Bảo vệ môi trường biển bắt đầu từ những việc làm nhỏ

Hình ảnh rác thải ngổn ngang trên bãi biển Cồn Vành (Thái Bình), Quất Lâm (Nam Định), Đồ Sơn (Hải Phòng)… đăng tải trên mạng in-tơ-nét sau kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua đã được nhiều độc giả chia sẻ, đồng thời bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ: “Người nhặt thì ít mà khách ý thức kém thì không xuể, thùng rác cách chục mét nhưng chân không muốn bước, tay không muốn cầm thì thử hỏi sao rác không ngập? Ý thức thế này hỏi ở đâu ra môi trường nước sạch”, “người nào đi biển cũng mang theo cả đống đồ ăn rồi về chả thấy đồ đâu, hóa ra gửi hết ở biển rồi”; “Phải nói ý thức quá kém, cứ bảo tôi không thích nước bị ô nhiễm, muốn du lịch ở những nơi sạch, biển đẹp”… Không thể không buồn lòng khi chứng kiến các bãi biển vốn trong lành, thơ mộng, nơi hầu như ai cũng muốn tìm đến để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả bỗng chốc trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu. Thậm chí có điểm du lịch đã bị khách du lịch tẩy chay vì quá bẩn! Tình trạng này đã thật sự khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tại sao ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng ngày càng bị vi phạm nghiêm trọng như vậy? Tại sao hằng ngày rất nhiều người bày tỏ tình yêu biển, kêu gọi phải bảo vệ biển nhưng khi ra đến biển lại vô tư xả rác? Rác bị quăng ra vô tội vạ, vậy ai sẽ là người dọn dẹp đống rác khổng lồ ấy? Hậu quả nhãn tiền là chính con người lại phải bì bõm bơi lội chung với vỏ chai, túi ni-lông, rác thải sinh hoạt, thùng xốp, bìa cốt-tông,… do chính mình vừa ném ra. Dù ai cũng biết biển không phải là nơi chứa rác, thế nhưng hằng ngày biển vẫn đang phải “gồng mình” hứng chịu vô vàn loại rác thải do con người trút bỏ từ sự vô ý thức, bất chấp nhiều biển báo nhắc nhở giữ vệ sinh chung, cấm vứt rác nơi công cộng… Khi biển không thể tiêu hủy được rác, sóng biển không đủ sức mang rác đi nơi khác thì bãi biển đã phải trở thành bãi chứa rác “bất đắc dĩ”. Điều này đã và đang đặt ra nguy cơ lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường biển, mà một trong các nguyên nhân là hành vi tùy tiện của chính con người. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, mỗi năm đã có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa, bên cạnh đó mối nguy hại từ các “đảo rác” hình thành trên các đại dương hay còn được biết đến như “lục địa thứ bảy” do rác thải đã tích tụ dưới đáy biển quá lớn, không thể phân hủy. Hành vi xả rác do đó có thể coi là một tác nhân “đầu độc biển”.

Việt Nam có gần 30 tỉnh, thành phố giáp biển. Bên những bãi biển chủ yếu thu hút khách du lịch, thì việc một số làng chài ven biển đã và đang thải rác sinh hoạt ra biển cũng là vấn đề cần đặt ra và phải giải quyết. Như ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), theo phản ánh của báo chí, tình trạng ô nhiễm môi trường biển đã đến mức báo động vì rác sinh hoạt đã không được thu gom xử lý một cách khoa học, mà chủ yếu xả thẳng ra biển và hậu quả là một số loài sinh vật quý hiếm, có giá trị cao như san hô đen, hải sâm, tôm hùm,… gần như bị tuyệt diệt, thảm thực vật dưới đáy biển hầu như biến mất. Hoặc tại cảng Sa Kỳ, bờ đập Quỳnh Lưu, Bình Châu, Nghĩa An (Quảng Ngãi) tình trạng rác thải sinh hoạt, chất thải rắn, chất tẩy rửa,… bị xả tràn lan, người dân vứt rác xuống biển vì không có nơi để tập kết và xử lý. Xã Ðức Trạch (Quảng Bình), dù có tới hơn 7.080 nhân khẩu nhưng đến nay địa phương này vẫn chưa có bãi tập kết rác, và vô hình trung bãi biển thành nơi chứa rác! Rác không được xử lý làm ô nhiễm môi trường cho nên tại một vài địa phương ở vùng ven biển đã bùng phát dịch sốt xuất huyết…

“Khách du lịch ném rác ra bãi biển, ngư dân bỏ ngư cụ hỏng trên biển, người dân làng chài xả rác ngay trước cửa nhà… Chúng ta đang trả lại biển những thứ như vậy sau khi lấy đi những tài nguyên, hải sản của biển. Hãy đừng vội nói những điều to lớn kiểu như ý thức, giáo dục, văn hóa, chính quyền… ở đâu. Thay vì nói, chúng ta hãy hành động. Ngay bây giờ, hãy dọn sạch những gì đang biến những bãi biển tuyệt đẹp của chúng ta thành bãi rác. Hãy trả lại sự trong sạch và yên bình cho biển” – đó là thông điệp của chiến dịch Hãy làm sạch biển vừa được VTV24 phát động. Và chỉ sau một ngày công bố, chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng, cùng sự chung tay của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm tình nguyện quốc gia, sự tham gia của hơn 4.000 đoàn viên, thanh niên, và tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia Vũ Minh Lý chia sẻ: “Tôi thấy đây là một chiến dịch thật sự mang nhiều ý nghĩa! Vừa bảo vệ môi trường biển, vừa tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Những hoạt động thiết thực như vậy luôn là môi trường rất sinh động để các bạn trẻ được trải nghiệm vốn sống, hiểu và kịp thời chia sẻ khó khăn với quê hương, đất nước và bà con ngư dân”. Được biết khi chiến dịch được phát động tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên đã rất nỗ lực vừa cùng chính quyền, nhân dân địa phương bắt tay vào dọn dẹp bãi biển, vừa tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ biển tới mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời tìm cách hỗ trợ ngư dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Chiến dịch Hãy làm sạch biển dù chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, được thực hiện tại bốn tỉnh, thành phố, nhưng thật sự đã truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác.

