Bé 9 tháng tuổi biết làm gì
Bé 9 tháng tuổi biết làm gì? Những điều cha mẹ cần biết về sự phát triển của bé 9 tháng tuổi để có những biện pháp tốt nhất thúc đẩy sự phát triển trí não và cơ thể bé.
1. Bé biết làm gì?
Sự vận động của bé dễ dàng hơn trước nhiều: bé ngồi được khoảng mười phút, quay bên nọ, quay bên kia… chuyển từ tư thế ngồi sang nằm, biết đứng vững rồi đi men.
Việc tự di chuyển được sẽ giúp bé phát hiện ra nhiều điều mới. Bé sờ mó, vứt lung tung mọi thứ, cũng như bé sẽ nhặt tất cả những gì mà bé bắt gặp được và cho chúng vào miệng. Vì vậy bạn cần cẩn thận, đừng để các chất độc hại, nguy hiểm trong tầm tay bé.
Bé biết nhặt các đồ vật bằng ngón trỏ và ngón cái, đây là bước tiến quan trọng của bé. Bé biết nhiều thứ: giơ tay, chân để mặc quần áo, để mẹ bế… biết vỗ bút bê, gấu bông.
Bé cũng đã nhận diện được ông bà, cha mẹ hoặc anh, chị của mình. Bé đã hiểu được một số yêu cầu và lời nói của người lớn. Tuy nhiên chưa hiểu trọn vẹn cả câu nói, nhưng bé đã hiểu được các từ quen thuộc. Bé biết quay đầu tìm đồ vật quen thuộc khi được nghe câu hỏi ” ở đâu? “. Ví dụ: đồng hồ ở đâu? Bé bíêt cười trước những động tác, những hành động buồn cười… Bé biết bắt chước âm thanh, cử chỉ điệu bộ của người lớn.
Bé có vài bước đi
Đi bộ thường bắt đầu khi bé trải qua sinh nhật lần đầu tiên của mình. Trước giai đoạn đó, bé có một số dấu hiệu “tiền đi bộ”, chẳng hạn chập chững vài bước xung quanh khi đứng thẳng, chống lên đồ nội thất. Khoảng 9 tháng tuổi, bé lẫm chẫm vài bước nếu được mẹ trợ giúp. Bé đang học cách làm sao để uốn cong đầu gối, làm sao để ngồi xuống sau khi đứng…
Bạn có thể giúp con bằng cách đứng hay quỳ trước mặt bé, giữ hai tay bé và để bé chập chững bước về phía mẹ.
Đây là 1 trò chơi yêu thích của bé ở 9 tháng tuổi
Đảm bảo an toàn cho ngôi nhà là điều cần thiết ở giai đoạn này. Nên có thanh chặn cửa để bé không bò ra ngoài hay lao xuống cầu thang. Nên đề phòng với những thứ đặt trên cao vì nó có thể đổ ụp vào người bé.
2. Làm gì để giúp bé phát triển?
Liệu có nên mua cho bé một đôi giày thích hợp
Khi bé đứng và lẫm chẫm với bước đi đầu tiên, bạn sẽ tự hỏi liệu có nên mua cho con một đôi giày. Cho đến khi bé đi ra ngoài thì bé mới cần một đôi giày. Bàn chân của bé phát triển nhanh chóng và nếu ngón chân bị cản trở bởi những đôi giày hẹp, các ngón chân của bé không thể duỗi thẳng ra và phát triển được.
Nên để bé được đi chân trần xung quanh nhà. Đi chân đất làm săn khỏe cơ vòm ở bàn chân và cơ chân. Nó cũng giúp bé cân bằng khi đi ở những bề mặt khác nhau.
Những trò chơi thích hợp với bé
Bé thích tìm đồ chơi trong giỏ (hộp) và nhặt chúng. Có thể cho bé một xô nhựa và những khối hình đầy màu sắc để bé thực hành kỹ năng mới này. Bé cũng thích những đồ chơi chuyển động chẳng hạn xe có bánh, đồ chơi có cửa đóng – mở… Các loại ôtô nhựa lớn bé có thể đẩy quanh sàn nhà lôi cuốn bé dù là bé trai hay bé gái.
Cha mẹ nên là bạn chơi với con. Thử lăn một quả bóng lại chỗ bé và khuyến khích bé lăn lại cho mẹ.
Thời gian tắm cũng là cơ hội tuyệt vời để vui chơi. Bé thích một số chén nhựa nhỏ để đong nước hoặc một cái sàng nhựa để bé lọc nước thỏa thích.
