Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh hòa

Bệnh Cơ Xương Khớp thường gặp trong thực tế hiện nay


Bs CK2. Phan Hữu Chính

Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình và Bỏng

Bệnh viện đa khoa Tỉnh Khánh Hòa

( Bài viết dành riêng cho các trang web của bệnh viện đa khoa Tỉnh Khánh Hòa tháng 11/2014 )

Trog xu hướng ngày càng phát triển của các ngành công nghiệp hiện đại, của cuộc sống hiện tại và của cả xã hội thì mô hình bệnh về cơ xương khớp cũng đã  biến đổi rõ nét trong nhiều thập niên qua.

Sự phát triển không ngừng vượt bậc của ngành y trên thế giới cũng đã có tầm ảnh hưởng không nhỏ đến ngành y tế trong nước nói chung và của Tỉnh Khánh Hòa nói riêng, đặc biệt chuyên khoa cơ xương khớp, là một trong những chuyên khoa đã cập nhật liên tục và áp dụng nhiều phương pháp, phương tiện hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị tốt hơn. Các phương tiện chẩn đoán chính xác hơn, nhanh hơn như CT, MRI, MSCT, PCR, miễn dịch học, tế bào học…và nhiều phương pháp điều trị được lựa chọn để phù hợp hơn cho từng bệnh nhân như điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu, thuốc, can thiệp tối thiểu (như phẫu thuật nội soi, cấy ghép sụn, tế bào máu tự thân) hay phẫu thuật thay thế (như thay khớp, chuyển gân cơ, gân nhân tạo… ).

Bệnh cơ xương khớp là một trong những bệnh hay gặp nhất hiện nay vì bệnh  đa dạng, gặp ở mọi lứa tuổi và ở bất kỳ giới nào, chủng tộc nào…như đau thắt lưng, viêm mòn khô khớp (thoái hóa khớp), viêm nơi bám gân (viêm gân cơ chóp xoay của vai, viêm cân gan bàn chân, viêm gân lồi cầu ngoài cánh tay…), gout, loãng xương, viêm bao gân… ngoài ra còn có các bệnh miễn dịch (viêm đa khớp dạng thấp, viêm gân khớp tự miễn, viêm khớp trong lupus ban đỏ, viêm xơ cơ…), bệnh cơ xương khớp do nghề nghiệp và các bệnh nhiễm trùng như lao (lao khớp, lao bao gân…), nhiễm trùng khớp, viêm xương, mô mềm ngày càng diễn biến phức tạp.

Trong bài viết này chỉ xin nêu các bệnh cơ xương khớp thường gặp hiện nay.

          1.BỆNH ĐAU THẮT LƯNG

Bệnh hay gặp nhất hiện nay,  một người sau tuổi trưởng thành ít nhất cũng 1 lần đau thắt lưng, bệnh hay tái phát, có thể lên tới 70 – 85%;  những bệnh nhân trẻ tuổi mà bệnh đau thắt lưng dai dẳng làm ảnh hưởng đến sức lao động, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình, là gánh nặng của xã hội.

          Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau thắt lưng là do căng cơ vùng thắt lưng kéo dài hay đột ngột, đa số là do tính chất nghề nghiệp (thường gặp ở những người làm nghề bốc vác, ngư dân, thợ may, thợ hồ, thợ điện tử, nhân viên văn phòng…) hay sau chấn thương (do tai nạn lao động hay tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt).

Ngoài ra, còn do nguyên nhân từ bệnh lý của rễ thần kinh lưng, thắt lưng như: gai cột sống, xẹp cột sống do loãng xương hay chấn thương; bệnh lý tủy sống như: u tủy, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống ống, chèn tủy sau chấn thương…

Đau nhiều khi vận động: lăn trở người, từ nằm chuyển sang tư thế ngồi, khom cúi, xách nặng, ngồi lâu…đôi khi đau lan dọc xuống dưới chi dưới

          Điều trị:  Dù do nguyên nhân gì thì điều đầu tiên trong phác đồ điều trị là hướng dẫn bệnh nhân để cho vùng cơ thắt lưng và cột sống nghỉ ngơi hoàn toàn . Bệnh nhân phải nằm trên nệm cứng, đôi khi phải mang nẹp hỗ trợ vùng thắt lưng trước khi ngồi hay di chuyển nhiều.  

Thuốc chỉ giúp làm bệnh nhân giãn cơ, giảm đau trong cơn đau, làm xương cứng hơn, khớp trơn láng hơn chứ hoàn toàn không điều trị được nguyên nhân của bệnh. Bệnh lành hay tái phát hoàn toàn phụ thuộc vào việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân, người bệnh cần phải có chế độ nghỉ ngơi và tập vật  lý trị liệu đúng cách do các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn.

Bơi là phương pháp vật lý trị liệu tự nhiên và tốt nhất vì khi xuống nước, cơ thể con người hoạt động tốt nhưng không chịu lực nhiều trên hệ thống cột sống, háng, gối… máu sẽ lưu thông tốt hơn khi cơ thể hoạt động. Đa số nguyên nhân của bệnh là sự quá tải của vùng cơ thắt lưng hay cột sống nên giảm sự chịu lực trong lao động và sinh hoạt là yếu tố quan trọng nhất trong điều trị lâu dài, sự giữ gìn và tập luyện đúng cách sẽ theo bệnh nhân suốt đời mới  mong lành bệnh hay không tái phát bệnh.

          Phẫu thuật cũng đặt ra ở các bệnh nhân sau điều trị bảo tồn thất bại (không quá 3 tháng) hay đã có biến chứng như teo cơ chi, rối loạn đường tiểu…mà do các nguyên nhân thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, u chèn rễ tủy sống, sau chấn thương gây chèn tủy…

          2. GOUT

Là 1 bệnh chuyển hóa, bệnh chủ yếu gặp ở nam giới (95%) hay uống bia, tuổi hay gặp từ 30 – 50, nhưng gần đây cũng thường thấy bệnh nhân ở độ tuổi < 30 và đôi khi cũng gặp bệnh nhân > 70 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh gout ngày càng tăng do mức sống nhiều ngày càng nâng cao, thói quen uống bia rượu, ăn nhiều thịt, ít vận động…

          Đa số bệnh nhân trong những lần khởi bệnh đầu tiên không nghĩ là mình bị gout, vì  acid uric trong máu chỉ là 1 trong 12 triệu chứng của tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh gout (theo Hiệp hội khớp Châu Âu 2010), nên việc chỉ dựa vào nồng độ acid uric trong máu cao hay thấp mà kết luận đã mắc bệnh hay chưa là hoàn toàn sai lầm. Và vì gout là bệnh chuyển hóa nên khi bệnh nhân đã được chẩn đoán chính xác mắc bệnh gout rồi thì bệnh sẽ đi theo bệnh nhân suốt cả cuộc đời và tiến triển theo thời gian.

Triệu chứng lâm sàng: của cơn gout cấp là bệnh nhân đột ngột sưng đau 1 khớp, thường tù nửa đêm về sáng; đau tối đa trong 24 giờ đầu. Đa số là khớp bàn ngón chân cái với sưng, nóng, đỏ, đau… nhưng gần đây cũng thường gặp ở khớp gối, các khớp bàn ngón tay, khớp khuỷu, khớp háng và cả các khớp cột sống cũng có thể gặp. Bệnh nhân đến khám muộn có thể có các cục tophy (chứa tinh thể  urat : các chất trắng như vôi) hay suy thận.

