Bị lừa đảo phải làm sao? Lấy lại tiền khi bị lừa chuyển khoản?

Tìm hiểu về các phương thức lừa đảo? Khi bị lừa đảo cần làm gì? Lấy lại tiền khi bị lừa chuyển khoản bằng cách nào? Làm thế nào để không bị lừa đảo?

Hiện nay, nhiều cá nhân dựa vào tâm lý chung và nhu cầu của mọi người là muốn kiếm thêm thu nhập hoặc nhận phần thưởng, phần quà…. mà thực hiện không ít chiêu trò lừa đảo qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra. Vậy, chúng ta cần làm gì khi bị lừa đảo để lấy lại khoản tiền mà mình đã bị lừa. Bài viết dưới đây, luật Dương Gia sẽ tư vấn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện khi bị lừa đảo để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi người.

Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568

1. Tìm hiểu về các phương thức lừa đảo:

1.1. Bị lừa đảo chuyển khoản:

Ngày nay, khi hệ thống ngân hàng được mở rộng, nhu cầu sử dụng tài khoản ngân hàng rất phổ biến, hầu hết mọi người đều chi tiêu thông qua tài khoản thay vì sử dụng tiền mặt. Việc sử dụng tài khoản ngân hàng đem lại rất nhiều tiện ích như: Có thể thanh toán ở bất kỳ đâu, người ở miền Bắc vẫn có thể giao dịch mua bán và thanh toán cho người ở miền Nam, thậm chí là ở nước ngoài, không cần phải cầm quá nhiều tiền mặt tránh trường hợp bị đánh rơi, chi trả nhanh bằng cú pháp…..Cũng chính vì những tiện ích đấy mà các đối tượng lừa đảo cũng dễ dàng tiếp cận và dụ dỗ mọi người để chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển khoản.

Cách thức của những tên lừa đảo là đưa ra những thông tin gian dối nhưng rất hấp dẫn mọi người, đưa ra các giấy tờ, tài liệu giả để chứng minh về nhân thân của chúng, tạo dựng niềm tin với mọi người rằng chúng làm ăn uy tín, có giấy tờ hợp pháp, rõ ràng từ đó dụ mọi người chuyển khoản thực hiện giao dịch nhưng sau khi nhận được tiền thì cắt đứt liên lạc, chặn mọi ứng dụng, số điện thoại liên hệ.

Việc chuyển khoản thường được diễn ra các hình thức như: Giả mạo là công an thông báo cho người dân vi phạm giao thông yêu cầu nộp phạt, Gửi các đường link để dụ người dân ấn vào link đó để làm các thủ tục của ngân hàng và lấy mã OTP thẻ ngân hàng, rút toàn bộ số tiền trong thẻ, Giả mạo là tổng đài của các công ty lớn thông báo người dân trúng thưởng và yêu cầu người dân nộp tiền cọc để nhận phần quà…

1.2. Bị lừa đảo vay tiền online:

Khi xã hội càng hiện đại, đi kèm theo đó là những dịch vụ phát triển đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Trước đây, nếu vay tiền thì chỉ có cách ra trực tiếp ngân hàng là thủ tục hoặc vay qua các cá nhân nhưng phải viết giấy tờ kí tá. Tuy nhiên, công nghệ phát triển, những chiếc điện thoại thông minh được sử dụng như một công cụ hữu ích, mọi người có thể tìm thấy mọi thứ thông qua chiếc điện thoại này và trong đó có cả những app vay tiền online đội lốt những ngân hàng. Bản chất tất cả những app này đều là do bọn lừa đảo từ lập nên để dụ người dân vay với lãi suất hấp dẫn, thủ tục nhanh chóng thay vì phải xin giấy tờ, chứng minh thu nhập người dân chỉ cần nhập thông tin, chụp ảnh Chứng minh thư/CCCD là đã có thể vay được một khoản tiền.

