Báo cáo nghiên cứu khả thi là gì? Khi nào lập Báo cáo nghiên cứu khả thi?

Báo cáo nghiên cứu khả thi luôn là một trong những tài liệu vô cùng quan trọng trong khi xây dựng hồ sơ phê duyệt đầu tư. Vậy báo cáo nghiên cứu khả thi là gì? Khi nào lập Báo cáo nghiên cứu khả thi?

1. Báo cáo nghiên cứu khả thi là gì?

Báo cáo nghiên cứu khả thi là một trong những tài liệu quan trọng được sử dụng để có thể thực hiện việc trình bày những nội dung trong quá trình nghiên cứu, tính khả thi và tính hiệu quả của bất cứ công trình nghiên cứu nào. 

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 cụ thể như sau:

“Báo cứu nghiên cứu khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi, hiệu quả, nguồn vốn và mức vốn của chương trình, dự án đầu tư công làm cơ sở để cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư”

Trong tiếng Anh, báo cáo nghiên cứu khả thi trong tiếng Anh là Feasibility Research Report, báo cáo này được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm nghiên cứu tính khả thi và hiệu quả của công việc đang thực hiện.

Trong lĩnh vực xây dựng, báo cáo này trình bày tất cả những nội dung mang tính nghiên cứu sơ bộ, vạch ra rõ ràng tính cần thiết, thiết thực và hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng. Qua đó, các nhà đầu tư xây dựng hay các bên có liên quan có thể dựa vào báo cáo này để xem xét, đưa ra những quyết định, những chủ trương tương ứng đúng đắn có liên quan tới dự án và công trình xây dựng.

Để lập được báo cáo nghiên cứu tính khả thi thì chắc chắn trong quá trình đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư và các bên liên quan cần tiến hành các giai đoạn nghiên cứu sau đó lập báo cáo nghiên cứu để dễ dàng theo dõi, đầu tư phù hợp với các yêu cầu của dự án.

Theo đó báo cáo nghiên cứu khả thi là một tài liệu mà trong đó chứa các nội dung gồm:

– Sự cần thiết của chương trình, dự án đầu tư công

– Mức độ khả thi của chương trình, dự án đầu tư công

– Hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công

– Nguồn vốn của chương trình, dự án đầu tư công

– Mức vốn của chương trình, dự án đầu tư công

Báo cáo nghiên cứu khả thi là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định có đầu tư hay không. Khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần tuân thủ những quy định của pháp luật.

 

2. Khi nào cần lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng?

– Khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp sau:

+ Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau:

Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo

Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.

+ Khi xây dựng nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư không phải lập sự án hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân theo quy định Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định pháp luật khác có liên quan.

– Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng.

Những dự án khác trong trường hợp cần phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

 

3. Nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi

Theo quy định của pháp luật, nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi của chương trình, dự án bao gồm những nội sau:

Đối với báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình đầu tư công:

Những nội dung chủ yếu gồm: 

– Sự cần thiết đầu tư

– Đánh giá thực trạng của ngành, lĩnh vực thuộc mục tiêu và phạm vi của chương trình; những vấn đề cấp bách cần được giải quyết trong chương trình

– Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, kết quả, các chỉ tiêu chủ yêu trong từng giai đoạn

– Phạm vi và quy mô của chương trình

– Các dự án thành phần thuộc chương trình cần thực hiện để đạt được mục tiêu của chương trình, thứ tự ưu tiên và thời gian thực hiện các dự án thành phần.

– Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện chương trình, phân bổ vốn theo mục tiêu, dự án thành phần và thời gian thực hiện, nguồn vốn và phương án huy động vốn

– Dự kiến thời gian và tiến độ thực hiện chương trình

– Giải pháp để thực hiện chương trình; cơ chế, chính sách áp dụng đối với chương trình; khả năng lồng ghép, phối hợp với các chương trình khác

– Yêu cầu hợp tác quốc tế (nếu có)

– Tổ chức thực hiện chương trình

– Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội chung của chương trình

Đối với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không có cấu phần xây dựng:

Gồm những nội dung chủ yếu sau:

– Sự cần thiết đầu tư

– Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch

– Phân tích, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đầu ra của dự án; phân tích, lựa chọn quy mô hợp lý; xác định phân kỳ đầu tư; lựa chọn hình thức đầu tư

– Phân tích các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế – kỹ thuật, lựa chọn địa điểm đầu tư

– Phương án tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng dự án

– Đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường

– Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư

– Dự kiến tiến độ thực hiện dự án; các mốc thời gian chính thức thực hiện đầu tư

– Xác định tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn

– Xác định chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác dự án

– Tổ chức quản lý dự án, bao gồm xác định chủ đầu tư, phân tích lựa chọn hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án, mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức bộ máy quản lý khai thác dự án

– Phân tích hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả và tác động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh; khả năng thu hồi vốn đầu tư (nếu có)

 

4. Một số lưu ý khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi

Báo cáo nghiên cứu khả thi là một tài liệu quan trọng vì nó tổng hợp tất cả những thông tin liên quan mật thiết tới dự án vì vậy cần phải hết sức lưu ý khi tiến hành lập báo cáo:

– Cần phải đặt tính chính xác lên hàng đầu, nêu chính xác tên của dự án, các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện ký hợp đồng đầu tư với nhà đầu tư

– Cần nêu rõ đặc điểm, tính chất, quy mô hoạt động của dự án cũng như công suất và thông số diện tích của dự án

– Cùng với đó, những thông tin liên quan tới yêu cầu kỹ thuật của dự án cần được nêu rõ ràng để tránh những sai sót không đáng có xảy ra dẫn đến những tranh chấp hay sai phạm trong tương lai

– Một vấn đề mà chủ đầu tư dự án cũng cần quan tâm đó là việc nêu rõ những ưu đãi về đầu tư trong báo cáo nghiên cứu khả thi.

 

5. Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi

Thẩm định nghiên cứu báo cáo khả thi do Hội đồng thẩm định kiểm tra, xem xét sự phù hợp của dự án, đánh giá các yếu tố phù hợp, tính khả thi cũng như hiệu quả của dự án

Việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi được quy định trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP cụ thể như sau:

– Thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi;

+ Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án quan trọng quốc gia; dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài làm vốn góp của Nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đơn vụ đầu mối quản lý về hoạt động PPP chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản này

– Nội dung thẩm định:

+ Sự cần thiết của việc thực hiện dự án: Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, vùng và địa phương; lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức PPP so với các hình thức đầu tư khác

+ Sự phù hợp của các yếu tố cơ bản: mục tiêu và quy mô, địa điểm thực hiện dự án; yêu cầu về thiết kế, kỹ thuật, công nghệ; đơn giá, định mức, giải pháp thiết kế để tiết kiệm chi phí xây dựng công trình của dự án; phương án tổ chức quản lý và kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ. Thiết kế cơ sở được tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật xây dựng đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc theo pháp luật chuyên ngành đối với dự án không có cấu phần xây dựng

+ Hiệu quả của dự án: Kết quả và đóng góp của dự án đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tác động về môi trường, xã hội và quốc phòng, an ninh

+ Tính khả thi của dự án: Phương án tài chính của dự án, khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, sử dụng tài nguyên; khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ và giải pháp tổ chức thực hiện để đáp ứng nhu cầu, khả năng thanh toán của người sử dụng; sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay đối với dự án

+ Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án: Loại hợp đồng, thời gian thực hiện hợp đồng; rủi ro trong quá trình xây dựng, khai thác, quản lý dự án và biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro

+ Các nội dung cần thiết khác

– Thời hạn thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:

+ Đối với dự án quan trọng quốc gia: Không quá 90 ngày

+ Đối với dự án nhóm A: không quá 40 ngày

+ Đối với dự án nhóm B, nhóm C: không quá 30 ngày

– Cơ quan thẩm định được thuê tư vấn thẩm định một phần hoặc toàn bộ nội dung nêu trên.

