Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện

Vừa qua, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.

Báo cáo tại buổi làm việc, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, đề cập đến một số vấn đề như nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu một số thuốc chuyên khoa và thiết bị y tế cũng như việc thực hiện cơ chế tự chủ.

Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ khó khăn của Bệnh viện khi thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện.

Về vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, theo Tiến sĩ Dương Đức Hùng nhân viên y tế không bỏ đi làm nghề khác, chỉ chuyển từ bệnh viện công sang tư.

“Mong muốn của họ là thu nhập ổn định để nuôi gia đình. Như vậy khối bệnh viện công không đảm bảo được, trong khi bệnh viện tư đảm bảo được thu nhập cho nhân viên do thu cao hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định. Như vậy có sự bất bình đẳng giữa công và tư.

Vì vậy, chúng ta phải thay đổi các quy định. Khó khăn, vướng mắc này của Bệnh viện Bạch Mai cũng là của ngành Y tế, nếu giải được bài toán của Bệnh viện Bạch Mai cũng giải được bài toán của ngành”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng phân tích.

Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai cũng chia sẻ: Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai mạnh dạn đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 theo nhóm 2 – tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.

Việc đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai và trong lúc chờ Chính phủ có hướng dẫn, Bộ Y tế đã hướng dẫn, bệnh viện tiếp tục tự chủ nhóm 1 nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cũng đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cũng đề cập vấn đề chi tiền lương. Theo đó, do đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nguồn thu của Bệnh viện (giảm khoảng 4.000 tỷ trong 2 năm 2020-2021 so với năm 2019) và bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu. Bệnh viện chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ thực hiện được việc xác định Quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo viện đã rất nỗ lực duy trì thực hiện chi tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công và quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động của từng đơn vị.

Qua nghe báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai và những ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc của các Vụ, Cục tham gia đoàn công tác cũng như từ phía Bệnh viện Bạch Mai, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các Vụ, Cục tiếp thu các kiến nghị từ thực tiễn hoạt động của Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến đầu thầu thuốc, tự chủ nhân lực, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu… và chế độ đãi ngộ với y, bác sĩ.

Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thăm hỏi và động viên một số bệnh nhân đang chờ khám tại Bệnh viện Bạch Mai.

Đánh giá cao những nỗ lực của tập thể Bệnh viện Bạch Mai trong khám chữa bệnh cho nhân dân, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các y, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai dù có nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nhưng đã luôn có mặt tại các điểm nóng chống dịch theo điều động của Bộ Y tế. Cùng đó, bệnh viện đã làm tốt công tác phát triển y tế kỹ thuật cao, song song với đào tạo, chuyển giao, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho tuyến dưới”.

Liên quan đến vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ và nhân viên y tế, lương đặc thù cho y bác sĩ, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế đã có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị và cho phép ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Về vấn đề tự chủ, Quyền Bộ Trưởng Đào Hồng Lan thông tin, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện.

“Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, chúng ta muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính Phủ. Chúng tôi đang giao Vụ Tài chính làm việc với 2 đơn vị đang thực hiện tự chủ của Bộ để đánh giá kỹ, từ đó trình lên Chính phủ”, Quyền Bộ Trưởng nói.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho rằng: “Các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy cũng như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết, từ đó Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng trong quá trình triển khai thực hiện”.