Hình thức vay dễ dàng, lãi suất hấp dẫn, không cần thế chấp hay tín chấp vẫn có thể vay 30 triệu, 50 triệu đã thu hút rất nhiều người đăng ký vay. Tuy nhiên khi đăng nhập vào các app vay tiền này người dân lại bị dắt mũi bằng các thủ đoạn như: Người dân nhập sai số tài khoản cần phải chứng minh tài chính thì tiền mới được giải ngân, trong khi mọi người đều chắc chắn không nhập sai số tài khoản hay bất kỳ thông tin gì nhưng trên app vẫn bị sai, đấy là do bọn chúng có thể tự điều chỉnh và không ít người đã tin và chuyển những khoản tiền 10 triệu, 20 triệu để khắc phục sự cố đó. Mọi chuyện sẽ không dừng lại ở những con số đó, sau khi nạp khoản tiền chứng minh tài chính vào người dân lại bị dụ nộp thêm những khoản tiền khác vì những lý do khác với lời hứa hẹn sẽ hoàn lại số tiền đó khi xác minh xong.

1.3. Bị lừa đảo nhận quà từ nước ngoài:

Những app như facebook, Tinder, zalo… là những app giải trí, là nơi để mọi người kết bạn làm quen ngay cả với những người nước ngoài. Thông qua những app này, những đối tượng lừa đảo cũng lợi dụng lòng tin của con người cũng như đánh vào lòng tham của mỗi người, lập những nick ảo giả danh người nước ngoài hoặc có thể cấu kết với những người nước ngoài để kết bạn, làm quen sau đó đề nghị sẽ tặng cho mọi người một món quà, có thể là tiền, cũng có thể là mỹ phẩm, trang sức… Khi mọi người đồng ý nhận quà thì những đối tượng này sẽ thông báo đã gửi thùng quà về Việt Nam, tuy nhiên đơn vị vận chuyển yêu cầu nộp phí, Hải quan phát hiện có số tiền lớn trong thùng nên phải nộp thuế mới lấy quà ra được. Nếu người nào nhẹ dạ cả tin sẽ nhanh chóng chuyển khoản số tiền như bọn chúng yêu cầu, còn nếu từ chối không nhận thì bọn chúng sẽ đe dọa rằng sẽ làm đơn lên cơ quan công an tố cáo mọi người về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bọn chúng,… đe dọa về mặt tinh thần khiến cho rất nhiều người hoang mang. Hoặc trường hợp khác có thể là đề cập muốn về Việt Nam du lịch, gửi hành lý về trước và nhờ mọi người nhận hộ và khi nhận hộ thì lại phải trả phí trước,tất nhiên bọn chúng hứa hẹn sẽ trả lại khoản tiền đó, hoặc là thủ đoạn nhờ mua đất ở Việt Nam và đứng tên hộ, bọn chúng sẽ gửi tiền về…

2. Khi bị lừa đảo cần làm gì?

Mất tiền là điều không ai mong muốn, tuy nhiên khi rơi vào trường hợp bị lửa đảo mọi người cần bình tĩnh, tránh trường hợp để những đối tượng lừa đảo đó kích động về mặt tinh thần, cũng như việc dụ dỗ ngon ngọt và tiếp tục bị lừa thêm tiền. Ngay khi phát hiện mình bị lừa, trước hết mọi người nên chụp lại tất cả những thông tin giao dịch, trao đổi giữa hai bên sau đó in toàn bộ bằng chứng ra để gửi tới cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh các đối tượng này là ai, đang ở đâu để có thể lấy lại được tài sản mà mình đã bị lừa.

Sau khi đã chuẩn bị các bằng chứng, chứng cứ, thông tin của các đối tượng lừa đảo, người dân có thể thực hiện một trong các cách sau đây để tố cáo tới cơ quan công an:

Một là, Gọi điện thoại đến đường dây nóng của Cục cảnh sát hình sự để tố cáo, số điện thoại: 0692348560

Hai là, Phản ánh đến trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thông qua website: http://tingia.gov.vn hoặc số hotline 18008108

Ba là, Làm đơn tố cáo gửi trực tiếp đơn cơ quan công an hoặc gửi qua bưu điện.

