Báo Đà Nẵng điện tử
* Bác sĩ hiện nay có các chức danh đi kèm như thạc sĩ – bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II. Nhờ chuyên mục Cửa sổ Tri thức giải thích giùm quy định chức danh này đi kèm với học vị của bác sĩ như thế nào? (Diệp Như, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
– Theo hệ thống đào tạo y khoa Việt Nam hiện nay, sinh viên y khoa sau khi học 6 năm tốt nghiệp ra trường được gọi là bác sĩ, nhưng chưa hành nghề được, phải làm việc khoảng 18 tháng tại một bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Sau đó, muốn nâng cao trình độ chuyên môn, bác sĩ có thể chọn một trong hai hệ đào tạo, hoặc thực hành lâm sàng hoặc theo hướng nghiên cứu, để tiếp tục học thêm.
Ở hệ đào tạo thiên về thực hành lâm sàng, nếu bác sĩ học thêm một chuyên khoa nào đó (khoảng 1 năm) thì được gọi là bác sĩ chuyên khoa định hướng (BSCKĐH) và có thể bắt đầu hành nghề. Bác sĩ chuyên khoa định hướng có thể tiếp tục học thêm 2 năm nữa và nếu tốt nghiệp sẽ trở thành bác sĩ chuyên khoa cấp I (BSCKI). Sau khi hành nghề một thời gian, nếu bác sĩ chuyên khoa cấp I muốn nâng cao trình độ chuyên môn, có thể đi học tiếp 2 năm nữa, có trình luận văn để thành bác sĩ chuyên khoa cấp II (BSCKII).
Ở hệ đào tạo thiên về hướng nghiên cứu, bác sĩ sau khi ra trường đi làm đủ 2 năm kinh nghiệm có thể thi kỳ thi Cao học, trình luận văn để thành thạc sĩ y học. Thạc sĩ y học đi làm rồi, có thể thi tiếp kỳ thi tuyển Nghiên cứu sinh, học 3 năm (có thể nhiều hơn), trình luận án để tốt nghiệp thành tiến sĩ y học.
Ngoài ra, ngành Y còn một hệ đào tạo đặc thù là đào tạo bác sĩ nội trú (BSNT). Muốn được dự thi tuyển BSNT, học viên phải có đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 1, Điều 3 – Điều kiện dự thi của Quy chế đào tạo Bác sĩ nội trú, Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BYT ngày 4-7-2006 của Bộ trưởng Y tế như sau:
“ a) Có bằng tốt nghiệp đại học thuộc ngành học tương ứng với chuyên ngành xin dự thi và đạt loại khá trở lên.
b) Trong các năm học đại học không bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, không bị dừng học tập (trừ lý do sức khỏe).
c) Tuổi đời không quá 27.
d) Có đủ sức khỏe phục vụ lâu dài trong ngành y tế theo quy định tại Thông tư liên Bộ Y tế – Đại học, THCN và DN số 10/TT-LB ngày 18-8-1989 và công văn hướng dẫn số 2445/TS ngày 20-5-1990 của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Chỉ có các sinh viên y khoa chính quy mới được dự thi BSNT và chỉ được thi duy nhất một lần trong đời. Nếu thi đỗ sẽ được học tiếp 3 năm liên tục trong môi trường bệnh viện, tốt nghiệp ra trường được gọi là BSNT. Chương trình học nội trú khá nặng. Từ “nội trú” hàm ý là sống và làm việc trong bệnh viện. Ngày nay, nội trú có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn và các bác sĩ nội trú không nhất thiết phải ở trong bệnh viện.
Hiện nay, sau khi hoàn tất chương trình đào tạo kéo dài 3 năm, BSNT sẽ được cấp 3 bằng: Bằng BSCKI, bằng thạc sĩ y khoa, và bằng BSNT. Các giáo sư đầu ngành của Y học Việt Nam hầu hết đều xuất thân từ các BSNT.
Về mặt “quy đổi” một cách tương đối thì BSNT tương đương thạc sĩ và BSCKI, còn BSCKII tương đương tiến sĩ.
Nói thêm, trong ngành Y, từ Bác sĩ đến Tiến sĩ được gọi là học vị; Phó giáo sư và Giáo sư được gọi là học hàm; Thầy thuốc Ưu tú và Thầy thuốc Nhân dân được gọi là danh hiệu; Bác sĩ chính, Bác sĩ cao cấp và Chuyên gia cao cấp được gọi là ngạch.
ĐNCT