Điều trị: Chế độ ăn là quan trọng nhất, bệnh nhân cần hoàn toàn kiêng cử các chất thịt, bia, rượu, hải sản,…Nên phơi nắng, bơi, đạp xe đạp. Thuốc chỉ giúp làm bệnh không nặng hơn, xảy ra biến chứng chậm hơn chứ không điều trị hết bệnh nên bệnh nhân phải phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của Bác sĩ để kiểm soát bênh. Các biến chứng do dùng thuốc giảm đau kéo dài và các thuốc không rõ loại trong dân gian ngày càng hay gặp, biến chứng do thuốc thường nặng và kéo dài, ảnh hưởng đến thể chất và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng vì thế mà suy giảm nặng do đó đòi hỏi sự hợp tác của bệnh nhân trong điều trị bệnh là điều quan trọng. Chườm lạnh trong giai đoạn cấp của gout cũng góp phần giảm đau

3. THOÁI HÓA KHỚP

Thoái hóa khớp là một loại tổn thương viêm khớp do tổn thương và mất sụn mặt khớp ( mòn sụn, sụp xương, khô chất nhờn, chai xơ dây chằng bao khớp), đây là nguyên nhân cơ học, theo năm tháng các khớp nào hoạt động nhiều thì sẽ thoái hóa sớm và nhiều hơn, hay gặp nhất là khớp gối, sau đó là cột sống, các ngón tay, cổ chân, háng, vai…thường gặp nữ giới, tuổi trung niên hay già, bệnh nhân béo phì, nghề nghiệp hay leo trèo thì bệnh đến sớm và nặng hơn.

Ngoài nguyên nhân cơ học như trên,  bệnh nhân sau chấn thương, gãy xương vùng gối, sau hóa trị trong ung thư, dị tật hay vẹo trục chi dưới thì khớp gối thoái hóa sớm hơn…

Các triệu chứng lâm sàng báo hiệu bệnh:

–         Đau, sưng, hạn chế chức năng của khớp, đau tăng khi vận động hay chịu lực trên khớp đó.

–         Khi đi hay vận động khớp kêu lạo xạo.

–         Khó khăn khi lên xuống cầu thang, ngồi xuống đứng dậy.

–         Nghỉ ngơi đau sẽ giảm.

–         Giai đoạn muộn thì khớp sưng, đau liên tục; cứng khớp; vẹo trục chi.

Vì nguyên nhân cơ học nên giảm tải trên vùng khớp bị bệnh và tập sức chịu đựng khớp bệnh đúng cách là quan trọng nhất, bệnh nhân cũng phải giảm cân an toàn. Các thuốc hiện tại không điều trị được thoái hóa khớp mà chỉ là giảm đau, hỗ trợ phục hồi sụn, chất nhờn (đa số là thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc).

Nếu bệnh nhân thoái hóa khớp nặng (độ 3) mà gia đình có điều kiện nên phẫu thuật nội soi súc rửa khớp gối và bơm chất nhờn nhân tạo vào trong khớp. Các thuốc kháng viêm corticoid có chỉ định rất chặt chẽ khi tiêm vào trong khớp bởi các bác sĩ chuyên khoa vì biến chứng và tác dụng phụ thuốc này rất nặng, đôi khi gây tàn phế cho bệnh nhân.

Giai đoạn cuối của thoái hóa khớp (độ 4), bệnh nhân được tư vấn thay khớp toàn phần hay bán phần, hiện tại bệnh viện đa khoa Tỉnh Khánh Hòa đã và đang làm tốt các phẫu thuật nội soi, thay được các loại khớp háng, gối, ngón tay do thoái hóa…

 


Hình 2: Các khớp hay gặp trong thoái hóa khớp

 

4. CÁC BỆNH NƠI BÁM GÂN

Là các bệnh gây viêm nơi bám của gân vào xương, ví dụ dễ hiểu như là dây neo thuyền kéo căng dài ngày gây cho cái neo của thuyền bị bong lên dần dần.

Bệnh là sự tổn thương lâu ngày, khởi phát với đau tăng dần hay đột ngột tại nơi bám gân vào xương, làm hạn chế cử động khớp hay các động tác của chi liên quan đến gân bị bệnh. Nếu không điều trị sẽ mất chức năng 1 phần hay hoàn toàn chi hay khớp liên quan.

