Bến Tre: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển KT-XH
Bến Tre phấn đấu đưa Mekong Innovation Hub trở thành đơn vị tiên phong trong thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh và vùng ĐBSCL.
Đây là mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN &ĐMST) đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre (KH số 5611), gắn với việc tổ chức thực hiện Đề án số 04 của Tỉnh ủy Bến Tre về phát triển KHCN giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Tăng mạnh tỉ lệ KHCN trong tăng trưởng kinh tế
Theo Kế hoạch 5611, hằng năm, Bến Tre phấn đấu thực hiện ít nhất 50 nhiệm vụ KH&CN để chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ có gắn kết trực tiếp DN để nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng kết quả hoặc triển khai để tạo ra sản phẩm thực tế, kết nối thị trường thương mại hóa.
Đến năm 2030, tỉ trọng đóng góp của KH&CN thông qua năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7,5%/năm; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 30%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40%; giá trị sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường tăng bình quân 22%/năm và chiếm 10% tỉ trọng GRDP.
Hằng năm, tổ chức đào tạo 200 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, góp phần nâng cao năng lực áp dụng KHKTCN mới phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển sản xuất của các địa phương.
Phấn đấu đến năm 2030, có 60% sản phẩm dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; hỗ trợ 20-30 lượt DN tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ triển lãm thành tựu về KHCN và giới thiệu sản phẩm OCOP.
Phấn đấu đến năm 2030, các DN KHCN và ĐMST tăng 2 lần so với năm 2020; hỗ trợ 20 dự án khởi nghiệp ĐMST có sản phẩm kinh doanh; 100 sản phẩm ĐMST triển khai ứng dụng hiệu quả được công bố thông qua cuộc thi trong DN; thu hút 50 ý tưởng, dự án tham gia hội thi khởi nghiệp ĐMST đến từ các trường đại học, cao đẳng và phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2030, phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh đạt khoảng 39.000 người; số người làm công tác KHCN đạt 15 người/10.000 dân…
KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Theo Kế hoạc 5611, hoạt động KHCN của tỉnh Bến Tre tập trung phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Trong đó có một số nội dung nổi bật nhằm tạo biến chuyển về chất, có sản phẩm cụ thể.
Đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung hỗ trợ, hướng dẫn DN, HTX, nông dân ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Thực hiện việc phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao vào năm 2025. Bảo tồn, phát triển các giống dừa chất lượng cao và phát triển công nghiệp chế biến dừa có giá trị gia tăng cao trong khu vực và quốc tế.
Trong lĩnh vực du lịch, KHCN tập trung nghiên cứu, đề xuất đa dạng hóa sản phẩm từ tiềm năng, lợi thế (địa phương có nhiều danh nhân văn hóa-lịch sử; có biển, sông ngòi, rừng ngập mặn, cù lao, cồn bãi..); đa dạng hóa mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn…
Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp, KHCN tiếp tục nhiệm vụ xây dựng Bến Tre thành “Địa phương khởi nghiệp”; phát triển mới 5.000 DN; phấn đấu phát triển Không gian đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub) trở thành đơn vị tiên phong trong thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST của tỉnh và vùng ĐBSCL…
Một trong những nhiệm vụ qua trong nữa của KH 5611 là phát triển tiềm lực KHCN của tỉnh.
Theo đó, Bến Tre sẽ chú trọng đầu tư nguồn lực để từng bước đưa KHCN trở thành động lực chính của sự tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư đồng bộ cả nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng KHCN&ĐMST…
Tạo chuyển biến mạnh mẽ hoạt động KHCN
Để KH 6511 triển khai hiệu quả thiết thực, UBND tỉnh Bến Tre đã nêu nhiều giải pháp như: Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý; tăng đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất; phát triển đội ngũ cán bộ KHCN; chủ động hợp tác KHCN…
Trong đối mới tổ chức, cơ chế quản lý, tỉnh Bến Tre hướng tới đưa tổ chức KHCN là đầu mối kết nối các ngành, các địa phương, HTX, người dân… với các viện nghiên cứu, trường đại học và nhà khoa học.
Về kinh phí cho hoạt động KHCN, ngoài ngân sách, tỉnh sẽ có cơ chế thích hợp để huy động các nguồn khác… Bên cạnh đó, các cơ sở hạ tầng cho hoạt động KHCN (trung tâm cây giống-hoa cảnh, các phòng thí nghiệm, thử nghiệm…) sẽ được đầu tư xây dựng.
Nguyễn Phương