Bật mí cách làm bánh chay bằng bột nếp khô, ai ăn cũng mê
Bật mí cách làm bánh chay bằng bột nếp khô, ai ăn cũng mê
Bánh trôi bánh chay là món ăn đặc trưng trong dịp Tết hàn thực hàng năm. Bánh chay là món ăn ngon, thanh đạm và có vị ngọt nhẹ trái hẳn với vị ngọt đậm, đặc trưng của bánh trôi. Nhờ vậy, món bánh này chiếm được nhiều thiện cảm từ trẻ em cho tới người già. Từ xa xưa, để làm ra một mẻ bánh trôi, bánh chay, ông bà ta đã rất kì công xay bột nước, lọc bột, treo bột… mới tạo ra nguyên liệu dẻo mịn để chế biến. Cuộc sống hiện đại ngày một hối hả và không còn nhiều thời gian dành cho việc bếp núc, nên làm bánh chay bằng bột nước không còn khả thi. Cùng vào bếp với maynhabep.com và học cách làm bánh chay bằng bột nếp khô khiến ai ăn cũng mê qua bài viết dưới đây.
Bật mí cách làm bánh chay bằng bột nếp khô ngon không kém làm từ bột nước
Ý nghĩa của bánh trôi bánh chay trong Tết hàn thực của người Việt
Ngày 3/3 hàng năm được người Trung Hoa lựa chọn làm ngày Tết hàn thực (kiêng dùng lửa) theo một điển cố điển tích xa xưa. Tết Hàn thực đã du nhập về nước ta từ rất lâu đời và có sự biến tấu để mang sắc thái riêng của người dân đất Việt. Không kiêng lửa như người Trung Quốc, đồng bào ta vẫn nấu nướng bình thường, nhưng làm thêm món bánh trôi, bánh chay là thức ăn nguội, tượng trưng cho Tết hàn thực.
Tết Hàn thực ở Việt Nam mang đậm ý nghĩa nhân văn, hướng về cội nguồn, tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Bánh trôi bánh chay là biểu tượng đặc trưng cho ngày lễ này và trở thành biểu tượng, niềm tự hào của dân tộc và mang nét đặc trưng riêng trong nền ẩm thực Việt.
Mỗi dịp Tết hàn thực tới, là cơ hội để cả gia đình quây quần, bố mẹ con cái nặn bánh, luộc bánh vui vẻ, rồi đợi thưởng thức mẻ bánh dẻo ngon do chính tay mình làm ra, kể cho nhau nghe những câu chuyện đã qua hoặc gợi nhớ về thời ông bà ta xưa. Ngày nay, mặc dù nhịp sống hối hả, nhưng rất nhiều gia đình trẻ vẫn giữ nếp cũ làm ra món ăn ngon và đặc sắc này ngoài tỏ lòng thành kính với tổ tiên còn có ý nghĩa cao đẹp hơn là giáo dục con cái, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp xa xưa.
Qua chia sẻ trên đây, chắc hẳn bạn đã nắm được tại sao lại có ngày Tết hàn thực và ý nghĩa của bánh trôi bánh chay là như thế nào. Giờ cùng nhau bắt tay tìm hiểu cách làm bánh chay bằng bột nếp khô nhanh chóng, đơn giản và tiện lợi nào:
THAM KHẢO: Cách làm bánh trôi tết hàn thực
Nguyên liệu làm bánh chay
– 500 g bột gạo nếp. Nên lựa chọn gạo nếp cái hoa vàng cho món ăn được dẻo và thơm nhất.
– 100 g bột gạo tẻ. Bí kíp cho món bánh chay ngon bất bại chính là trộn gạo nếp với gạo tẻ theo tỉ lệ 5:1 để vỏ bánh không quá dẻo dính, khó tạo hình và cho vị ngon nhất.
– 100 g đậu xanh đã tách vỏ.
– 100 g dừa bào nhỏ.
– 100 g vừng trắng đã rang chín.
– 1 thìa canh nước hoa bưởi.
– Nửa thìa canh hương vani (hoặc mua 2 ống vani ngoài hàng).
– 150 g đường trắng.
– 2 thìa canh bột sắn dây nguyên chất.
Các bước tiến hành làm bánh chay
Nhào bột làm vỏ bánh
Ông bà ta tự ngâm gạo rồi nghiền bột nước bằng cối đá để chắt lọc ra được thứ nước bột sánh mịn, treo lên để cô lại thành khối bột dẻo, khiến món bánh trôi, bánh chay trở nên dẻo thơm và có vị chua dịu đặc trưng ở vỏ bánh. Nếu muốn tiện lợi, bạn có thể mua sẵn bột khô làm bánh ở ngoài chợ. Còn nếu gia đình đã có gạo ngon nhà trồng, bạn có thể cho vào máy nghiền bột để xay ra mẻ bột thơm ngon, chất lượng nhất.