Thời gian qua, tại một số địa phương, việc bảo vệ môi trường biển được coi như một trong các ưu tiên hàng đầu, với sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng. Gần đây nhất, có thể coi quyết tâm làm sạch biển Vũng Tàu của chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là điển hình rất cần khuyến khích, biểu dương, học tập, nhân rộng. Tại đây, bên cạnh việc ban hành nghị quyết quán triệt tới các cấp, các ngành về việc làm sạch bãi biển vốn nhiều năm mang tai tiếng về sự ô nhiễm bởi rác thải, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp đến tận bãi tắm để thuyết phục vận động du khách không ăn nhậu, không xả rác. Các động thái mềm mỏng nhưng kiên quyết, có tính cầu thị này đã nhận được sự đồng tình của các du khách. Vì vậy, dù vào dịp nghỉ lễ, bãi biển Vũng Tàu tập trung rất đông du khách song bãi tắm hầu như không xuất hiện rác. Trên phạm vi toàn quốc, không chỉ các cấp chính quyền quyết tâm vào cuộc để giữ gìn vệ sinh môi trường biển, mà ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể tình nguyện tham gia vào công việc ý nghĩa này. Có thể kể đến các phong trào: Làm sạch môi trường – Vì tương lai xanh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Hà Tĩnh) ở khu vực bãi biển Thiên Cầm; cuộc ra quân của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Tiền Hải làm sạch bãi biển Cồn Vành; phong trào Vì văn hóa du lịch Cửa Lò của Đội Thanh niên xung kích thị xã Cửa Lò (Nghệ An); sự vào cuộc nhiệt tình của Hội Phụ nữ xã Hải Tiến (Thanh Hóa) làm sạch biển Hải Tiến… Cách đây không lâu, việc hai ngư dân ở đảo Bé – huyện đảo Lý Sơn, là ông Trần Tia (40 tuổi) và Đặng Nhơn (53 tuổi) ngày nào cũng ra bãi Sau gom rác để giữ bãi biển sạch; hay tấm gương của lão nông 62 tuổi tên Mùi ở Bình Định tự nguyện ngày hai lần vào sáng sớm và chiều tối nhặt rác làm sạch bãi biển Đề Gi “vì thấy rác nhiều quá mà không ai dọn dẹp, dẫn đến ô nhiễm môi trường biển; nhặt rác vì muốn trước tiên con cháu, người thân mình tránh giẫm phải gai, mảnh chai, mảnh chén mỗi khi đi tắm biển…” được thông tin trên báo chí khiến nhiều người xúc động, tự thấy phải chung tay. Không cần “đao to búa lớn”, việc nhặt rác của các cá nhân trước hết là để bảo vệ chính mình và người thân của mình, đồng thời bảo vệ cộng đồng – điều đó giúp lý giải vì sao hành động dù rất nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn với xã hội.

Biển đóng vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa đối với các quốc gia có biển. Bảo vệ biển cũng là bảo vệ lợi ích quốc gia. Kinh tế biển đang giữ vai trò mũi nhọn trong Chiến lược biển Việt Nam từ nay đến năm 2020. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả khi chúng ta bảo vệ tốt môi trường biển. Ô nhiễm môi trường biển có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trước hết là ở chính con người, và cần bắt đầu từ những việc làm nhỏ như không xả rác bừa bãi. Đứng trước thảm họa ô nhiễm biển bởi rác thải, thời gian qua trên một số diễn đàn, nhiều bạn đọc đã bày tỏ mong mỏi: “Nếu chúng ta chưa làm được điều gì lớn lao cho miền trung thì chỉ cần làm một việc nhỏ thôi, một việc ai cũng có thể làm được là đừng vứt rác ra biển”; “Phải lan tỏa ra thanh niên 63 tỉnh, thành phố”. Có độc giả đề xuất: “Thực ra dọn sạch rác bãi biển không quá khó. Một mặt, cần có quy định và phạt nặng ai vi phạm để triệt tiêu nguồn rác từ gốc; mặt khác, cần có đội ngũ dọn bãi biển như quét đường phố. Kinh phí yêu cầu nhà hàng, khách sạn đóng góp vì bãi biển sạch, khách sẽ đông, nhà hàng, khách sạn thu nhiều lợi nhuận. Và quan trọng nhất chính quyền phải xem giữ gìn, duy trì và tổ chức quản lý sao cho bãi biển sạch là trách nhiệm của mình”.

Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường sống trong hiện tại và cả tương lai. Do đó phong trào làm sạch biển cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng, cần sự vào cuộc tích cực, chủ động của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân. Tính văn hóa của mỗi cộng đồng thể hiện trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thái độ trong việc xử lý rác thải cũng là một tiêu chí đánh giá quan trọng để đánh giá tính văn hóa. Khi nào mỗi cá nhân không chỉ giới hạn sự sạch sẽ trong phạm vi gia đình, mà còn tự ý thức về việc giữ sạch môi trường nơi công cộng, thấy xấu hổ vì đã xả rác không đúng nơi quy định, xác định được trách nhiệm trước các vấn đề cần giải quyết của xã hội, thì khi đó nền tảng phát triển xã hội mới thật sự bền vững.