          4.1. Viêm gân chóp xoay ở vai

Lâm sàng là có các cơn đau có đặc điểm đau vùng vai lan lên tới cổ (làm dễ chẩn đoán lầm với thoái hóa cột sống cổ), lan xuống cánh tay nhưng dừng lại ở vùng trên khuỷu tay. Đau vào ban đêm khuya đôi khi làm bệnh nhân mất ngủ, đau khi nằm nghiêng bên vai bị đau. Cảm giác yếu, mỏi cánh tay khi nhấc tay và khi làm việc với cánh tay tư thế dạng. Bệnh lâu ngày dẫn tới rách phức tạp gân của nhóm cơ chóp xoay sẽ làm bệnh nhân cử động vai khó khăn, đặc biệt khi dang tay lên tới đầu làm cho chải đầu hay gài áo ngực ở phụ nữ khó khăn, sẽ có một giới hạn vận động  –   tức là ở một đoạn nào đấy gây đau, các đoạn còn lại không bị đau.

          Chẩn đoán chủ yếu qua lâm sàng;.  Chỉ chụp cộng hưởng từ (MRI) khi có chỉ định đúng (sau 4 tuần điều trị bảo tồn mà bệnh không diễn tiến tốt hay khớp vai đau và mất chức năng nặng hoặc khi có chỉ định phẫu thuật).

Điều trị: vai đau phải nghỉ hoạt động, đôi khi cần treo tay. Điều trị bậc 1 bằng thuốc uống giảm đau, giãn cơ cần chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi cần thiết mới tiêm thuốc kháng viêm vào dưới gân là bậc 2 trong điều trị. Bậc 3 là phẫu thuật nội soi khi điều trị bảo tồn thất bại 1 đến 3 tháng hay qua MRI vai có tổn thương đứt gân cơ chóp xoay, sạn trong gân, trong khớp;  rách sụn viền…

Tập vật lý trị liệu đúng cách mới giúp bệnh nhân phục hồi khớp vai dần dần, nếu không thì mất chức năng khớp một phần hay hoàn toàn. Bệnh nhân cần giúp đỡ và hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu, không thể nào tự tập mà thành công.

          4.2. Viêm nơi bám gân lồi cầu xương cánh tay ( tennis elbow: khuỷu tay của người chơi tennis ) nhưng thực tế bệnh nhân không có chơi tennis hay cầu lông vẫn đa số gặp bệnh này.

          Bệnh khởi phát với đau nhiều hay khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày ( như quét nhà với tay đau, bê nồi cơm, dắt xe hay xách nặng), đau ngay lồi cầu xương của đầu dưới xương cánh tay nên bệnh nhân hay nhằm là đau cục xương, nhưng thực tế làm đau giao tiếp giữa gân và xương do căng nhóm cơ sấp cẳng tay.

Điều trị: các động tác gây đau nên nghỉ hẳn hay hạn chế làm, nẹp hổ trợ  giúp bệnh nhân dỡ đau, mau lành bệnh và không tái phát, nhưng đa số bệnh nhân mang nẹp không đúng, nẹp được làm chuyên dụng cho bệnh này, nẹp mang đúng vị trí là dưới điểm đau ở cánh tay 3 cm ngay phần trên cẳng tay chứ không qua khuỷu tay.

HÌNH 1: Vị trí mang nẹp đúng trong tennis elbow

 dưới nơi đau (vòng tròn) 3cm

Điều trị bậc 1 là thuốc uống hay thoa tại chỗ, chỉ là thuốc kháng viêm và giảm đau hay thuốc giãn cơ chứ không điều trị được nguyên nhân. Bệnh nhân đến muộn hay điều trị bằng thuốc uống 7 đến 10 ngày mà không đỡ phải dùng thuốc tiêm ngay dưới gân bởi bác sĩ cơ xương khớp là điều trị bậc 2. Bậc 3 trong điều trị là phẫu thụât xâm nhập tối thiểu, khi điều trị thuốc tiêm từ 1 dến 3 tháng mà không thành công. Phẫu thuật là chỉ định cuối cùng khi không còn phương pháp nào khác, vì sau phẫu thuật bệnh nhân phải treo tay bệnh 4 tuần và giữ gìn từ 3 đến 6 tháng.

