng Việt cho rằng đầu tiên, học sinh cần nắm vững các kiến thức ở lớp dưới, bao gồm: đường thẳng và góc (chú ý đường thẳng song song và đường thẳng vuông góc), tam giác (chú ý các đường trong tam giác, các loại tam giác đặc biệt như tam giác cân, tam giác đều, tam giác vuông…). Với tứ giác, học sinh cần chú ý các hình tứ giác đặc biệt như hình bình hành, hình thoi, hình vuông, hình chữ nhật.
Tiếp theo, các em bắt buộc phải thuộc và hiểu các định nghĩa, định lý trong Hình học lớp 9, tự tổng hợp lại một cách ngắn gọn nhất ra giấy sau mỗi bài học. Sau đó, giải quyết một bài toán hình lần lượt theo các bước như sau:
Bước 1: Đọc và phân tích đề. Đây là bước khá quan trọng nhưng nhiều học sinh chủ quan, chỉ đọc lướt qua đề bài, không phân tích kĩ càng dẫn đến kết quả làm bài bị sai. Các em nên rèn luyện thói quen nghiên cứu đề khoảng 5 phút, tư duy cách làm bài khái quát sau đó mới thực hiện giải đề bài.
Bước 2: Vẽ hình. Để làm được một bài hình, điều đầu tiên phải vẽ được hình đẹp, hình vẽ chuẩn, chỉ cần vẽ sai một chi tiết nhỏ cũng sẽ dẫn đến bài giải bị sai lệch. Ngoài ra, việc vẽ hình đẹp, bắt mắt, trình bày khoa học cũng góp phần giúp cho bài thi của học sinh dễ chiếm cảm tình của người chấm điểm.
Bước 3: Suy luận (xuôi và ngược). Đối với những câu hỏi dễ có thể suy luận xuôi đề bài theo hướng từ trên xuống dưới hoặc có kinh nghiệm làm bài tốt. Đối với những câu hỏi khó hơn có thể suy luận ngược, đó là muốn có điều D thì phải chứng minh điều C, muốn có điều C phải chứng minh điều B, muốn có điều B phải chứng minh điều A, luôn phải đặt câu hỏi để có được điều này thì phải làm điều gì trước đó.
Bước 4: Trình bày lời giải. Việc trình bày lời giải rất quan trọng, phải trình bày rõ ràng, dễ hiểu, không được trình bày cẩu thả.
Ngoài những chia sẻ về phương pháp học tốt Hình học lớp 9, thầy Hoàng Việt cũng nhắn nhủ các em nên có tinh thần tự giác học tập ngay từ đầu năm học, rèn cho mình thói quen sinh hoạt khoa học để có thể chuẩn bị thật tốt cả về kiến thức, kỹ năng lẫn sức khỏe cho kỹ thi vào 10.
(Nguồn: HOCMAI)