Bị đau bụng nên làm gì? 5 cách giảm đau bụng hiệu quả tại nhà
Nội Dung Chính
Bị đau bụng nên làm gì? 5 cách giảm đau bụng hiệu quả tại nhà
Những cơn đau bụng bất chợt có thể khiến mọi hoạt động của chúng ta bị gián đoạn. Vậy bị đau bụng nên làm gì? Cách giảm đau bụng như thế nào hiệu quả?
Chắc hẳn bạn đã từng ít nhất một lần gặp phải trường hợp đột nhiên đau bụng mà không rõ nguyên do, không biết cách xử lý như thế nào và phải chịu đựng tới khi cơn đau dần qua đi.
Ở bài viết này, Bách hóa XANH sẽ cùng bạn tìm hiểu nguyên nhân gây đau bụng và những việc cần làm khi bị đau bụng nhé.
1Nguyên nhân bị đau bụng
Đau bụng có thể âm ỉ kéo dài suốt cả tiếng đồng hồ, nhưng cũng có trường hợp đau quặn theo từng cơn hoặc căng tức ở khu vực chấn thủy. Những tín hiệu này cho thấy nguyên nhân khác nhau của cơn đau bụng, trong đó thường gặp nhất là những nguyên nhân sau:
Đầy hơi khó tiêu
Ăn quá nhiều chất béo hoặc chất đạm trong một bữa rất dễ sinh ra một lượng khí thừa nhất định. Lượng khí này tích tụ trong dạ dày, cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn và gây ra tình trạng đầy hơi.
Lúc này, nhẹ thì bạn sẽ ợ hơi liên tục, tồi tệ hơn thì bạn sẽ phải vật lộn với những cơn đau thắt bụng do khí đang tìm cách thoát ra khỏi dạ dày.
Táo bón
Táo bón là tình trạng chất thải của hệ tiêu hóa (phân) không được thải ra khỏi cơ thể và tắc nghẽn ở trực tràng, khiến bạn không thể đi vệ sinh suốt nhiều ngày.
Táo bón có thể gây ra đau quặn bụng dưới kéo dài khoảng từ 1-3 phút mỗi lần và đau rát khi đi ngoài.
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa thường gặp ở nam giới hơn nữ giới, dấu hiệu đặc trưng là cơn đau bụng nặng dần trong thời gian từ 6-24 giờ, lan truyền từ giữa bụng đến vùng hông bên phải.
Sỏi thận
Sỏi thận hình thành từ chất khoáng có trong nước tiểu và lắng đọng lại trong thận. Khi viên sỏi trở nên quá lớn và bị kẹt lại ở một vị trí nào đó, những cơn đau bụng dữ dội sẽ xuất hiện.
Cơn đau bụng do sỏi thận xuất phát từ sau lưng, sau đó lan ra tới bụng rồi đùi trong, nó kết thúc khi viên sỏi thận lọt qua vị trí bị tắc.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi ăn phải thức ăn ôi thiu, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hoặc ăn nhầm thực phẩm có chứa độc tố.
Ngộ độc thực phẩm thường gây ra những vấn đề về đường tiêu hóa như: nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy,… Sau khi nôn hoặc đi ngoài, cơn đau bụng sẽ giảm bớt.
2Đau bụng nên ăn gì?
Những cơn đau ở vùng bụng thường khiến bạn mất cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, nhịn ăn uống sẽ khiến cơ thể bạn càng thêm mệt mỏi, đuối sức. Vì vậy, bạn nên ăn những loại thực phẩm phù hợp để giúp cho hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.
Hoa quả và rau xanh
Khi bị đau bụng, bạn cần nạp thêm một lượng chất xơ vừa đủ và tránh các loại đồ chiên rán, dầu mỡ. Một số loại trái cây dễ ăn có thể kể đến như: chuối, táo, lê,… Rau lá cũng là thực phẩm bổ sung chất xơ và không gây nặng bụng.
