Bến En – tuyệt tác hồ trên núi
Được bao bọc giữa vùng đồi núi của hai huyện Như Xuân và Như Thanh, Vườn quốc gia Bến En có tổng diện tích tự nhiên hơn 160 nghìn ha với 30 nghìn ha rừng vùng đệm. Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình ở đây chỉ ở mức 23 độ C. Vườn có hệ thực vật gồm 462 loài, 125 bộ.
Theo ông Lê Đức Giang, Giám đốc Vườn quốc gia Bến En, đây là trung tâm phân bổ của giống lim xanh, đặc hữu nổi tiếng ở Việt Nam, có cây tuổi thọ đến vài trăm năm với đường kính gần 3m. Ngoài ra còn có các loài cây gỗ quý hiếm như chò chỉ, vù hương, sến mật, vàng tâm, lim, xẹt, lát hoa, trai lý… Đặc biệt phong phú là có trên 300 loài cây dược liệu.
Hệ động vật ở đây cũng rất đa dạng. Đây là nơi sinh trưởng rất thuận lợi cho nhiều nhóm côn trùng, các loài chim, các loài gặm nhấm, móng guốc và các loài thú ăn thịt phát triển, sinh sôi. Kết quả nhiều đợt khảo sát, điều tra cho thấy Vườn quốc gia Bến En có 50 bộ, 177 họ, 216 giống và hơn 1.000 loài động vật, trong đó có 91 loài thú, 201 loài chim, 54 loài bò sát, 31 loài ếch nhái, 68 loài cá, 499 loài côn trùng. Có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ như bò tót, gấu ngựa, báo lửa, khỉ mặt đỏ, vượn bạc má, rùa vàng…
Vài năm gần đây, với những đề tài nghiên cứu khoa học như: “Bảo tồn nguồn gen một số loài cây quý hiếm ở Vườn quốc gia Bến En”, “Nghiên cứu quá trình phục hồi rừng sau nương rẫy ở Vườn quốc gia Bến En”… đã thu hút hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà khoa học về động vật, thực vật trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.
Trong Vườn Quốc gia này còn có hồ Sông Mực với diện tích 4.000 ha, sâu hàng chục mét, là thủy vực của bốn con suối lớn trong vùng. Hồ Sông Mực còn chia ra làm hai hồ, hồ Thượng rộng hơn 3.000 ha và hồ Hạ rộng chừng 800 ha. Trên mặt hồ có 24 hòn đảo lớn, nhỏ tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình, lại có thêm nhiều hang động kỳ ảo. Trên các đảo có rừng cây và một số giống chim, thú do con người nuôi dưỡng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Bến En của rừng núi đại ngàn, nhưng Bến En cũng là khu vực có không gian “thiêng” của tín ngưỡng truyền thống với một số di tích thuộc hệ thống thờ Mẫu như Phủ Sung, đền Rồng và xa hơn một chút là đền Phủ Na (Xuân Du, Như Thanh). Ở vùng đệm của Vườn về phía Tây Bắc là loạt dãy núi đá vôi và đá phiến có tuổi hàng triệu năm với màu sắc và hình hài rất kỳ ảo.
Với quần thể 21 đảo lớn nhỏ, đến Bến En du khách có thể dùng thuyền đi tham quan các đảo và tận hưởng không khí hết sức trong lành.
Hoàng hôn tuyệt đẹp trên hồ ở Bến En.
Hồ Sông Mực như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Đi thuyền trải nghiệm mặt nước xanh màu ngọc bích trên hồ Sông Mực.
Cuộc sống sinh hoạt thường nhật của cư dân Bến En sống ven hồ rất hòa đồng và gần gũi với thiên nhiên. Bà con đánh bắt tôm trên lòng hồ bằng hình thức cổ truyền này, vừa bảo vệ môi trường vừa để đảm bảo sự phát triển cho các loài thủy sản trong lòng hồ.
Du khách thích thú trải nghiệm cách chèo thuyền nan của ngư dân Bến En.
Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây lim xanh, cây thị, cây gội ở Vườn Quốc gia Bến En. Nơi đây là trung tâm phân bổ của giống lim xanh, đặc hữu nổi tiếng ởViệt Nam và là nơi sinh trưởng và phát triển của trên 300 loài cây dược liệu quý hiếm.
Hồ Sông Mực bảng lãng trong sương sớm.
Cu li ở Bến En.
Răn vàng ở Bến En.
Nhện quý hiếm ở Bến En.
Chim đến di trú theo mùa ở Bến En.
Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia Bến En giai đoạn 2020 – 2030 của tỉnh Thanh Hóa giúp định hướng và xây dựng Bến En trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc độc đáo riêng của Vườn cũng như của huyện Như Thanh, Như Xuân.