Thủ tục trình báo công an:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, thu thập bằng chứng, chứng cứ nhiều nhất có thể như những tin nhắn trao đổi, biên lai chuyển tiền, các thông tin của đối tượng lừa đảo như số tài khoản, số điện thoại, số chứng minh nhân dân mà chúng đã cung cấp, địa chỉ thường trú, facebook, zalo, hình ảnh nếu có. Sau đó, chuẩn bị các hồ sơ như sau:

Đơn trình báo

Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân của người gửi đơn

Bản sao có công chứng sổ hộ khẩu của người gửi đơn

Chứng cứ kèm theo để chứng minh ( Video, hình ảnh để chứng minh như đã nêu trên)

Bước 2: Gửi tất cả hồ sơ, tài liệu đến cơ quan công an cấp xã hoặc công an cấp huyện

Lưu ý: Thời gian để giải quyết đơn tố cáo là 45 ngày, sau 45 ngày nếu không nhận được phản hồi gì từ cơ quan có thẩm quyền người dân có thể làm thủ tục khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan.

3. Lấy lại tiền khi bị lừa chuyển khoản bằng cách nào?

Như đã nêu ở trên, các đối tượng lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn để dụ người dân chuyển khoản như gửi đường link, giả mạo công an yêu cầu nộp phạt, dụ dỗ làm việc online hoặc nhận quà trúng thưởng và chuyển khoản đặt cọc.

Khi bị lừa tiền chuyển khoản, trước tiên mọi người có thể liên hệ với ngân hàng mà mình đang sử dụng để báo cáo vụ việc để phía bên ngân hàng hỗ trợ kiểm tra thông tin của các đối tượng, truy soát, đồng thời có thể hỗ trợ phong tỏa tài khoản ngân hàng đối tượng bên kia khi có căn cứ hoặc khi bọn chúng chưa rút hoặc thực hiện giao dịch với số tiền đó.

Tiếp sau đó, mọi người phải làm đơn trình báo với cơ quan công an nơi mình đang cư trú để cán bộ điều tra xem xét vụ việc và xác minh các thông tin, kết hợp làm việc với phía ngân hàng lấy lại số tiền mà mọi người đã bị lừa thông qua hình thức chuyển khoản.

4. Làm thế nào để không bị lừa đảo?

Việc sử dụng internet như một con dao hai lưỡi, chúng ta nên biết cách sử dụng để tiếp cận các thông tin, kinh doanh an toàn. Nguyên nhân dẫn tới nhiều người bị lừa đảo là do những đối tượng lừa đảo đó nắm bắt được nhiều thông tin của mọi người, facebook, zalo… là những nơi để chia sẻ, giao lưu nhưng nên lưu ý không được để lộ quá nhiều thông tin, hình ảnh của mình lên những trang mạng xã hội để những đối tượng xấu tìm hiểu và tiếp cận chúng ta hoặc chúng có thể sử dụng những thông tin, hình ảnh đó để bêu xấu, đe dọa chúng ta phải chuyển tiền.

Bên cạnh đó, phải luôn luôn cảnh giác với những người bạn quen qua mạng, khi họ có ý định tặng quà hay nhờ vả, dụ dỗ thì phải biết cách từ chối, không tham lam để dẫn tới hậu quả tiền mất tật mang

Ngoài ra, khi có số điện thoại lạ liên hệ yêu cầu cung cấp thông tin thì phải từ chối, bởi công an sẽ không lấy thông tin qua cuộc gọi điện thoại mà khi cần các đồng chí công an sẽ triệu tập đến trụ sở công an để làm việc, không ấn vào những đường link không rõ nguồn gốc, nếu là tin nhắn từ ngân hàng thì phải gọi lại số tổng đài của ngân hàng để xác nhận lại.

Và cuối cùng, điều quan trọng nhất để không bị mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng là không được phép cung cấp mã OTP cho người khác.

Xã hội càng hiện đại thì sẽ càng phức tạp, chúng ta phải luôn cảnh giác với những người lạ có ý tiếp cận chúng ta để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi xảy ra trường hợp xấu nhất phải liên hệ tới các cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ.