Báo động tình trạng vô sinh, hiếm muộn
(HNM) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, vô sinh là căn bệnh nguy hiểm thứ ba sau bệnh ung thư và tim mạch ở thế kỷ XXI. Đáng buồn, Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới. Vậy nguyên nhân nào khiến tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở nước ta rơi vào mức báo động như hiện nay?
Bác sĩ tư vấn cho một cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Ảnh: Trang Thu
Sau 10 năm, số ca điều trị vô sinh tăng gấp 20 lần
Để tìm hiểu về thực trạng vô sinh, hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội đã triển khai một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái của nước ta. Kết quả cho thấy, tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%. Điều đó có nghĩa là nước ta có khoảng 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Đáng báo động có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30.
Ngay tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản trung ương), nếu như khoảng 10 năm trước, mỗi tuần tại đây tiếp nhận từ 2 đến 3 cặp vợ chồng đến điều trị các vấn đề về vô sinh hoặc hiếm muộn thì đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên từ 40 đến 60 cặp vợ chồng (gấp 20 lần).
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, các trường hợp vợ chồng bị hiếm muộn rất đa dạng với nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do vợ, do chồng hoặc do cả hai. Với người vợ nguyên nhân hay gặp nhất là tắc hai vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung… Với người chồng thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh hoặc không có tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan, theo bác sĩ Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản trung ương), đa số nguyên nhân vô sinh do khách quan đưa lại là lối sống của cả hai giới. Ở nam giới, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu… cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như thức khuya nhiều và các yếu tố tác động từ môi trường làm giảm số lượng tinh trùng và tinh trùng bị bất thường. Ở nữ giới, việc viêm nhiễm phần phụ chủ yếu do vệ sinh cơ quan sinh dục không tốt, nạo hút thai nhiều, sử dụng các biện pháp tránh thai không hợp lý đã dẫn tới vô sinh.
“Hiện xu thế vô sinh gặp nhiều hơn ở người trẻ nhưng cũng gặp cả ở người lớn tuổi. Đó là tình trạng chung của xã hội đang phát triển khi ngày càng nhiều người ngại lập gia đình, phấn đấu sự nghiệp nên sinh con muộn. Tới khi tính đến việc có con thì khả năng sinh sản đã giảm. Thậm chí, có trường hợp sinh con đầu tiên, rồi cả chục năm mới tính tiếp tục mang thai nhưng lại lâm vào tình trạng vô sinh thứ phát”, bác sĩ Hồ Sỹ Hùng nói.
Phát hiện càng sớm, thành công càng cao
Bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho các trường hợp vô sinh, hiếm muộn
Vấn đề vô sinh, hiếm muộn đang trở thành một gánh nặng của ngành Y tế Việt Nam. Tại nhiều bệnh viện, không ít trường hợp phải mất 5-10 năm để chữa trị vô sinh. Thậm chí, có những trường hợp không may mắn, sẽ không bao giờ được thực hiện thiên chức làm cha, làm mẹ. Trước nhu cầu điều trị vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng, các y, bác sĩ Việt Nam đã nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, phương pháp điều trị vô sinh tiên tiến nhất.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền (Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho rằng, với những ca khó, tưởng chừng vô vọng nhưng cuối cùng vẫn có thể thành công, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho nhiều cặp vợ chồng cũng chính là động lực để y, bác sĩ nỗ lực nhiều hơn. Hiện bệnh viện đã thực hiện thành công 31% ca có thai trong bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), 42% ca có thai trong chuyển phôi tươi, 63% ca chuyển phôi đông lạnh.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã thực hiện thành công cho nhiều ca vô sinh “đặc biệt”, đó là thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người đã mất, chồng bị liệt nửa người, bệnh nhân nữ có bất thường tử cung như tử cung đôi…
Hiện bệnh viện đang triển khai nhiều kỹ thuật mới như: Kỹ thuật Micro Tese giúp tìm tinh trùng diện rộng, áp dụng cho những trường hợp vô sinh do hai tinh hoàn teo hay kỹ thuật nuôi phôi giúp người mẹ hiếm muộn ít bị sảy thai, hạn chế khả năng đa thai, loại bỏ nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh…
Vô sinh, hiếm muộn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì khả năng chữa khỏi càng cao nhờ các tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản hiện nay. Ngoài ra, ở cả hai giới nam và nữ cần thực hiện lối sống lành mạnh, tránh quan hệ tình dục sớm (trong độ tuổi vị thành niên) và bừa bãi, không lạm dụng rượu bia, thuốc lá… để phòng tránh nguy cơ vô sinh là điều giới trẻ cần lưu ý.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội: Một cặp vợ chồng được coi là hiếm muộn, vô sinh khi mong muốn có con, chung sống với nhau bình thường, không sử dụng biện pháp tránh thai mà sau một năm vẫn không có thai. Khi có dấu hiệu như vậy, các cặp vợ chồng nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản để có thể được can thiệp kịp thời trước khi quá muộn.