‘Bé bỏng’ của mẹ 15 tháng tuổi luôn háo hức học thêm nhiều điều mới lạ
Con trẻ ở tháng tuổi thứ 15 thường khá nhạy cảm với mọi điều xung quanh và luôn cần sự đồng hành, theo sát của người lớn nên cha mẹ cần dành nhiều thời gian chăm sóc, vỗ về bé đấy nhé!
Nội Dung Chính
1. Trẻ 15 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?
Con đã được 15 tháng tuổi rồi, mẹ sẽ thấy “cục cưng” bé bỏng của mình ngày nào lớn thêm một chút nữa.Theo nghiên cứu sự phát triển của trẻ, các chỉ số tăng trưởng của bé trai và bé gái đều có sự thay đổi ở tháng này:
Chỉ số của bé trai
- Cân nặng: từ 8.3 – 12.8kg, trung bình 10.3kg
- Chiều cao: từ 74.1 – 84.2cm, trung bình 79.1cm
Chỉ số của bé gái
- Cân nặng: từ 7.6 – 12.4kg, trung bình 9.6kg
- Chiều cao: từ 72 – 83cm, trung bình 77.5cm
2. Trẻ 15 tháng biết làm gì?
Ở thời kì này, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện những kĩ năng đã được hình thành từ các tháng tuổi trước đó, bé yêu đang “tự học” và biết làm khá nhiều điều thú vị khác.
2.1 Tự bước đi
Nếu như ở giai đoạn trước, trẻ cần sự trợ giúp và dìu dắt để bước đi thì sang tháng thứ 15, con dần “lẫm chẫm” tự đi lại bởi hệ vận động phát triển khá cứng cáp. Bé sẽ bước được những bước đi ngắn nhưng có thể đi xa, đôi chân đã vững vàng và ít ngã hơn.
2.2 Nhận biết các bộ phận trên cơ thể
Trẻ 15 tháng tuổi háo hức khám phá mọi điều, bao gồm cả các bộ phận trên cơ thể của mình. Khi được hỏi về vị trí của các cơ quan, con biết chỉ định đúng đâu là mắt, mũi, miệng hay tai dù chưa thể phát âm tên gọi của chúng.
2.3 Bắt chước người lớn
Mọi hoạt động của người lớn đều thú vị và mới lạ trong mắt con trẻ nên các bé thường thích thú bắt chước người lớn. Đôi khi bé học theo hành động của cha mẹ từ lúc nào không hay, con cầm máy điện thoại rồi để lên tai hay dùng điều khiển bật tivi.
Trẻ 15 tháng tuổi bắt chước các hoạt động của người lớn (Nguồn: Internet)
2.4 Thể hiện tình cảm
Bé yêu 15 tháng tuổi có cách thể hiện tình cảm đặc biệt hơn trước, làm cả nhà “tan chảy”. Thay vì chỉ mỉm cười đơn giản khi gặp người thân quen, bé còn dành tặng những cái ôm và hôn má nhẹ nhàng để bày tỏ sự yêu mến nữa.
2.5 Gây chú ý
Thỉnh thoảng bạn sẽ cảm thấy bé có chút “dễ ghét” bởi con bướng bỉnh, thích la hét và khóc hờn vô cớ, tuy nhiên đó chính là cách con thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Đây là giai đoạn mà trẻ luôn muốn trở thành trung tâm, thích giao tiếp và tương tác nên hãy dành thêm thời gian cho bé nhé.
3. Dinh dưỡng cho trẻ 15 tháng tuổi?
Nếu thời kì này mẹ vẫn chưa cho bé cai sữa thì cần cân đối lượng sữa với các thực phẩm khác, tránh tình trạng để bé ăn quá no, gây nôn trớ. Mỗi ngày con uống khoảng 3 – 4 cữ sữa, khoảng 180ml sữa một lần.
Khi được 15 tháng tuổi, bé sẽ ăn dặm 3 bữa chính và khoảng 2 bữa phụ một ngày, con có thể ăn cơm nát hoặc mì nấu mềm. Đặc biệt trong giai đoạn này, con đi lại cũng như nô đùa nhiều hơn nên trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ cần tăng cường thêm các thực phẩm giàu protein và canxi như trứng, thịt bò, thịt gà, thịt lợn.
Sau mỗi bữa ăn chính, đừng quên khuyến khích bé ăn thêm trái cây để cải thiện hoạt động hệ tiêu hóa, hạn chế tối đa tình trạng táo bón.
Những thực phẩm mà trẻ 15 tháng tuổi nên ăn:
- Cơm và ngũ cốc: ở độ tuổi này thì trẻ đã có thể ăn được cơm mềm, cơm bát hoặc nhão. Ngoài cơm ra thì ba mẹ có thể cho bé thêm phở, mì…đã được nấu mềm, cắt nhỏ.
- Rau củ: Để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho trẻ thì ba mẹ nên chọn các loại rau củ giàu vitamin và khoáng chất như khoai lang, cải bó xôi, bông cải xanh,…..tốt cho sự phát triển của bé. Nên nấu chín mềm để trẻ tiêu thụ và hấp thu tốt.
- Trái cây: trẻ 15 tháng tuổi có thể ăn được các loại trái cây như cam, chuối, táo,…với khẩu phần hợp lý.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa: Bên cạnh cho bé bú sữa mẹ, sữa bột thì ba mẹ có thể cho bé ăn sữa chua, váng sữa, phô mai,… nhằm bổ sung thêm canxi, sắt và các dinh dưỡng thiết yếu khác cho bé.
- Các món ăn giàu protein: ở độ tuổi này trẻ sẽ bắt đầu hiếu động, vì thế ba mẹ nên cho trẻ ăn trứng, thịt heo, thịt bò, thịt gà, đậu, đậu nành và chế phẩm từ đậu nành,…để cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ bắp chắc khỏe.
4. Dạy trẻ 15 tháng tuổi những gì?
Tháng tuổi thứ 15, con tò mò và luôn hào hứng với mọi điều mới mẻ, mẹ hãy tận dụng giai đoạn này để xây dựng cho bé một số thói quen cần thiết.
4.1 Tự ăn bằng thìa
Hãy cho bé làm quen với thìa và tự xúc ăn (Nguồn: Internet)
Trong tháng tuổi này, mẹ nên hướng dẫn và khuyến khích bé dùng thìa tự ăn, giảm đút cho bé. Đây là một kĩ năng khó với các con, chính vì vậy trong những ngày đầu, mẹ hãy cầm tay chỉ kĩ càng cho bé từng bước một. Lựa chọn thìa bằng inox, gỗ hoặc nhựa an toàn, có hình tròn hoặc oval, cán thìa không cần quá dài, dễ gây vướng víu cho con.
4.2 Tập ngủ riêng
Thời gian ngủ lý tưởng một ngày ở trẻ 15 tháng tuổi nên đạt tối đa 14 tiếng, tuy nhiên thực tế, các bé ngủ đủ khoảng 10 – 12 tiếng. Đáng chú ý là các bé có thể ngủ xuyên đêm, ít thức giấc quấy khóc nên mẹ hãy bắt đầu tạo cho bé một không gian yên tĩnh để tập ngủ riêng.
Việc hình thành thói quen ngủ riêng sớm sẽ hạn chế ảnh hưởng tiếng ồn đến giấc ngủ, giúp con ngủ sâu giấc hơn.
4.3 Chia sẻ đồ chơi
Đối với trẻ 15 tháng tuổi, điều cha mẹ nên làm là tăng cường cho bé giao lưu và vui chơi cùng các trẻ khác để giúp con tăng tương tác xã hội.
Các con có thể chỉ thích giữ đồ chơi cho riêng mình và cáu gắt nếu bị giành đồ chơi, đó không phải là tính ích kỉ hay hẹp hòi mà chỉ bởi bé đang hình thành khái niệm “sở hữu” trong não bộ mà thôi. Cha mẹ hãy nhẹ nhàng hỏi ý kiến bé và dần khuyến khích con biết chia sẻ với các bạn chơi cùng.
