Bật mí công thức làm chè Thái giải mát ngày hè

Chè Thái là món chè đã không còn quá xa lạ với người dân Việt Nam. Không khó để chúng ta bắt gặp một chiếc xe bán chè Thái ở ngoài đường vào buổi tối, vì vậy có thể thấy mức độ phổ biến món chè này tại đất nước chúng ta. Món ăn tráng miệng này được tạo nên từ đa dạng các loại nguyên liệu như sầu riêng, mít, nhãn, thạch,… kết hợp cùng với nước cốt dừa thơm ngon, béo ngậy đã chế biến ra được một món ăn độc đáo, càng ăn càng ghiền. Thật ra cách làm món chè Thái này cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần bạn khéo tay một chút thôi là đã có thể làm ra ngay vài chén chè cho cả nhà để giải mát ngày hè rồi. Cùng The Water MAN khám phá một số công thức làm món chè Thái này nhé!

Nguồn gốc chè Thái

Thái Lan là nơi bắt nguồn của chè Thái vì vậy món chè này mới có tên của đất nước xứ sở chùa Vàng. Khi đến Thái Lan, bạn sẽ bắt gặp món chè Thái từ những chiếc xe bán lề đường, cửa hàng tiện lợi, quán ăn bình dân đến khu trung tâm thương mại và các siêu thị lớn nhỏ. Trong món chè này thì trái cây là nguyên liệu chủ đạo và phổ biến nhất là món chè thập cẩm. Nói là thập cẩm nhưng đặc trưng ở chè Thái là chỉ có từ 2 đến 3 loại thực phẩm khác nhau chứ không như món chè ở Việt Nam chúng ta có đến hơn chục nguyên liệu. Nước đường trong chè Thái được sử dụng loại đường mật tự nhiên vì thế nếu món này có ngọt đến mấy thì người ăn cũng không cảm thấy bị gắt cổ.

Nguồn gốc chè Thái

Món chè này có giá khá bình dân, bạn chỉ cần bỏ ra từ 30 đến 50 bath là đã có thể thưởng thức món ăn độc đáo này rồi. Ngoài món chè thập cẩm phổ biến thì một số món chè như Salim (món chè được làm từ sợi dài và mềm có thêm nước cốt dừa thơm ngon), Rang Nok (món chè được làm từ tổ Yến có nhiều chất dinh dưỡng), Bua Loy Nam King (tương tự món bánh chay của Việt Nam) cũng được nhiều người yêu thích tại Thái Lan. Món chè Thái công phu hay đơn giản là còn tuỳ vào cách thực hiện của mỗi người nhưng hương vị đem lại của mỗi món chè này đều khiến người thưởng thức khó quên ngay từ lần thử đầu tiên.

Công thức làm chè Thái sầu riêng

Nguyên liệu

  • 25g rau câu dẻo
  • 100g sữa đặc
  • 300g cơm sầu 
  • 300g mít thái
  • 200g nhãn
  • 1 trái thanh long
  • 1 trái lê
  • Thạch dừa
  • 2 thìa siro dâu đặc hoặc màu thực phẩm
  • 100g bột gạo
  • 200g bột năng
  • 300g dừa nạo
  • 200ml nước ấm
  • 1 muỗng cà phê bột bột
  • 1/5 muỗng cà phê muối
  • 1 bịch sữa tươi 
  • 100g đường
  • 500g nước cốt lá dứa

Sơ chế nguyên liệu

  • Mít thái sợi, nhãn lột vỏ, thanh long cắt hình hạt lựu.

  • Lê gọt vỏ, thái hạt lựu rồi cho vào tô nước lạnh để lê giữ được độ giòn. 

  • Dùng muỗng cậy phần thịt sầu riêng ra một cái tô rồi đánh phần thịt sầu để thịt sầu nát ra. Tiếp theo cho sữa đặc vào rồi tiếp tục đánh đến khi thịt sầu nhuyễn ra. 

Sơ chế nguyên liệu

Làm rau câu

Cho 25g vào một cái chén rồi cho vào thêm 3 muỗng cà phê đường. Chuẩn bị một nồi nước 1,6 lít rồi cho chén rau câu vào, dùng vá khuấy đều rồi ngâm rau câu trong 30 phút để rau câu nở ra rồi bắc lên bếp nấu trong 5 phút, tắt bếp. 

Rau câu lá dứa

Cho phần rau câu ra khuôn rồi cho màu lá dứa hoặc màu lá cẩm vào, tùy sở thích của mỗi người mà cho ít hoặc nhiều màu. Đợi đến khi rau câu đông lại thì lấy ra khỏi khuôn rồi cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn. 

Làm hạt lựu từ lê

Sau khi lê đã ngâm nước thì vớt phần lê ra rồi cho vào tô, thêm phần siro dâu hoặc nước màu vào trộn đều. Tiếp theo cho bột năng vào áo hạt lê cho thật đều bọc kín hạt. Bắc nồi bếp lên cho thật sôi rồi cho phần hạt lê vào nấu đợi đến khi tất cả hạt nổi lên trên thì vặn lửa nhỏ lại rồi nấu thêm 5 phút thì tắt bếp. Ủ hạt lê trong nồi khoảng 15 phút rồi vớt phần hạt lê ra tô nước đá lạnh trong 15-20 phút nữa để hạt lê giòn hơn. Sau đó vớt hạt lê ra một tô riêng là đã hoàn thành. 

