Bẫy việc làm lừa người tìm việc
Từ Quảng Nam chân ướt chân ráo vào TP.HCM xin việc làm, anh Phạm Văn Mạnh được cánh xe ôm ở bến xe An Sương (Bà Điểm, Hóc Môn) chỉ tới Trung tâm GTVL HL nằm ngay trên quốc lộ 1 gần bến xe.
Giam giấy tờ đòi tiền chuộc
Anh Mạnh kể tới trung tâm thấy dán nhiều thông tin tuyển lao động phổ thông với mức tiền công 200.000-250.000 đồng/ngày, anh chọn công việc bốc xếp hàng hóa. Người tư vấn yêu cầu anh giao chứng minh nhân dân (CMND) để được giới thiệu việc làm.
“Tiếp sức người lao động” ở các bến xe
Chương trình “Tiếp sức người lao động” 2014 do Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) và báo Tuổi Trẻ tổ chức đang được triển khai tại các bến xe miền Đông, miền Tây, An Sương và Ngã Tư Ga. Hiện có hơn 3.000 đầu việc đang chờ người, ngành nghề phong phú. Người lao động nếu có nhu cầu việc làm hãy liên hệ với văn phòng Tiếp sức người lao động tại các bến xe để được giới thiệu và tư vấn việc làm, giới thiệu nhà trọ và được đội xe ôm của chương trình đưa đi nhận việc.
Sau đó anh được chở xuống một kho hàng ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) để làm việc. Đến nơi, người xe ôm buộc anh đóng 300.000 đồng tiền công chở đi. Mạnh không chịu đóng thì người xe ôm thản nhiên: “Không đóng đừng mơ lấy lại được CMND”. Thế là anh bấm bụng móc tiền ra.
Nhưng Mạnh cũng chỉ làm việc được hai tuần là nghỉ ngang vì chịu không nổi công việc. Lúc tư vấn, người ta chỉ nói bốc vác đơn giản nhưng ở xưởng phải bốc vác hàng rất nặng, làm suốt từ sáng đến tối. Và nhờ 300.000 đồng tiền xe ôm và hai tuần làm việc không công nên Mạnh mới được chiếu cố cho lấy lại giấy tờ. Coi như công cốc.
Tệ hơn Mạnh, Trần Văn Siêng – quê Bình Định – phải sống không giấy tờ tùy thân nhiều ngày liền. Siêng kể Trung tâm GTVL UT khu vực bến xe An Sương tuyển lao động làm việc cho một xưởng bún ở Hóc Môn và yêu cầu nộp CMND. Làm việc đến ngày thứ hai thì Siêng không chịu nổi cảnh cực khổ phải xin nghỉ việc. Khi quay lại, trung tâm yêu cầu đóng 300.000 đồng để chuộc lại giấy tờ. Không có tiền, nơi đây bảo “khi nào có tiền mới trả lại giấy tờ”. Cuối cùng, Siêng phải chạy vạy bạn bè đem đến mới lấy lại được giấy tờ tùy thân.
Trong vai người đi xin việc, chúng tôi tìm đến các trung tâm GTVL: UT, HV, HS ở khu vực bến xe An Sương; điểm GTVL tại hẻm 248 quốc lộ 1A, Tam Bình, Thủ Đức; điểm GTVL tại chân cầu vượt Linh Trung, Thủ Đức… Tại Trung tâm UT, một phụ nữ đon đả: “Xin việc hả em, ở đây có công việc cho em làm ngay, em muốn làm công nhân ở xưởng chế biến hạt màu hay ở xưởng chế biến hủ tiếu? Bên chị giới thiệu miễn phí cho em”. Thế nhưng khi chúng tôi không chịu nộp CMND bản gốc, người phụ nữ này quát: “Không có thì về đi! Không có lấy gì làm tin mà đến đây xin việc!”.
Tương tự, tại Trung tâm HV, vừa thấy có người vào, một thanh niên ngồi chờ sẵn nhanh miệng: “Có mang quần áo theo không? Việc ở đây nhiều lắm. Việc gì cũng có, nếu mang quần áo theo thì nộp CMND ở đây rồi đi làm luôn”. Chúng tôi bảo để quên ở nhà, người này nói thẳng: “Nếu muốn làm việc thì về mang CMND đến nộp, không thì thôi, về đi!”.
Trong khi đó tại điểm GTVL ở hẻm 248 quốc lộ 1A, Tam Bình, Thủ Đức, khi nghe chúng tôi nói cần xin việc làm, cô nhân viên tư vấn ở đây bảo: “Đưa CMND bản gốc, đóng thêm 300.000 đồng mua quần áo rồi có người chở đến nơi làm việc”.
Sẽ chấn chỉnh
Khu vực bến xe An Sương, bến xe miền Tây, ngã tư Sóng Thần là những nơi tập trung nhiều trung tâm GTVL “chui”. Mỗi khi giới thiệu được một lao động, các trung tâm này được người sử dụng lao động trả 300.000-500.000 đồng, lấy của người xin việc thường là 300.000 đồng. Nếu không đưa tiền thì bị hù dọa và không trả giấy tờ tùy thân. Trong khi đó ở nơi làm việc, người lao động phải làm những công việc nặng nhọc, làm liên tục 12 tiếng/ngày, có nơi còn tăng ca khiến người lao động chịu không nổi, chán ngán và tự nghỉ việc.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho rằng các điểm GTVL không phép là hoạt động trái pháp luật. “Không có một trung tâm, đơn vị lao động nào được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động, việc trung tâm thu CMND gốc là trái pháp luật” – ông nói.
Ông Khiết cho biết thêm hiện sở đang chỉ đạo thanh tra sở phối hợp cùng các địa phương kiểm tra hoạt động của các đơn vị GTVL để chấn chỉnh tình trạng người lao động bị lừa. Để tránh bị dính bẫy của các điểm GTVL “chui”, ông Khiết khuyến cáo: người tìm việc nên đến các trung tâm, sàn giao dịch việc làm tại các quận, huyện hoặc của các đoàn thể để tìm việc. Đó là những nơi đáng tin cậy.