Bị não úng thủy nên chữa lúc nào là tốt nhất?

Bạn đọc LÊ NGỌC (ở Đồng Tháp) hỏi: Tôi có đứa cháu được chẩn đoán bị não úng thủy bẩm sinh, nay lên 3 tuổi, đầu cháu rất to. Xin hỏi bệnh này có chữa được không và chữa lúc nào là tốt nhất? 

 ThS-BSCK2 CHU TẤN SĨ trả lời: Giãn não thất hay còn gọi là não úng thủy, tràn dịch não là hậu quả của tình trạng mất cân xứng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tủy. Não úng thủy bẩm sinh là tình trạng giãn não thất xảy ra từ khi trẻ được sinh ra. Dịch tích tụ đó không phải là nước, mà là dịch não tủy. Dịch não tủy di chuyển một cách tuần hoàn qua não, mang theo các chất dinh dưỡng quan trọng và loại bỏ chất thải từ các tế bào. Thông thường, dịch não tủy sẽ được hấp thụ lại vào hệ thống tuần hoàn chung.

Não úng thủy có thể xảy ra khi có sự chênh lệch giữa tốc độ hấp thu và sản xuất ra dịch não tủy, dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch. Dịch ứ đọng làm cho đầu bị to ra và tăng áp lực trong hộp sọ.

Não úng thủy bẩm sinh có thể xảy ra do hẹp đường lưu thông giữa các não thất; dị tật ống thần kinh; nang màng nhện; hội chứng Dandy – Walker, dị tật Chiari… Siêu âm thai định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề về sự phát triển não bộ của thai nhi.

Đối với những trường hợp trẻ bị não úng thủy bẩm sinh, cha mẹ nên đưa con đi khám sớm để có chỉ định điều trị phù hợp, đặc biệt là giai đoạn 6 tháng – 9 tháng tuổi. Ở thời điểm trước 1 tuổi, não trẻ phát triển mạnh nhất, nhanh nhất nên cần có sự can thiệp sớm nhất.

Nếu can thiệp sớm ở những trẻ giãn não thất từ 6 tháng đến 1 tuổi, sự hồi phục của não có thể gần như bình thường trở lại.

Nếu can thiệp chậm hơn, áp lực trong sọ tăng nhiều sẽ ức chế sự phát triển tế bào não. Do đó, sau này nếu có phẫu thuật thì tế bào não cũng không thể bình thường trở lại, một số chức năng chính của người bệnh sẽ bị mất. Vì vậy, gia đình nên đưa cháu đi khám sớm để được tư vấn hướng điều trị tốt nhất.