Làm hạt lựu từ lê

Làm bánh lọt

Cho 100g bột gạo, 500ml nước cốt lá dứa và tô rồi dùng muỗng khuấy đều để phần bột gạo tan ra. Sau đó cho một xíu muối vào tô bột rồi để bột nghỉ tầm 10-15 phút. Sau khi bột nghỉ thì cho bột vào nồi bật lên bếp để khuấy, dùng một cái sạn to khuấy bột liên tục để phần bột được nóng đều. 

Làm bánh lọt

Sau khi bột đã nóng thì hạ lửa riêu riêu đến khi phần bột đặc lại. Đợi đến khi bột đặc thì tắt bếp, tiếp tục khuấy để bột giữ được độ sánh mịn, khuấy đến khi bột đã nguội thì cho phần bột năng vào. 

Tạo hình bánh lọt 

Chia 2 lần bột năng cho vào nồi bột để khi trộn sẽ đều hơn, sau khi cho bột lần 1 vào thì đánh cho thật đều rồi mới cho phần 2 vào rồi tiếp tục khuấy đều. Sau đó cho phần bột vào túi bóng hoặc túi bắt kem để tạo hình bánh lọt. Nếu phần bột quá đặc, bạn có thể cho thêm một ít nước vào để khi bóp bánh lọt thì sẽ ra dễ hơn. 

Tạo hình bánh lọt

Chuẩn bị một nồi nước sôi, rồi bóp bánh lọt từ từ vào tuỳ theo độ dài mong muốn. Bánh lọt chín sẽ nổi lên trên, bạn vớt bánh lọt ra một thau nước lạnh để bánh lọt được dai và ngon hơn.

Làm nước cốt dừa

Cho phần nước ấm vào tô dừa nạo, rồi nhào phần dừa nạo bằng tay để nước ấm hoà tan với phần dừa nạo. Sau đó cho phần dừa nạo vào túi lọc lớn rồi bóp túi lọc lấy phần nước cốt dừa. Sau khi vắt xong thì cho phần nước cốt dừa lên bếp rồi cho ⅕ muỗng cà phê muối vào. 

Làm nước cốt dừa

Đến khi nước cốt dừa sôi lên, cho một tí nước ấm vào phần bột năng rồi cho chén bột từ từ vào nồi nước cốt dừa. Các bạn khuấy đều tay để bột và nước cốt dừa hoà tan vào nhau. Nấu thêm 1-2 phút thì tắt bếp. Cho vào tô 700ml nước cốt dừa vừa làm, 50g sữa đặc, 1 bịch sữa tươi, 150g đường và khuấy đều để hỗn hợp hoà tan. 

Thành phẩm 

Cho bánh lọt ra tô rồi cho nhãn, mít, thanh long, rau câu, sầu riêng, hạt lê vào và cuối cùng là chang phần nước cốt dừa vào tô. Nếu muốn ăn lạnh bạn có thể thêm vào tô vài viên đá bi để thưởng thức.

Thành phẩm chè Thái sầu riêng

Xem thêm:

Lưu ý khi làm chè Thái

  • Trong quá trình làm thạch rau câu, bạn phải khuấy đều liên tục để thạch không bị vón cục lại. Ngoài ra, tuyệt đối không được đổ bột rau câu vào nước sôi vì sẽ làm cho rau câu vón cục, nên chọn những loại bột rau câu như Jelly hoặc Agar sẽ ngon hơn. 

  • Khi chọn mua sầu riêng, bạn nên dùng cây khui sầu riêng gõ nhẹ vào phần thân quả, nếu có tiếng “bịch bịch” phát ra thì đó là quả sầu riêng ngon, nhiều thịt. Còn nếu có tiếng “coong coong” phát ra thì là quả sầu riêng nhiều hạt, không ngon.

  • Khi chọn mua thanh long, bạn nên chọn những quả có phần cuống dai mềm, dễ uốn. Ngoài ra khi chọn thanh long bạn nên ấn nhẹ một tí vào phần thịt, nếu cảm thấy chắc thịt thì đó là quả thanh long ngon còn nếu quá mềm thì hãy chọn một quả thanh long khác nhé.

  • Nếu muốn lựa lê ngon, bạn nên quan sát màu sắc bên ngoài của quả lê. Chọn những quả lê có màu đỏ vừa phải, không chọn những quả lê có màu đỏ quá đậm vì đó có thể là những quả lê đã quá già và bị nhũn. Ngoài ra, chọn những quả lê có phần cuống gắn chặt với thân vì đó là những quả lê còn tươi và ngon.

  • Khi mua nhãn, bạn nên chọn mua từng chùm, cứng cáp, có mùi thơm nhẹ đặc trưng của nhãn. Không nên mua những loại nhãn có vỏ quá bóng hoặc quá sáng vì đó là những loại nhãn đã bị phun thuốc trừ sâu. 

Cách chọn nguyên liệu ngon

Kết luận 

Chè Thái không những giúp giải mát ngày hè mà còn có nhiều công dụng khác như: tăng sức đề kháng, làm đẹp da, giúp tăng cân hiệu quả và an toàn,… Hy vọng qua công thức mà The Water MAN chia sẻ, bạn sẽ thực hiện thành công món ăn độc đáo và hấp dẫn này cho cả gia đình nhé. Chúc bạn có một ngày làm việc thật vui vẻ! 

Tài liệu tham khảo: Lê Phúc Vlogs

Có thể bạn quan tâm: Uống nước gì và uống thế nào để hạ nhanh cơn sốt?