Mặc dù không thể kì công làm được như làm bột nước, nhưng bạn có thể biến tấu bằng cách hòa bột với lượng nước lớn để thành hỗn hợp lỏng rồi ngâm khoảng 3 tiếng đồng hồ. Sau thời gian ngâm, bột đã mềm ra, phần nước trong nổi phía trên, phần bột lắng xuống dưới. Tiến hành chắt gạn nước trong và đem đổ vào khăn xô dày, dài, túm phía đầu khăn và treo lên cao để nước rơi ra khỏi khối bột.
Sau 1 tiếng treo bột, mở khăn và kiểm tra thành quả. Nếu khối bột mịn và khô nước, sờ tay vào không bị bết dính là đủ điều kiện làm vỏ bánh. Trong trường hợp vẫn chưa rút hết nước thì tiến hành treo tiếp thêm 20 phút nữa.
Sơ chế nguyên liệu làm nhân bánh
– Đậu xanh đem đãi sạch, ngâm từ 3 – 4 tiếng để hạt nở mềm rồi cho vào nồi hấp mini hấp chín. Trong trường hợp gia đình không có dụng cụ hấp chuyên dụng, bạn có thể dùng nồi cơm điện hoặc xoong đun lên với một chút nước cho đậu chín mềm. Tuy nhiên, cách thực hiện này sẽ khiến nhân đậu không được ngon và thơm ngọt như hấp.
– Đậu xanh chín, vớt ra để nguội, cho vào máy xay mịn hoặc cho vào cối giã nát.
– Lấy 1 cái nồi, đổ 50 g đường với 1 chút nước vào, đun đến khi đường chảy ra, rồi cho đậu đã nghiền nhuyễn vào đảo đều tay. Giữ lửa bếp ga ở mức nhỏ nhất để tránh làm cháy xém nhân đậu.
– Cho hương vani vào nồi đậu, đảo đều và tắt bếp.
Nặn bánh chay
– Để nhân đậu xanh nguội hẳn, tiến hành chia nhỏ và vo tròn hết lượng đậu xanh vừa sên thành các viên có đường kính bằng 1 đốt ngón tay.
– Bột gạo cũng chia nhỏ và vo viên có đường kính gấp đôi viên đậu xanh.
– Nhấn dẹt viên bột rồi đặt nhân đậu xanh vào giữa. Dán kín bột bao phủ toàn bộ nhân đậu xanh và ve tròn. Thực hiện cẩn thận và đảm bảo sao cho nhân đậu không bị hở ra phía ngoài và không có kẽ hở.
Luộc bánh chay
Sau khi đã nặn hết toàn bộ lượng bánh, có thể đem luộc luôn.
– Đặt nồi lớn lên bếp, đổ lượng nước ngập trên nửa nồi và không quá 2/3 thành nồi. Đun sôi nước và giữ lửa luôn ở mức to.
– Đợi nước sôi, thả nhẹ và lần lượt từng viên bánh vào nồi nước. Đợi 5 giây khuấy nhẹ để tránh làm bánh bị bết dính vào đáy nồi.
– Đợi bánh nổi lên và vỏ bánh chuyển màu trong tức là bánh đã chín. Vớt bánh ra tô nước lạnh đã chuẩn bị trước đó.
– Hòa lượng bột sắn dây đã chuẩn bị với lượng đường còn lại trong 500 ml nước trong một chiếc nồi. Đun tới khi hỗn hợp sánh lại thì cho nước hoa bưởi vào và tắt bếp. Lưu ý: nên trộn sắn dây với đường trước rồi hòa vào nước để tránh vón cục. Trong quá trình đun, giữ lửa ở mức nhỏ, quấy đều tay để hỗn hợp không vón cục.
– Xếp 3 – 5 viên bánh chay vào một chén nhỏ. Chan nước sắn dây vào và rắc lên phía trên một chút vừng và dừa nạo (một số gia đình rắc thêm cả lạc rang đập dập vào để tăng thêm vị béo bùi).
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong cách làm món bánh chay. Cảm quan món ăn: viên bánh chay có màu trắng đục, hình dáng tròn đều, không bị bục nhân, nước dùng trong. Khi ăn, cảm giác vị ngọt nhẹ, sánh của nước dùng, béo bùi thơm của dừa và vừng. Vỏ bánh mềm, dẻo dai nhưng không dính, nhân bánh có vị bùi, ngọt nhẹ là được.
Maynhabep.com vừa giới thiệu tới độc giả cách làm bánh chay bằng bột nếp khô vừa tiện lợi và đơn giản. Chúc bạn nắm vững công thức và thực hành thành công.