 

6. Hồ sơ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi

Căn cứ theo điều 14 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng như sau:

– Người đề nghị thẩm định trình 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về xây dựng để tổ chức thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện

Hồ sơ trình thẩm định phải bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với nội dung đề nghị thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định được xem là hợp lệ khi đảm bảo các nội dung, đúng quy cách, được trình bày với ngôn ngữ chính là tiếng Việt và được người đề nghị thẩm định kiểm tra, xác nhận. Phần hồ sơ thiết kế kiến trúc trong hồ sơ thiết kế xây dựng (nếu có) phải tuân thủ quy định của pháp luật về kiến trúc.

Hồ sơ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm: Tờ trình thẩm định theo quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và các tài liệu, vản bản pháp lý kèm theo, cụ thể như sau:

– Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư

– Quyết định lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc thông qua thi tuyển theo quy định và phương án thiết kế được lựa chọn kèm theo (nếu có yêu cầu)

– Văn bản/quyết định phê duyệt và bản vẽ kèm theo (nếu có) của một trong các loại quy hoạch sau đây: Quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phương án tuyển, vị trí công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đối với công trình xây dựng theo tuyến; quy hoạch phân khu xây dựng đối với trường hợp không có yêu cầu lập quy hoạch chi tiết xây dựng

– Văn bản ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy của thiết kế cơ sở; văn bản kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có yêu cầu theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường)

Các thủ tục về phòng cháy và chữa cháy bảo vệ môi trường được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình các văn bản này tại thời điểm trình hồ sơ thẩm định, nhưng phải có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng trước thời hạn thông báo kết quả thẩm định. Trường hợp chủ đầu tư có yêu cầu thực hiện thủ tục lấy ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy của thiết kế cơ sở theo cơ chế một cửa liên thông khi thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng thì chủ đầu tư nộp bổ sung 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

– Các văn bản thỏa thuận, xác nhận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật của dự án; văn bản chấp thuận độ cao công trình theo quy định của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam (trừ trường hợp dự án không thuộc khu vực hoặc đối tượng có yêu cầu lấy ý kiến thống nhất về bề mặt quản lý độ cao công trình tại giai đonạ phê duyệt quy hoạch xây dựng) nếu có

– Các văn bản pháp lý khác có liên quan (nếu có)

– Hồ sơ khảo sát xây dựng được phê duyệt; thuyết minh Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở hoặc thiết kế khác theo thông lệ quốc tế phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (gồm bản vẽ và thuyết minh); danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án

– Danh sách các nhà thầu kèm theo mã số chứng chỉ năng lực của nhà thầu khảo sát, nhà thầu lập thiết kế cơ sở nhà thầu thẩm tra (nếu có); mã số chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của các chức danh chủ nhiệm khảo sát xây dựng, chủ nhiệm, chủ trì các bộ môn thiết kế, lập tổng mức đầu từ, chủ nhiệm, chủ trì thẩm tra

– Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công có yêu cầu xem xét tổng mức đầu tư, ngoài các nội dung quy định nêu trên, hồ sơ trình thẩm định phải có các nội dung như sau: tổng mức đầu tư, các thông tin, số liệu về giá, định mức có liên quan để xác định tổng mức đầu tư; báo giá, kết quả thẩm định giá (nếu có)

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Minh Khuê về  Báo cáo nghiên cứu khả thi là gì? Khi nào lập báo cáo nghiên cứu khả thi?, hy vọng bài viết này sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc về các vấn đề trên. Nếu có bất kỳ vướng mắc gì về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số điện thoại 1900.6162 để được hỗ trợ.  Rất mong được hợp tác! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!