Bệnh sán lá gan lớn: Các triệu chứng khi nhiễm bệnh là gì? Thuốc điều trị bệnh như thế nào?


Vừa qua tôi có nghe thông tin về bệnh sán lá gan lớn và nghe nói đó là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, tôi muốn hỏi về vấn đề như sau: Các triệu chứng khi nhiễm bệnh sán lá gan lớn là gì? Thuốc điều trị bệnh như thế nào? Mong nhận được phản hồi. Xin cảm ơn!

Chẩn đoán triệu chứng nhiễm bệnh sán lá gan lớn như thế nào?

Căn cứ Mục 4 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1203/QĐ-BYT năm 2022, theo đó quy định:

(1) Trường hợp bệnh nghi ngờ 

– Yếu tố dịch tễ: Người bệnh sống trong vùng sán lá gan lớn lưu hành.

– Có tiền sử ăn sống các loại rau thuỷ sinh và uống nước chưa hợp vệ sinh. 

– Bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng hướng tới bệnh sán lá gan lớn.

(2) Trường hợp bệnh xác định 

Trường hợp bệnh nghi ngờ và có các xét nghiệm sau:

– Xét nghiệm phân hoặc dịch mật tìm thấy trứng sán lá gan lớn. 

– Chẩn đoán miễn dịch học: ELISA phát hiện có kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh. 

– Có hình ảnh tổn thương của sán lá gan trên siêu âm/CT/MRI 

– Bạch cầu ái toan tăng cao

(3) Chẩn đoán phân biệt 

Cần phân biệt với một số trường hợp bệnh lý sau đây: 

– U gan: trên siêu âm cũng như chụp cắt lớp vi tính, hình ảnh của apxe gan do sán lá gan lớn đôi khi cũng giống hình ảnh của ung thư gan. Phân biệt cần dựa vào định lượng AFP. 

– Các áp xe do nguyên nhân khác như:

+ Áp xe gan amip

+ Áp xe gan vi khuẩn

+ Áp xe đường mật do sỏi, giun

– Tràn dịch màng phổi do lao hay nguyên nhân khác 

– Sẩn ngứa/mề đay do cơ địa hay nguyên nhân khác 

– Phân biệt một số trường hợp hiếm gặp: U đại tràng, áp xe vú, viêm bao hoạt dịch khớp gối, viêm cơ… rất hiếm gặp, do ấu trùng đi lạc chỗ.

Bệnh sán lá gan lớn: Việc chuẩn đoán và điều trị khi nhiễm bệnh? Phòng bệnh sán lá gan lớn như thế nào?

Bệnh sán lá gan lớn: Việc chuẩn đoán và điều trị khi nhiễm bệnh? Phòng bệnh sán lá gan lớn như thế nào?

Quá trình điều trị bệnh sán lá gan lớn như thế nào? Dùng thuốc điều trị gì?

Căn cứ Mục 5 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1203/QĐ-BYT năm 2022, theo đó quy định:

(1) Nguyên tắc điều trị 

– Điều trị bằng thuốc đặc hiệu để diệt sán lá gan lớn. Dùng thuốc lợi mật, nhuận tràng trước và sau điều trị thuốc đặc hiệu. 

– Điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, giảm đau…

– Nâng cao thể trạng, kết hợp theo dõi điều trị bệnh nền.

– Người bệnh tái khám sau điều trị 1 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị. 

– Nếu bệnh nhân còn nhiễm bệnh sán lá gan lớn thì tiếp tục điều trị nhắc lại liệu trình điều trị.

(2) Điều trị đặc hiệu 

– Thuốc Triclabendazole 250 mg liều duy nhất 20 mg/kg/ngày, chia 2 lần cách nhau giờ 6-8 giờ sau ăn no. 

– Chống chỉ định:

+ Người đang bị bệnh cấp tính khác

+ Phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú

+ Người có tiền sử mẫn cảm với thuốc hoặc một trong các thành phần của thuốc

+ Người đang vận hành máy móc, tàu xe

+ Người bệnh trong giai đoạn cấp của các bệnh mạn tính về gan, thận, tim mạch.