Cơm trắng
Gạo lứt là một loại ngũ cốc chứa nhiều chất dinh dưỡng và ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, người bị đau bụng cần chú ý nên ăn cơm trắng thay vì cơm gạo lứt, gạo nếp để tránh nạp dư thừa chất xơ, làm phản tác dụng và khiến cơn đau bụng dữ dội hơn.
Sữa chua
Trong sữa chua có nhiều lợi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa như Lactobacillus bulgaricus, Streptococcus thermophilus,… vì vậy sữa chua cũng là một lựa chọn thích hợp để giảm triệu chứng đau bụng.
3Đau bụng nên uống gì để giảm đau?
Trà gừng và hoa cúc
Trà hoa cúc có hiệu quả rất tốt trong việc giảm các triệu chứng đau bụng do tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, đầy hơi,… Bên cạnh đó, gừng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và giảm cảm giác buồn nôn.
Nước dừa
Uống nước dừa để cân bằng lại lượng chất khoáng trong cơ thể đã bị đào thải do nôn mửa, từ đó ổn định độ pH của đường ruột, làm dịu bớt cơn đau bụng.
Nước chanh
Trong chanh có chứa vitamin C có tác dụng kháng viêm, giúp duy trì lượng nước và các chất điện giải trong cơ thể. Để tăng cường hiệu quả của chanh, hãy pha thêm một chút muối và nước ấm. Nước chanh muối giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giải quyết chứng đầy hơi, ăn không tiêu,…
45 cách giảm đau bụng hiệu quả tại nhà
Chườm nước ấm
Chườm nước ấm là một biện pháp hữu hiệu thường được các chị em phụ nữ sử dụng để làm dịu cơn đau bụng dưới vào mỗi kỳ kinh nguyệt.
Không chỉ có vậy, thực ra chườm ấm cũng có tác dụng giảm đau bụng trong phần lớn các trường hợp. Nhiệt độ của nước giúp thư giãn ổ bụng, điều hòa sự co bóp của dạ dày và ruột, từ đó giảm bớt cơn đau bụng.
Massage bụng
Xoa bụng nhẹ nhàng theo cùng một chiều từ phải sang trái hoặc từ trái sang phải giúp điều chỉnh nhịp độ “làm việc” của hệ tiêu hóa, là một dạng hỗ trợ bằng cách tác động vật lý để giúp cơ bụng hoạt động ổn định hơn, cơn đau bụng cũng vì vậy mà giảm bớt.
Ăn các loại thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa
Như đã giới thiệu ở trên, một số loại hoa quả và nước uống có thể làm dịu bớt cảm giác khó chịu do đau bụng, thậm chí là chữa khỏi hoàn toàn các chứng đầy hơi, khó tiêu,… mà không cần uống thuốc.
Một lưu ý nhỏ khi sử dụng các loại thực phẩm này là hãy chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn mỗi lần một ít chứ không ăn đến mức no căng bụng mới dừng lại.
Uống trà thảo mộc
Trà thảo mộc có nhiều công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe và cũng là một biện pháp làm giảm đau bụng được truyền lại từ xa xưa.
Cách pha trà thảo mộc cũng rất đơn giản: Chỉ cần một chút nước nóng pha cùng một trong các loại thảo mộc như bạc hà, thì là, tía tô, ngải cứu là bạn đã có ngay một ly trà giảm đau bụng rồi.
Nâng cao đầu khi nằm
Khi dạ dày và cổ họng nằm trên cùng một đường thẳng, axit trong dạ dày dễ bị trào ngược khiến cơn đau bụng trở nên khó chịu hơn.
Để khắc phục, bạn nên kê gối cao khoảng 10-20cm khi nằm để nâng cao vị trí của đầu so với bụng, đảm bảo hệ tiêu hóa được hoạt động trơn tru.
Trong bài viết trên, Bách hóa XANH đã nêu ra một số nguyên nhân gây ra chứng đau bụng cũng như các biện pháp đơn giản để giải quyết tình trạng này, kính chúc quý khách hàng sức khỏe!
Nguồn: hellobacsi tham vấn y khoa bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền
Chọn mua trái cây chất lượng tại Bách hoá XANH để bồi bổ sức khỏe:
Bách hóa XANH