Trợ giúp khi bé khó gần người khác
Trong tháng này và vài tháng tới, cảm giác sợ hãi khi xa mẹ lên đỉnh điểm. Mặc dù đó là tâm lý bình thường nhưng sẽ khiến mẹ khó xử và bối rối. Với những bé khó gần người lạ, bạn có thể hỗ trợ để bé và người lạ tiếp cận từ từ, giảm bớt sợ hãi cho con.
Nếu bạn phải để con lại với một người trông bé mới, nên cho bé chơi với cái gì thân thiết của mẹ như một cái mũ hay cái khăn. Bé có thể thấy hơi mẹ qua đồ vật này và nó giúp an ủi bé.
Có những đồ vật cho bé nhìn, cầm, nhặt, sờ mó.
– Bạn cá thể treo (thỉnh thoảng thay đổi) những bức tranh sắc màu, đơn giản về con vật, về người ở trên tường để bé nhìn. Treo các vật di động để bé có thể với và nghịch chúng.
– Có những đồ vật để bé kéo, đẩy.
– Có những đồ vật để bé có thể ôm như cái gối, xốp gối, búp bê, gấu, bóng to…
– Hãy cho bé nhặt vào và bỏ ra những đồ vật nhỏ.
– Những đồ vật dùng trong gia đình như cốc, thìa, bát, lược… được xâu vào một sợi dây chắc chắn cũng là những đồ vật bé thích chơi.
– Để bé tự cầm ăn (bánh bích quy, mẩu bánh mỳ…). Bạn có thể cho một vài loại thức ăn vào những đĩa khác nhau và để bé tự chọn những món bé “yêu thích”.
– Cho bé sờ mó các vật nóng, lạnh, thô, nhẵn mịn…
– Bạn phải có chỗ để bé bò, tập chững, tập đi men. Có những đồ vật như cái gối dài, hoặc mền chăn cuộn lại… để bé bò qua; Có gờ giường, thành giường… để bé tập đi men, vịn…
– Hãy đặt bé ở những vị trí mà bé có thể nhìn được những đồ vật thú vị như chim trong lồng, cá trong bể, cây hoa, bông hoa…
– Cho bé đi dạo ngắm xung quanh…
Có các âm thanh cho bé nghe
– Cho trẻ nghe những âm thanh của môi trường xung quanh.
– Hãy để bé tự tạo ra các âm thanh (lắc xúc xắc, quả lắc. đập đồ vật…)
– Bật các điệu nhạc, các bài hát khác nhau cho bé nghe một mình. Thỉnh thoảng bạn bế bé lên, cho bé ngồi vào lòng và nhún nhảy theo điệu nhạc.
– Hát và vỗ tay cho bé nghe; cầm tay giúp bé vỗ tay theo nhịp của bài hát.
Giúp bé học nói
– Hãy chơi với bé những trò chơi: “ú oà”, “nhoong nhoong”; “đồ chơi mất rồi”… Hoặc cù nhẹ vào bụng, vào người, chân, tay bé khi tắm và thay quân áo cho bé.
– Trò chuyện với bé về mọi công việc, mọi thứ xảy ra quanh bé như thể bé hiểu được hết. Ví dụ nói với bé: “đến giờ ăn rồi! con phải đeo yếm, ngồi vào ghế ăn bột nào!”. Khi trò chuyện với bé, bạn cần phải nói rõ ràng, với câu, từ, đơn giản, chính xác, giúp bé có thể hiểu và bắt chước. Dùng những từ có nghĩa thực và trực tiếp để đặt tên cho đồ vật và hành động.
Ví dụ: đưa cho bé con gà và nói “gà, gà”; khi thấy bé đập thìa lên cái lọ hăy nói: “cạch cạch”…
Bạn đừng ngại sử dụng các ngữ điệu, nhịp điệu nói khác nhau với bé, điều này chỉ càng giúp bé hiểu ngôn ngữ tốt hơn thôi. Ví dụ: bạn nói cao dọng và nghiêm khắc từ “không” cho một việc làm nào đó của bé, bé sẽ dần hiểu được rằng đó là việc làm không được mẹ tán thành, không được phép…
– Tiếp tục cho bé làm quen với sách: ôm bé vào lòng, giở sách cho bé xem, nói về các nhân vật, các hành động (tên, làm gì…).
– Có những cuốn sách cũ nhưng sạch sẽ cho bé tự chơi.
(ST)