          Tập vật lý trị liệu đúng trong và sau điều trị mới mong phục hồi chức năng tay bệnh.

          4.3. Viêm cân gan bàn chân:  bệnh đau vùng mặt dưới của gót chân khi đứng hay đi, nhất là sau khi ngủ dậy hay đứng dậy sau ngồi lâu, thường gặp ở nữ giới, tuổi trung niên 40 – 60 tuổi, bệnh nhân mập khó lành bệnh hơn. Nguyên nhân bệnh là cân gan bàn chân căng quá mức lâu ngày (như dây cung bị căng lâu ngày gây hư chỗ cuối của dây cung), nếu đến muộn sẽ xuất hiện gai gót trên phim X-quang.

          Điều trị bảo tồn là quan trọng, bệnh nhân phải biết giữ gìn: hạn chế đi đứng, luôn luôn mang dép mềm, trong nhà, đi vệ sinh cũng phải mang dép, thoa thuốc kháng viêm giảm đau dạng gel tại vùng gót đau từ 5 đến 10 phút sau khi ngủ dậy và trước khi ra khỏi gường. Nên giảm cân và tập thể dục tránh hạn chế chịu lực trên vùng gót nên không chạy nhảy, đi bộ xa, tập tạ tư thế đứng… mà nên bơi, đi xe đạp.

Điều trị cũng 3 bậc như tennis elbow: thuốc viên, thuốc chích và phẫu thuật.

5. VIÊM HẸP BAO GÂN

Hay gặp nhất là viêm khô hẹp bao gân gấp các ngón tay (ngón tay cò súng,  trigger finger),  viêm bao gân dạng ngón tay cái (De Qeuvains),bệnh hay gặp ở nữ giới, tuổi tiền hay mãn kinh, bệnh viêm bao gân dạng ngón cái có thể gặp bệnh nhân có thai hay sau sinh. Ngón tay cò sứng có thể gặp ở trẻ sơ sinh do bẩm sinh. Người bình thường thì các ngón tay hoạt động được là do gân kéo, thả trong bao gân trơn láng, vì mòn và khô chất nhờn hay nguyên nhân gì đó gây phù nề các  dãi xơ bao gân gây hẹp các eo (ròng rọc) của bao gân làm khó khăn khi co duỗi các ngón tay, nên gây đau và hạn chế cơ năng ngón tay ảnh hưởng đến làm việc và sinh hoạt. khó khăn nhất là mỗi sáng sau khi thức dậy, các ngón tay duỗi khó và đau, nếu cố gắng duỗi kêu “bật” như bóp cò súng nên còn gọi là ngón tay cò súng.

Hình 2: triệu chứng và vị trí đau trong ngón tay cò sung ngón 3 tay phải

Điều trị: đầu tiên tay đau phải nghỉ hoạt động, nhiều bệnh nhân bẻ ngón tay đau mong hết kẹt nhưng điều đó làm vùng bệnh viêm hơn, càng phù nề hơn làm gân bị kẹt nặng hơn. Một số bệnh nhân phải mang nẹp cố định trong giai đoạn đầu của điều trị. Bậc 1 là thuốc uống chỉ là thuốc kháng viêm, giảm đau và bệnh sẽ phục hồi dần nếu bệnh nhân đến sớm và điều trị đúng phác đồ; nếu nặng hơn hay đến muộn sau 3 tuần, phải tiến hành bậc 2 là tiêm thuốc ngay trên bao gân. Sau 1 tháng điều trị bậc 2 mà bệnh không đỡ hay tái phát phải đặt vấn đề phẫu thuật.Phẫu thuật giải quyết được nguyên nhân nhưng phải cần bác sĩ chuyên khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình, bệnh nhân phải mang nẹp và không tiếp xúc với nước trong 2 tuần.                

6. LOÃNG XƯƠNG

Là sự mất cân bằng giữa yếu tố tạo và hủy tế bào của xương, xương được hoàn thiện theo sự phát triển của cơ thể từ tuổi dậy thì đến 25 tuổi và vững chắc đến khoảng 40 tuổi, sau đó theo tuổi tác, sinh hoạt, thay đổi nội tiết hay bệnh tật làm cho các tế bào tạo xương yếu dần cả chất và số lượng, sẽ dẫn đến loãng xương. Theo tổ chức y tế thế giới loãng xương bây giờ là dịch, tức là không chỉ trên cá nhân rãi rác mà trên cả cộng đồng, loãng xương không có triệu chứng nhưng gây hậu quả lớn là gãy xương do loãng xương, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ, chi phí y tế cao mà hiệu quả không như mong muốn cả bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và thầy thuốc.

Theo thống kê, tại Việt Nam (2009), trên 2.5 triệu người bị loãng xương,    bệnh loãng xương hay gặp ở nữ giới ( khoảng 66% ) sau 60 tuổi.

Các xương hay gãy ở bệnh nhân loãng xương là cổ xương đùi, thân cột sống lưng, thắt lưng; đầu dưới xương quay, đầu trên xương cánh tay… chỉ sau chấn thương nhẹ trượt té đập mông hay chống tay. Các gãy xương này dù điều trị tốt đến đau cũng để lại di chứng nặng nề.

Các yếu tố nguy cơ loãng xương:

–         Tuổi càng lớn nguy cơ loãng xương càng cao.

–         Phụ nữ tiền và sau mãn kinh.

–         Phụ nữ sinh nhiều con.

–         Các bệnh mãn tính như: hen, suy thận, lao hay bệnh nhân dung corticoid kéo dài…

–         Người ít vận động, ít phơi nắng…

Chẩn đoán gãy xương hiện nay cần nhìn nhận cẩn thận, chỉ có máy chụp qua cổ xương đùi và thân cột sống (DEXA) mới chẩn đoán có độ chính xác tin cậy cao hơn các hệ thống khác chứ không phải hoàn toàn 100%.

Điều trị: phòng ngừa vẫn là yếu tố quan trọng nhất, khi gần 40 tuổi phải có chế độ sinh hoạt vận động hợp lý, tắm biển và phơi nắng là điều tốt nhất mà phù hợp mọi lứa tuổi. Phải bổ sung các chất dinh dưỡng cho xương qua thức ăn tự nhiên, sữa và thuốc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, không nên để thừa cân, vì trọng lượng càng lớn thì gánh nặng lên hệ thống cơ xương khớp càng lớn và sẽ dẫn đến mau hư mòn, suy sụp hơn.

Các thuốc được gọi là điều trị loãng xương dù có những tiến bộ vượt bậc trong nhiều năm qua, nhưng vẫn có tác dụng phụ ngắn hay dài hạn, hiện tại vẫn chưa có một thuốc nào được gọi là hoàn hảo để điều trị loãng xương dù điều trị lâu dài, tốn kém nhiều mà kết quả không  như mong muốn.

7. HỘI CHỨNG ỐNG CỔ TAY (Carpal tunnel syndrome)

          Nguyên nhân là do chèn thần kinh giữa ở vị trí cổ bàn tay, thần kinh giữa nằm trong cùng 1 bao xơ với 8 gân gấp, vì nguyên nhân nào đó bao xơ chèn ép lên thần kinh này gây đau, tê mà chủ yếu 4 ngón tay mà không bao gồm ngón tay út, tê đau hơn khi lái xe, cầm đũa hay điện thoại…

          Chẩn đoán chính xác qua đo điện cơ (EMG) của thần kinh giữa, nhưng cẩn thận với tổn thương thần kinh giữa do bệnh lý rễ cột sống cổ, viêm thần kinh ngoại biên do đái đường hay nguyên nhân khác…

          Điều trị gồm 3 bậc:

–         Bậc 1: dùng thuốc uống và tập vật lý trị liệu. Nhưng hiệu quả thấp và nhiều tác dụng phụ.

–         Bậc 2: thuốc tiêm tại chỗ, tại nước ta chỉ áp dụng gần đây và chưa rộng rãi, thuốc tiêm mang lại hiệu quả trước mắt mà bệnh nhân không ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.

–         Bậc 3: Phẫu thuật khi đã có biến chứng là teo ô mô cái hay điều trị bảo tồn thất bại sau 1 đến 3 tháng, cần phẫu thuật viên chuyên khoa. Phẫu thuật giải quyết được nguyên nhân chèn ép nhưng phải mang nẹp tay và không tiếp xúc với nước 2 đến 4 tuần.

Trên đây chỉ là 7 bệnh cơ xương khớp thường gặp hiện nay trong thực tế cuộc sống hiện tại, ngoài ra nhiều bệnh cơ xương khớp khác cũng cần khám, chẩn đoán và điều trị ở các Bác sĩ đúng chuyên khoa.

Tóm lại:

–         Bệnh cơ xương khớp xảy ra thường xuyên, mọi lứa tuổi, là bệnh mãn tính cho nên bệnh nhân cần hiểu thấu đáo về bệnh, cần tư vấn và điều trị ở Bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân cần chia sẻ với thầy thuốc về bệnh, thuốc, dinh dưỡng, tập luyện.

–         Chế độ sinh hoạt, tập luyện đúng ngay từ khi còn trẻ, khỏe góp phần lớn cho chất lượng cuộc sống tốt hơn về  sau với các bệnh cơ xương khớp.

–         Giữ gìn và tập vật lý trị liệu trong và sau quá trình điều trị góp phần phục hồi chức năng và khả năng sinh hoạt của bệnh nhân.

–         Điều trị tuân theo 3 bậc, nhưng thuốc luôn có tác dụng phụ của thuốc, cần cẩn thận và chỉ định đúng.

–         Nẹp hổ trợ đóng vai trò quan trọng giảm đau trong quá trình điều trị, góp phần bệnh mau lành và ít tái phát.

–         Chườm lạnh trong giai đoạn viêm cấp góp phần giảm đau hiệu quả, chườm lạnh gián tiếp, mỗi lần không quá 20 phút, mỗi ngày khoảng 5 lần hay lúc đau nhiều.

–         Phẫu thuật là phương án cuối cùng nhưng cũng không mang lại sự hài lòng cho bệnh nhân.

–         Khám lâm sàng vẫn là điều quan trọng nhất, các các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm giúp chẩn đoán chính xác. MRI phải có chỉ định đúng chứ không thể lạm dụng để cho bệnh nhân yên tâm gây tốn kém do chi phí cao , mất thời gian mà không có giá trị trong chẩn đoán và hiệu quả trong điều trị.

–         Chưa có những nghiên cứu uy tín nào khẳng định các loại thực phẩm chức năng làm cho các bệnh cơ xương khớp lành bệnh hay giảm tái phát.

 

12/22/2014

Các tin liên quan khác.

QT Đtri Ung thư biểu mô TB Gan tại BVĐKKH

Báo cáo hai trường hợp nối đứt lìa cổ bàn tay phức tạp tại Bệnh Viện Đa Khoa Khánh Hòa

Các bài báo cáo khoa học (HHTM)

NGHỊ QUYẾT 09 Ban hành bảng giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước

Báo cáo tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2014

Bệnh tắc nghẽn mạn tính động mạch chi dưới

Tài liệu của Hội nghị TM Việt Đức diễn ra vào ngày 26.11.2014 tại Hội trường A.

Bệnh Cơ Xương Khớp thường gặp trong thực tế hiện nay

TĂNG TIẾT MỒ HÔI BÀN TAY VÀ NÁCH

Bài học cuộc sống từ người đàn ông “thông thái nhất thế giới”