– Chú ý một số tác dụng không mong muốn của thuốc:

+ Đau bụng vùng hạ sườn phải, có thể đau âm ỉ hoặc thành cơn.

+ Sốt nhẹ.

+ Đau đầu nhẹ.

+ Buồn nôn, nôn

+ Nổi mẩn, ngứa.

– Xử trí tác dụng không mong muốn

+ Sử dụng thuốc giảm đau khi đau dữ dội.

+ Thuốc hạ sốt.

+ Thuốc chống dị ứng. 

+ Xử trí tuỳ theo các triệu chứng lâm sàng xuất hiện. Để bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, tuỳ biểu hiện của triệu chứng để dùng thuốc thích hợp.

(3) Điều trị triệu chứng 

– Nâng cao thể trạng.

– Nếu có biểu hiện viêm nhiễm phải điều trị bằng kháng sinh.

– Có biểu hiện ngứa phải dùng kháng Histamin. 

– Với các trường hợp có ổ áp xe gan kích thước lớn trên 6 cm mà điều trị bằng thuốc không có hiệu quả, có thể phối hợp với chọc hút ổ áp xe. 

– Điều trị ngoại khoa: Khi phát hiện muộn điều trị nội khoa không hiệu quả.

(4) Theo dõi sau điều trị 

Người bệnh được theo dõi các triệu chứng lâm sàng tại cơ sở khám chữa bệnh 07 ngày kể từ ngày uống thuốc. 

Trước khi ra viện đánh giá: công thức máu; chỉ số bạch cầu ái toan. Sinh hóa; chức năng gan, thận.

– Khám lại sau 1 tháng: áp dụng tất cả các trường hợp bệnh 

Các chỉ số đánh giá sau điều trị bao gồm:

+ Lâm sàng: các triệu chứng lâm sàng giảm hoặc hết.

+ Xét nghiệm

++ Công thức máu: đánh giá chỉ số bạch cầu ái toan.

++ Sinh hóa máu: Chức năng gan, thận, Bilirubin toàn phần, trực tiếp.

++ Siêu âm theo dõi tiến triển của tổn thương.

++Xét nghiệm phân hoặc dịch tá tràng tìm trứng sán lá gan lớn. 

++ Tuỳ từng trường hợp bệnh có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như ELISA…. 

++ Trong trường hợp xác định còn trứng sán lá gan trong phân hoặc dịch tá tràng thì điều trị bằng Triclabendazole lần thứ 2 với liều 20mg/kg, chia 2 lần, uống sau ăn, cách nhau 6 đến 8 giờ. Theo dõi tiếp như lần 1.

-. Khám lại sau 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng. 

+ Căn cứ vào tiến triển của bệnh qua lần khám lại 1 tháng sau điều trị để quyết định chỉ định khám lại sau 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng, theo dõi các chỉ số như mục 5.4.1. 

+ Trong thời gian theo dõi, tổn thương trên chẩn đoán hình ảnh nếu không giảm tiếp tục điều trị lại bằng Triclabendazole liều 20mg/kg chia 2 lần, uống sau ăn, cách nhau 6 đến 8 giờ.

Bên cạnh đó theo Mục 6 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1203/QĐ-BYT năm 2022, quy định về tiêu chuẩn khỏi bệnh sán lá gan lớn như sau:

– Hết triệu chứng lâm sàng 

– Các xét nghiệm cận lâm sàng trở về bình thường, đặc biệt tổn thương gan trên chẩn đoán hình ảnh

Cách phòng bệnh sán lá gan lớn là gì?

Căn cứ Mục 7 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1203/QĐ-BYT năm 2022, theo đó quy định:

– Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

– Truyền thông, giáo dục sức khoẻ: 

+ Không ăn sống các loại rau mọc dưới nước;

+ Không uống nước lã; 

+ Người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

– Chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan lớn tại vùng lưu hành bệnh.

– Định kỳ tẩy sán cho trâu, bò, cừu, dê…