Bánh mì Việt ký sự – Kỳ cuối: Bánh mì chấm sữa – món già trẻ đều mê
Bánh mì chấm sữa đặc Ông Thọ, món ăn nhiều người mê – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Món ngon đơn giản
Tôi có chị bạn mỗi sáng có thể điểm tâm nhiều thức ngon vật lạ. Nhưng không, món chị thích nhất, có thể ăn ngày này qua tháng nọ là bánh mì nóng giòn chấm sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ!
Hay nhiều bạn bè khác, có con đang tuổi học hành cũng bảo món khoái khẩu của con tôi là bánh mì chấm sữa đặc có đường. Cái món rẻ tiền, đơn giản, ai cũng thưởng thức được này không phải xuất hiện mới đây, mà từ rất lâu. Như trước 1975, đó là món mà bọn trẻ con miền Nam chúng tôi mê mẩn.
Tôi nhớ như in, thật không có gì thú bằng mỗi sáng, áo quần đi học đã chỉnh tề. Vừa đúng 6h, vừa nghe tiếng rao “bánh mì đêiii…” là tót ngay ra cổng, hồ hởi gọi bán cho cháu một ổ. Chú bán bánh mì đạp xe đạp, trên bọc-ba-ga là chiếc sọt tre.
Trong chiếc sọt, những chiếc bao tải gai (loại bao tạ chứa gạo ngày xưa) xếp lớp bên trong để giữ nóng cho những chiếc bánh mì, và không để ẩm hơi khiến bánh mì bị ỉu. Chú nhẹ nhàng giở chiếc bao lên, bên trong là những ổ bánh mì vàng ruộm chen nhau xếp lớp, thơm nức mũi mùi bột mì nướng, thoang thoảng mùi bơ.
Trả tiền, tôi đón lấy ổ từ chú bán bánh, thế là tót ngay vào nhà. Ngồi trịnh trọng trên ghế, trước mặt là một đĩa sứ với ít sữa đặc có đường. Từng chút từng chút một, bẻ từng miếng bánh mì, quệt chút sữa đặc rồi cho vào miệng. Ngấu nghiến nhai.
Giòn rụm. Vị thơm của bánh. Vị béo của sữa. Vị ngọt của đường… Cứ thế là nhai, là nuốt… Nhanh gọn. Thật hợp với tuổi học sinh đến trường sớm. Thật khoan khoái làm sao với một món ăn vừa ngon, vừa bổ mà lại vừa rẻ!
Cũng món ấy, khi cảm cúm, khó ở trong người, mẹ tôi lấy sữa đặc ấy pha với nước sôi, và cũng kèm một ổ bánh mì nóng giòn. Mẹ bảo ăn thế cho dễ tiêu hóa. Cái hấp dẫn của món này là khi chấm miếng bánh mì vào sữa nước sôi, phần ruột đẫm sữa như tan trong miệng, nhưng phần vỏ bánh mì vẫn còn giòn. Thú lắm.
Chưa kể, khi bệnh mồm miệng nhạt, chả muốn ăn gì, vị béo ngọt của sữa với bánh mì nửa mềm nửa giòn ấy cũng đem lại cho bọn trẻ con khó ở một bữa điểm tâm đủ dinh dưỡng và dễ nuốt.
Lớn lên một chút, lâu lâu đổi kiểu, pha một ly cà phê với sữa đặc nóng, bẻ từng miếng bánh mì chấm vào đó rồi ăn cũng rất ư tuyệt cú mèo. Món này đến giờ vẫn còn quyến rũ tôi nhiều lắm. Và có lẽ không chỉ mình tôi…
Món này tuy cực đơn giản như thế nhưng cũng đòi hỏi ra phết. Như trong những năm khốn khó của thời bao cấp, món bánh mì chấm sữa Ông Thọ cũng ít thấy. Dĩ nhiên, sữa cùng bánh mì hiếm hoi một phần; nhưng phần quan trọng là bánh mì không ngon thì món này cũng khó nhá.
Như thời ấy, do cấm vận, bột nổi không có nên những ổ bánh mì tổ (phân phối theo tem phiếu qua tổ dân phố nên gọi như thế) nặng trịch, đến mức dân gian bảo “bánh mì ném chó, chó chết!”. Bánh mì ấy mà chấm với sữa thì nhá không trôi.
Hay bây giờ, nhiều lò bánh mì lại “tham” dùng bột nổi nhiều khiến ổ bánh mì xốp rộp, và loại ấy cũng không hợp với sữa. Phải là bánh mì ruột đặc vừa phải, vỏ được nướng vàng ruộm, giòn tan mới hợp với món chấm sữa đặc có đường.
Bánh mì từ rất lâu đã gần gũi với khẩu vị người Việt – Ảnh tư liệu
Sữa Ông Thọ phổ thông như xe Honda!
