Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết
Như thông lệ, những ngày giáp Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu về thực phẩm, nhất là sản phẩm chế biến sẵn như giò, chả, xúc xích; bánh, mứt, kẹo; rượu các loại… của người dân tăng đột biến. Bởi vậy, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), các hoạt động kiểm tra, giám sát luôn được các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Lực lượng chức năng của huyện Đồng Hỷ kiểm tra việc thực hiện các quy định về nhãn mác hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh.
Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 127/KH- BCĐ, ngày 16/12/2022 triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể nhằm bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân năm 2023.
Theo đó, lực lượng Y tế và các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo đảm ATTP với các nội dung phong phú như: Phổ biến quy định pháp luật về ATTP; thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định ATTP; thông tin, phổ biến các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm… Qua đó góp phần nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành cho người dân về ATVSTP trong dịp Tết và mùa lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định hiện hành, đặc biệt là tại các vùng đặc biệt khó khăn…
Cùng với hoạt động tuyên truyền, công tác thanh, kiểm tra cũng được tăng cường. Ông Lý Văn Cảnh, Trưởng Phòng ATVSTP, Sở Y tế, nói: Nhằm phát hiện các sai phạm kịp thời, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngành Y tế phối hợp với lực lượng chức năng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh.
Trước yêu cầu về ATVSTP luôn phải đặt lên hàng đầu, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người dân, việc tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất, trực tiếp… tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không chỉ được ngành Y tế và các cấp, ngành chức năng triển khai trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán mà còn duy trì thường xuyên trong năm.
Chỉ riêng năm 2022, ngành Y tế đã thanh, kiểm tra 1.138 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, xử phạt hành chính 29 cơ sở với số tiền là 75 triệu đồng. Việc thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và kết hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại chỗ, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo quy định pháp luật.
Năm 2022 đã khép lại, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm đông người. Dù vậy, để có một cái Tết trọn vẹn, cùng với sự tích cực của các cấp, ngành chức năng, mỗi người dân hãy là những nhà thông thái khi lựa chọn thực phẩm an toàn và nói không với các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Bà Nguyễn Thị Hồng, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), cho biết: Qua các hoạt động tuyên truyền của lực lượng chức năng, chúng tôi cũng đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo đảm ATTP bằng cách lựa chọn thực phẩm sạch từ nguyên liệu đầu vào đến khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và ăn uống.
Đặc biệt, để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, người tiêu dùng không nên tích trữ nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sản phẩm bị hỏng. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời…