Bạo lực tinh thần trong trường học: Nhìn từ một đề tài nghiên cứu

Bạo lực học đường được chia làm 3 nhóm hình thức chủ yếu là: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần (BLTT) và bạo lực vật chất. Các biểu hiện của bạo lực thể chất và bạo lực vật chất dễ nhận biết và được quan tâm bởi giáo viên (GV) và các bậc phụ huynh hơn là các hành vi của BLTT. Một đề tài nghiên cứu của nhóm giáo viên, học sinh (HS) Trường THCS Trưng Vương TP. Thái Nguyên cho thấy BLTT trong HS là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm.

Nhóm thực hiện đề tài khoa học về “Bạo lực tinh thần trong trường học: Nghiên cứu tại Trường THCS Trưng Vương TP. Thái Nguyên” do cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo và 2 HS là Nguyễn Bảo Trúc, lớp 9D và Đặng Thu Thủy, lớp 8B thực hiện thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đối với 675 HS Trường THCS Trưng Vương trong năm học 2021-2022 thông qua 2 phương pháp: Phỏng vấn sâu thu thập ý kiến của HS, các thầy cô giáo về các vấn đề áp liên quan đến BLTT và phương pháp phân tích số liệu, tài liệu được thực hiện thông qua việc khảo sát bằng bảng hỏi.

Kết quả khảo sát BLTT giữa HS với HS thông qua 5 nhóm hành vi. Các hành vi BLTT mà HS đang phải gánh chịu nhiều nhất là hành vi bị gán cho những biệt danh xấu (chiếm 62,2%) số HS được khảo sát.

Tiếp theo là sự kì thị về ngoại hình và hoàn cảnh gia đình (chiếm 53,9%); bị chỉ trích và đổi lỗi (chiếm 46,7%); bị kỳ thị về nhận thức và học lực kém (chiếm 45,3%).

Các hành vi gây áp lực tâm lý lớn đến HS chính là nhóm hành vi bị đăng những hình ảnh mang tính chất “dìm hàng” hoặc những lời xúc phạm lên mạng xã hội, trên các trang confession của trường (chiếm 41,7%); bị cô lập, không có bạn (chiếm 38,2%); bị nhắn tin đe dọa, chửi bới (chiếm 24,8%).

BLTT giữa GV đối với HS trong trường học không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng vẫn còn tồn tại. Kết quả điều tra cho thấy, các hành vi BLTT từ GV tới HS, trong đó chủ yếu là áp lực về điểm số và kết quả học tập (chiếm 13,2%).

Đặc biệt, trong số 657 HS tham gia khảo sát, có tới 68,1% cho biết đã từng ít nhất 1 lần bị BLTT hoặc gây BLTT cho bạn khác. Tỷ lệ HS cho rằng mình thường xuyên bị BLTT chiếm 28% và 6,8% bị ở mức độ rất thường xuyên.

Nhóm nghiên cứu đề tài thường xuyên trao đổi, thảo luận để thống nhất phương pháp thu thập thông tin.

Về cách ứng phó của HS khi bị BLTT, phần lớn lựa chọn cách im lặng, chịu đựng, tự giải quyết vấn đề của mình. Số khác tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè hoặc đăng bài viết, lời bình luận, những bức ảnh mang tính gây hại đối với bạn mình lên mạng với mục đích “trả đũa”.

Hậu quả của nạn BLTT ở trường học tưởng chừng như vô hại hoặc chỉ là những trò đùa nhưng thực tế lại gây ra những hậu quả nặng nề cho các em. Theo N.H.N – lớp 8A: “Lúc em đạt được nhiều thành tích cao, vài bạn lên confession nói xấu em, gây ra xung đột. Đêm đó đọc confession xong đến sáng hôm sau em không muốn đến trường nữa”.

Với tính thực tiễn cao, đề tài nghiên cứu về BLTT trong trường học của nhóm giáo viên, HS Trường THCS Trưng Vương đã đoạt giải Nhì cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học TP. Thái Nguyên”. Đề tài cũng là 1/8 báo cáo khoa học được trình bày tại Hội thảo khoa học trẻ do Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tổ chức mới đây và được trao giải Nhì. Đây cũng là nhóm HS nhỏ tuổi nhất tham gia Hội thảo.

Kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học này cho thấy các hành vi BLTT diễn ra khá phổ biến đối với HS. Mặc dù phạm vi nghiên cứu chỉ trong Trường THCS Trưng Vương, song thẳng thắn nhìn nhận thì tại các trường phổ thông tình trạng như trên là khá phổ biến.

Đề tài này góp thêm minh chứng để ngành Giáo dục của tỉnh có những giải pháp hiệu quả ứng phó với nạn BLTT trong trường học. Bởi ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho HS thì cần có sự tham gia, phối hợp và giám sát chặt chẽ của nhà trường, thầy cô và gia đình.