Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì? Đối tượng phải tham gia BHXH?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì? Các đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc? Doanh nghiệp có phải đóng Bảo hiểm xã hội cho nhân viên không? Không đóng BHXH thì bị xử phạt như thế nào?

Bảo hiểm xã hội bắt buộc không chỉ đảm bảo chế độ chăm sóc sức khỏe, quyền lợi cho người dân mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết và phù hợp với xu hướng quốc tế.

Căn cứ pháp lý

– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

– Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?

BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

BHXH bắt buộc là BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

Các chế độ BHXH bắt buộc tại Việt Nam hiện nay bao gồm:

Ốm đau

Thai sản

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Hưu trí

Tử tuất

Thứ nhất, bảo hiểm xã hội bắt buộc là sự bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi người lao động bị suy giảm hay mất khả năng lao động dẫn đến bị suy giảm hay mất thu nhập. Bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bù đắp thu nhập cho người lao động khi người lao động đang tham gia vào quan hệ lao động hoặc kể cả khi chấm dứt quan hệ lao động hay khi người lao động chết. 

Thứ hai, bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động cùng tham gia đóng bảo hiểm xã hội. 

Thứ ba, người lao động được chi trả các chế độ thông qua quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Thứ tư, Nhà nước quản lý hoạt động bảo hiểm xã hội bắt buộc. 

Về phương diện pháp lý, loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện thể hiện ở việc quy định về đối tượng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội… với các chủ thể trong quan hệ bảo hiểm xã hội. 

Về đối tượng, bảo hiểm xã hội bắt buộc được áp dụng với người lao động và người sử dụng lao động. Những đối tượng khác như người làm việc không có quan hệ lao động thì không bắt buộc áp dụng chế độ này. 

Về mức phí bảo hiểm xã hội, trong phạm vi, đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc các chủ thể có nghĩa vụ hàng tháng phải đóng khoản tiền nhất định do pháp luật quy định tương ứng với tỷ lệ tiền lương của người lao động cho quỹ Bảo hiểm xã hội . Đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tổ chức bảo hiểm có thể thiết kế nhiều mức phí bảo hiểm và thể thức đóng khác nhau để người tham gia tự nguyện lựa chọn cho phù hợp. 

Dựa trên các quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014, bảo hiểm xã hội bắt buộc có những đặc điểm cơ bản sau: 

Thứ nhất, việc tham gia loại bảo hiểm này mang tính chất bắt buộc. Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không phụ thuộc vào ý chí của người lao động và người sử dụng lao động mà mang tính chất bắt buộc, người lao động và người sử dụng lao động buộc phải thực hiện nghiêm túc. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định cụ thể các đối tượng phải tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, các trường hợp vi phạm quy định về việc tham gia bảo hiểm xã hội phải chịu các chế tài theo luật định. 

Thứ hai, pháp luật quy định cụ thể về mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội. Nếu trong trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì người tham gia được lựa chọn phương thức đóng hàng tháng hoặc 03 tháng một lần,…) và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội . Người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc được ấn định mức đóng cụ thể được xác định bằng một tỉ lệ nhất định số tiền lương tháng. Cụ thể, Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của người lao động; Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động. 

Thứ ba, người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng nhiều chế độ hơn. Đối với người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, họ sẽ được hưởng các chế độ sau: ốm đau, thai sản; lương hưu; tử tuất; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Mỗi chế độ Bảo hiểm xã hội được quy định các trường hợp và điều kiện thụ hưởng nhất định tương ứng. 

2. Doanh nghiệp có phải đóng Bảo hiểm xã hội cho nhân viên không?

Việc người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc phải đóng BHXH là quy định của pháp luật. Việc doanh nghiệp đóng BHXH cho nhân viên của mình cũng là quy định của pháp luật. Kể cả nhân viên có làm đơn tự nguyện không tham gia thì việc này cũng là thỏa thuận trái pháp luật, có cả mức phạt cho hành động thỏa thuận bất hợp pháp này (phạt cảnh cáo hoặc từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP)

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Luật BHXH năm 2014 quy định BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

BHXH sẽ giúp bảo đảm thay thế, bù đắp sự thiếu hụt về mặt tài chính cho người lao động và gia đình người lao động khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau,… Ngoài ra BHXH sẽ phân phối lại thu nhập cho người lao động, thể hiện ở việc người lao động san sẻ thu nhập theo thời gian. Tức là, người lao động sẽ đóng BHXH để dành hưởng trợ cấp khi gặp rủi ro.

Việc thực hiện đóng BHXH sẽ giúp cho người lao động khi ốm đau sẽ được khi khám chữa bệnh và được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí và được trợ cấp ốm đau, được nghỉ chăm con khi con ốm; khi thai sản thì được khám thai, được nghỉ sinh đẻ và nuôi con, nhận các trợ cấp khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp….

3. Các đối tượng phải tham gia bảo hiểm bắt buộc:

Theo quy định của luật BHXH thì những đối tượng phải tham gia đóng BHXH gồm các đối tượng sau:

Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định từ đủ 3 tháng đến 12 tháng.

Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Đơn vị thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Trường hợp không phải đóng BHXH bắt buộc:

Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014;

Người lao động đang trong thời gian thử việc theo Điều 26 Bộ luật Lao động 10/2012/QH13.

4. Cần những giấy tờ gì để làm thủ tục đóng Bảo hiểm xã hội lần đầu:

Đối với doanh nghiệp:

Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin đơn vị tham gia BHXH theo mẫu TK3-TS

Danh sách lao động tham gia BHXH mẫu D02-TS

Đối với người lao động:

Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH theo mẫu TK1-TS

Đối với người hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn: Giấy tờ chứng minh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực, ví dụ một số giấy tờ như: Giấy xác nhận tàn tật, giấy xác nhận tham gia kháng chiến và là cựu chiến binh, Giấy xác nhận hộ nghèo…)

Các bước đăng ký Bảo hiểm xã hội lần đầu

Thời gian được cấp sổ BHXH không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định và hoàn toàn không mất lệ phí hành chính. Dưới đây là 3 bước cơ bản để đăng ký BHXH lần đầu tiên cho doanh nghiệp của bạn:

Bước 1: Người lao động nộp hồ sơ tham gia BHXH lần đầu cho doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ, hồ sơ theo phần phân tích ở trên.

Bước 2: Doanh nghiệp hướng dẫn người lao động kê khai thông tin vào các mẫu tờ khai rồi kiểm tra đối chiếu và ký vào tờ khai của người lao động. Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ giấy tờ như đã nêu ở phần (a)

Bước 3: Doanh nghiệp tiếp hành nộp hồ sơ đăng ký BHXH lần đầu lên cơ quan BHXH cấp quận, huyện nơi công ty đặt trụ sở.

Các cách đóng Bảo hiểm xã hội

Địa điểm đóng BHXH áp dụng là tại quận huyện là địa bàn doanh nghiệp. Đối với các chi nhanh của công ty, doanh nghiệp thì đóng BHXH tại địa bàn nơi được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho chi nhánh. Có 2 phương thức đóng:

Đóng hàng tháng

Đối với phương thức đóng hàng tháng thì chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc dựa trên quy tiền lương của người lao động tham gia đóng BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lường tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định (10,5%),chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH theo chi nhánh ngân hàng đã được cơ quan BHXH cung cấp cho đơn vị.

Phương thức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng một lần

Đơn vị là công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, các tổ chức hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm ngư nghiệp, diêm nghiệp mà được trả lương theo sản phẩm, theo khoán công, thì đóng theo phương thức hàng tháng hoặc 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của kỳ đóng tiền, doanh nghiệp phải chuyển đầy đủ tiền vào tài khoản của cơ quan BHXH.

Khoản tiết kiệm “không lãi nhưng cũng không lỗ”

BHXH là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận và quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ – nghĩa là không bị phá sản, còn các ngân hàng và các doanh nghiệp bán bảo hiểm hoạt động nhằm mục đích sinh lời, là nghề kinh doanh có lời nhất và cũng có thể bị phá sản, trong trường hợp phá sản tiền gửi tiết kiệm có thể bị mất trắng.

Khi gửi tiết kiệm, người tham gia được hưởng một khoản tiền lãi theo kỳ hạn của tiền gửi, sau thời gian khoảng 20 đến 30 năm thì giá trị của khoản tiền gốc giảm đi rất nhiều do lạm phát. Đây là điều ngược lại với BHXH khi tiền đóng BHXH được trả lại bằng việc điều chỉnh tăng theo chỉ giá tiêu dùng (CPI) qua từng năm theo quy định của Chính phủ.

Mặc dù là nghĩa vụ bắt buộc nhưng hiện nay vẫn không ít các doanh nghiệp không đăng ký bảo hiểm cho người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc, người lao động sẽ không có bất kỳ một quyền lợi nào khi ốm đau hoặc có những rủi ro trong nghề nghiệp.

5. Không đóng BHXH thì bị xử phạt như thế nào?

Từ ngày 15/4, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Trong đó, sẽ áp dụng các hình thức xử phạt và mức xử phạt cụ thể đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định: Đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, BH thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đối với người sử dụng lao động, nếu hàng năm không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại Khoản 7, Điều 23 của Luật BHXH; không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BH thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BH thất nghiệp theo quy định; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu sẽ xử phạt mức tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.

Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng BHXH, BH thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, các hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp để trục lợi chế độ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BH thất nghiệp làm giả, làm sao lệch nội dung sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không trả chế độ BH Tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan BHXH chuyển đến.

– Doanh nghiệp phải khắc phục những hậu quả trên bằng cách:

+ Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định không đóng, đóng bảo hiểm không đủ số người và thỏa thuận với người lao động không đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại Điều 122 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội thì:

“3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Theo quy định trên nếu doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động thì:

– Bị phạt theo các quy định trên.

– Buộc phải truy thu số tiền không đóng, tiền phạt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện theo yêu cầu đóng tiền bảo hiểm truy thu thì ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.