Báo tường ngày tết
Cơ quan tôi phát động việc làm báo tường nhân tết Nguyên Đán. Chuyện không lạ nhưng trong tôi dâng tràn niềm cảm xúc hoài cổ rất trân trọng, rất lạ thường.
Những hình ảnh quý hiếm về chợ Tết Hà Nội năm 1920
Vậy là gần 40 năm trôi qua theo dòng thời gian với bao bộn bề: cơm, áo, gạo, tiền, tôi mới có dịp viết “Báo tường” để được sống lại tuổi thơ với trang giấy học trò tưởng chừng như đi vào quá khứ bằng sự vô tâm.
Hồi đó, tôi và các bạn chốn quê nghèo nước mặn đồng chua. Trường tôi nghèo vách và mái chỉ toàn bằng lá dừa nước. Những chiếc bảng đen phai màu theo gió biển, những chiếc băng ghế ọp ẹp oằn mình trước những đợt triều cường vô tư ùa vào lớp học. Vậy mà lũ học sinh nghèo chúng tôi vẫn hăng hái làm báo tường với sự hồn nhiên, phấn khởi rất lạ thường. Hồi đó muốn mua một tờ giấy “Rô ky” để làm báo tường thật khó khăn rất nhiều, phải gởi mua ở chợ huyện rồi gởi đò về tới trường làng cả buổi. Chỉ cái chuyện tìm viết chì màu: xanh, đỏ, vàng, cam…để trang trí tựa cũng thật xôn xao cả mấy ngày trời. Còn chuyện chọn chủ đề làm tựa báo tường để thi đua với mấy lớp khác cùng trường càng sôi động hơn nhiều. Đám con gái thích tựa mềm mại, nhẹ nhàng như: “Tuổi học trò”; lũ con trai thì khoái mấy cái tên nghe “bốc bốc” như: “Quyết thắng”; “Tiến lên”, “Niềm tin”…
Ảnh minh họa.
Vậy là từ tờ mờ sáng, cả đám thức sớm bơi xuồng đến trường để chuẩn bị cho tờ báo “cưng” của mình. Ban biên tập được chọn từ những đứa học giỏi văn nhất lớp, những đứa có “hoa tay” thì chịu trách nhiệm vẽ tựa tờ báo và tựa các bài viết “không chuyên” của lớp. Hồi đó chúng tôi chỉ dùng giấy tập học trò để viết bài, làm thơ, vẽ tranh, dùng ngòi viết lá tre chấm mực tím trong các bình mực để viết bài. Khi làm thì hết sức cẩn thận nều mực rơi xuống giấy bị nhòe hay lỡ tay viết sai chính tả thì kể như công sức bỏ đi. Thầy trò chúng tôi miệt mài làm báo có khi quên cả việc ăn trưa mà có ăn thì cũng chỉ là những cái bánh lá dừa nhưn chuối, nhưng đậu hay những gói xôi vò đậu xanh mang theo từ sáng sớm. Lo nhất là cái đoạn tô màu nước lên cái tựa tờ báo sao cho không lem luốc, đẹp, hấp dẫn (thường chúng tôi chọn đứa nào có hoa tay và khéo léo phụ trách công đoạn nầy). Khi tô màu xong là cả bọn phải thay nhau dùng quạt mo cau, nón lá, nón rơm hay bất kỳ vật gì có thể tạo ra những luồng gió mạnh cho phần màu vừa tô mau khô.
Khoái nhất là khi bài viết đơn sơ, mộc mạc của mình được đăng trên tờ báo tường của lớp. Khoái đến nỗi có đêm không ngủ được. Niềm vui còn nhân lên gấp bội mỗi khi tờ báo tường của lớp đạt giải thưởng cao của trường. Lớp nào được tuyên dương dưới cở đạy giải nhất là cả lớp hò reo vang dội. Tiền thưởng được dừng làm các buổi liên hoan cho lớp chỉ gồm bánh, kẹo, mứt, sương sa, hột lựu, hột é, đười ươi…Cả lớp hớn hỡ cười tươi mặc sức hát hò.
Phong tục ngày Tết Nguyên Đán xưa và nay
Ảnh minh họa.
Thời buổi @, chuyện làm báo tường ở các cơ quan, công sở, trường học hầu như không còn duy trì như xưa nữa. Nếu có, cũng chỉ làm qua loa, chiếu lệ, hay nhờ sự trợ giúp của các phương tiện thông tin hiện đại. Chỉ một động tác “nhấp chuột” là mọi yêu cầu đều được đáp ứng nhanh chóng. Vừa nhanh chóng vừa rất đẹp và hoa mỹ làm sao. Muốn màu sắc nào cũng có. Phông chữ nào cũng chỉ mất vài giây lựa chọn. Mỗi khi tết đến nhiều địa phương lại tổ chức hội Báo xuân với hàng trăm tờ báo khác nhau như trăm hoa đua nở. Báo nào cũng đẹp, cũng cầu kỳ, đầy màu sắc hấp dẫn (tất nhiên làm từ các thiết bị hiện đại). Người ta còn tổ chức giải thường báo nào có nội dung hay nhất, hình thức hấp dẫn nhất, có trang bìa đẹp nhất …
Vậy mà trong tôi vẫn hoài niệm những tờ báo đơn sơ, thô kệch ngày xưa, nhớ mái trường nghèo quê biển có lũy học trò chăn trâu, chăn vịt hớn hở chụm đầu là báo tường xưa trong sự phấn khích vô chừng.
Báo tường ơi! Nhớ lắm khi xuân về, tết đến.
Hoài cổ Tết xưa