Bánh mì hấp dẫn thế nào khi kết duyên với sữa đặc thì rõ rồi. Nhưng cái món sữa đặc có đường nó từ đâu tới? Cả một thời niên thiếu tôi vẫn thường hay tự hỏi như thế. Nhưng ba mẹ tôi, anh chị tôi cũng chỉ có thể trả lời được như thế này: của Tây chứ của ai…
Không, câu trả lời ấy không làm tôi thỏa mãn. Mãi sau này, nhờ chú Google, nhờ đi làm quen biết với một số chuyên gia về sữa, tôi mới biết câu chuyện sữa đặc có đường nó mới thú vị làm sao.
Lịch sử của sữa đặc có đường được kể lại như thế này: Năm 1820, Nicolas Appert (Pháp) – người được xem là cha đẻ của ngành thực phẩm đóng hộp – đã mày mò nghiên cứu và đưa ra công thức làm sữa cô đặc tại Pháp. Tuy nhiên, phát minh của ông nằm im đến hơn 30 năm sau, và nó mới được một người Mỹ nghiên cứu và phát triển, đó là Gail Borden.
Số là thời ấy, những chuyến tàu đi lại giữa Anh và Mỹ kéo dài nhiều tháng trời. Vậy nên trên tàu thường… nuôi vài con bò để lấy sữa. Nhưng, bò nuôi trên tàu thủy thì năng suất thấp. Vào năm 1831, có những trẻ em phải chết vì thiếu dinh dưỡng trên những chuyến tàu như thế. Điều đó thôi thúc Borden sử dụng cách cô đặc nước trái cây đem áp dụng với sữa bò.
Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông cũng thành công. Và nhà máy sữa đặc đầu tiên của Borden đã ra đời tại New York năm 1864.
Tuy nhiên, cú bứt phá của sữa đặc có đường là nhờ cuộc nội chiến Hoa Kỳ, khi nó trở thành một loại thực phẩm trong khẩu phần của binh sĩ. Người ta cân đo đong đếm ra rằng, cứ 300ml sữa đặc cung cấp được 1.300 calo. Lúc ấy, nhà máy của Borden mỗi ngày tiêu thụ đến 76.000 lít sữa tươi. Cứ thế, sữa đặc ngày càng lan truyền rộng rãi…
Còn tại Việt Nam, sữa đặc (và cả bánh mì) theo chân người Pháp đến với đất nước hình chữ S này. Cuộc hành trình trở thành món ăn “quốc dân” của sữa đặc bắt đầu từ sau năm 1975, khi đó Công ty Sữa – cà phê Việt Nam (tiền thân của Vinamilk ngày nay) tiếp quản lại các nhà máy tại miền Nam gồm nhà máy Thống Nhất, nhà máy Trường Thọ chuyên sản xuất sản phẩm này.
Từ đây cũng bắt đầu cho ra đời những lon sữa đặc có đường mang tên Ông Thọ quen thuộc với nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Tính đến nay, loại sữa này cũng đã hơn 45 năm tuổi đời, có thể nói đây là thương hiệu sữa đặc lâu đời nhất. Ngày đó, người ta còn nhớ có câu nói đùa là “đây là người đàn ông duy nhất có sữa”.
Trước đây, đối với người Việt ở miền Nam, có những thương hiệu từ danh từ riêng biến thành danh từ chung, và kéo dài cho đến tận bây giờ. Ví dụ, gọi là xe Honda nhưng thật sự đó là cách gọi chung cho xe hai bánh có gắn máy, bất kể đó không phải nhãn hiệu Honda.
Tương tự, nói sữa Ông Thọ là hiểu ngay sữa đặc có đường, bất kể nó mang thương hiệu gì. Sữa đặc có đường này đi sâu vào cuộc sống đến mức, lon sữa sau khi sử dụng xong biến thành dụng cụ đo lường, như mạ nói hôm nay nấu ba lon gạo nhé…
Sự kết hợp giữa bánh mì với sữa đặc có đường rõ ràng đã trở thành một nét văn hóa thú vị trong đời sống văn hóa ẩm thực của người Việt.
Hoa hậu H’Hen Niê với bộ trang phục Bánh mì tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm 2018 – Ảnh tư liệu
Xuất khẩu đi 21 thị trường quốc tế
Sữa đặc Ông Thọ là một trong năm thương hiệu được chọn mua nhiều nhất ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa trong nước, đồng thời xuất khẩu tới 21 thị trường quốc tế. Năm 2020, hơn 16.000 tấn sữa đặc này, tương đương 21 triệu USD, được bán ra thị trường quốc tế.
Sữa đặc này là sản phẩm truyền thống của Vinamilk, ra đời từ năm 1976. Với bề dày lịch sử và chất lượng qua 45 năm, sữa đặc này nhiều năm liền được bình chọn là Thương hiệu quốc gia và được các thế hệ gia đình người Việt Nam tin dùng.
Bánh mì Việt ký sự – Kỳ 8: Bánh mì Hà Nội, từ lầu son đến vỉa hè