4.4 Đọc sách
Xây dựng sớm thói quen đọc sách cho trẻ (Nguồn: Internet)
Mỗi ngày cha mẹ cần dành thời gian để cùng bé đọc sách, điều này sẽ tạo thói quen tốt, xây dựng tình yêu sách cho bé. Trẻ 15 tháng tuổi thường thích các cuốn sách nhiều hình ảnh, sắc màu, liên quan đến các con vật hay cây cối. Hãy kết hợp đọc và giới thiệu cho con cách đọc, phát âm các tên gọi đơn giản qua trang sách.
5. Một số vấn đề thường gặp ở trẻ 15 tháng tuổi
Chăm sóc các bạn nhỏ luôn đem đến nhiều mối băn khoăn và lo lắng cho cha mẹ, đặc biệt khi quan sát thấy những dấu hiệu khác thường ở trẻ. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp ở các trẻ 15 tháng tuổi:
5.1 Trẻ 15 tháng tuổi chưa biết đi
Từ tháng thứ 12 đến tháng thứ 15 là giai đoạn các bé tập đi, nên nếu quan sát thấy con chưa đi được vững vàng nhưng biết lăn, bò trườn thì cha mẹ không nên qua lo lắng. Sau tháng thứ 18 trở đi, khi con chưa thể đi dù có hỗ trợ thì hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra các dị tật thường xảy ra ở các khớp xương của bé.
5.2 Giấc ngủ của trẻ 15 tháng tuổi
Khi trẻ 15 tháng tuổi thì thường ngủ khoảng 14 giờ/ 1 ngày, bao gồm 1 giấc ngủ dài cỡ 11 – 12 giờ và 1 giấc ngủ trưa ngắn từ 1 – 2 giờ. Ở thời điểm này trẻ đã có thể ngủ ngon, ngủ say giấc nhưng cũng sẽ có trường hợp trẻ sẽ khóc và phản ứng lại khi mẹ đặt bé lên giường để ngủ, bỏ bé ngủ một mình.
5.3 Trẻ 15 tháng tuổi chưa biết nói
Ở tháng tuổi thứ 15, nếu con lười nói, chỉ ê a những tiếng đơn như bà, mẹ và chủ yếu dùng cử chỉ để diễn tả mong muốn thì đây có thể là dấu hiệu chậm nói.
Cha mẹ hãy tăng cường giao tiếp, trò chuyện với bé để khuyến khích con tập nói nhiều hơn. Hạn chế cho bé xem tivi, các thiết bị điện tử, làm giảm cơ hội tương tác trực tiếp của trẻ.
5.4 Trẻ 15 tháng tuổi bị vàng răng
Trẻ 15 tháng tuổi sẽ có khoảng 11 chiếc răng sữa, giúp con tập nhai và ăn dặm tốt hơn. Tuy nhiên, khi bé ăn nhiều loại thức ăn nhưng không được vệ sinh răng miệng kĩ lượng sẽ gây sâu răng, để lại mảng bám vàng trên răng. Bên cạnh đó vàng răng cũng là dấu hiệu nồng độ fluoride tăng cao hay biểu hiện của vàng da.
5.5 Lưu ý dinh dưỡng cho trẻ 15 tháng
Khi cho trẻ 15 tháng tuổi ăn thì ba mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
- Để tốt cho sự phát triển của trẻ thì ba mẹ nên đa dạng các món ăn cho trẻ và trang trí món ăn để kích thích sự hào hứng của trẻ khi ăn.
- Nên để trẻ ăn dựa trên khẩu vị và sự thèm ăn của bé, không nên gò ép trẻ ăn.
- Không nên cho trẻ ăn những miếng thức ăn có kích thước to vì dễ làm trẻ bị nghẹn, hóc.
- Khi cho trẻ ăn thì nên để trẻ ngồi yên một chỗ và không nên để trẻ chạy, đi bộ trong lúc ăn.
- Cho bé tự xúc ăn để hoàn thiện kỹ năng và nhận thức của bé khi ăn no.
Những năm tháng thơ ấu của con sẽ trôi qua rất nhanh, dù cả nhà có thể sẽ trải qua nhiều “xáo trộn” khi chăm sóc các bé nhưng hãy nâng niu khoảng thời gian này và kiên trì theo sát bé trên hành trình lớn khôn.
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 – 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/c/NhipSongKhoeVOH
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh