Bệnh nhân tố bác sĩ tự ý cắt thận: Phó Giám đốc BV Việt Đức nói gì?
GS. TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, đúng là có việc bệnh nhân Lê Thị Hà phản ánh về việc bị cắt thận cách đây 4 năm.
GS. TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức lý giải việc bệnh nhân tố bác sĩ cắt nhầm thận.
Bà Lê Thị Nga (SN 1964, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) vừa có đơn kiến nghị việc bệnh viện cắt nhầm thận cho bà.
Theo bà Nga, cách đây 4 năm (vào tháng 12/2015) đi khám tại BV Việt Đức và được xác định có sỏi thận nên được phẫu thuật mổ mở để lấy sỏi.
Trước khi phẫu thuật bà Nga và người nhà là Lê Văn Bảy (anh trai) được bác sĩ BV giải thích là mổ để lấy sỏi và gia đình ký cam kết. Sau phẫu thuật, bà Nga xuất viện về quê và từ thời điểm đó đến nay vẫn không biết mình bị mất thận trái.
Ngày 20/7/2019, bà Nga thấy đi tiểu buốt, tiểu ra máu nghi bị sỏi thận nên ra BV Việt Đức thăm khám.
Sau khi thăm khám, bà Nga được cho đi chụp Xquang tại BV và chụp cắt lớp. Kết quả cho thấy bà không có thận trái. Sau khi nhận kết quả siêu âm, chụp Xquang, gia đình bà Nga không biết tại sao bà lại mất thận trái.
Ngày 25/7, bà và người nhà quay trở lại BV Việt Đức thắc mắc về kết quả chụp cắt lớp không có thận trái. Lúc này, BV siêu âm lại lần 2 cho kết quả không thấy thận trái. BV kết luận bà không có thận trái.
Trao đổi với PV, GS. TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, đúng là có việc bệnh nhân Lê Thị Hà phản ánh về việc bị cắt thận cách đây 4 năm.
“Việc bệnh nhân bị siêu âm thấy 2 thận là “đúng”. Sau đó, các bác sĩ có nghi ngờ nên đã cho đi chụp Xquang lại và chỉ thấy 1 thận. Đây là sai sót của bác sĩ. BV đã yêu cầu bác sĩ thực hiện siêu âm rút kinh nghiệm và nhắc nhở toàn đơn vị để mọi người cẩn trọng hơn’, GS. Sơn nói.
GS Trịnh Hồng Sơn cho biết, theo hồ sơ bệnh viện lưu lại về ca mổ cắt thận năm 2015 của trường hợp bệnh nhân Lê Thị Nga đều rất rõ ràng. Bệnh nhân có chỉ định mổ và đánh giá thận đã mất chức năng.
Ông Sơn khẳng định: “Trước khi thực hiện phẫu thuật đã giải thích với bệnh nhân và gia đình về những biến chứng trong phẫu thuật và gia đình đã ký cam kết. Trong đó, biến chứng chính là phải cắt thận hay biến chứng nặng nhất là tử vong”.
Bên cạnh đó, trong giấy ra viện của bệnh nhân cách đây 4 năm đã ghi rõ việc phải cắt bỏ thận cùng các loại giấy tờ liên quan khác: giấy chứng nhận cách thức phẫu thuật, giấy hẹn khám lại, đơn thuốc đều ghi rõ… và được giao cho bệnh nhân giữ.
“Trên giấy cam kết chỉ ghi là mổ chứ không ghi là “cắt thận”. “Trên giấy cam kết chỉ ghi là đã giải thích rõ các nguy cơ, chứ không ghi rõ là phải cắt thận vì như thế rất phản cảm”, GS. Sơn nói.
Trước thông tin việc gia đình cho rằng không biết việc phẫu thuật cắt thận, GS. Sơn cho rằng, như vậy là không đúng.
Ông Sơn lý giải, ngoài việc đã được giải thích, sau phẫu thuật bệnh nhân còn nằm điều trị tại BV một tuần. Trên phiếu theo dõi hàng ngày có ghi chữ cắt thận để gia đình bệnh nhân theo dõi.