Bảng cân đối kế toán và những điều nhà đầu tư cần biết – PineTree Securities
Bảng cân đối kế toán là một trong những loại báo cáo tài chính quan trọng của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nên nắm rõ trước khi đưa ra quyết định của mình. Thông thường, nhà đầu tư hay có tâm lý xem nhẹ số liệu tài chính hiện tại của công ty mà tập trung vào những dự án triển vọng trong tương lai. Bảng cân đối kế toán sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực giúp cho nhà đầu tư nắm được khả năng và rủi ro tài chính của công ty để có thể hiện thực hóa những triển vọng đó. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu và cung cấp những thông tin cơ bản của bảng cân đối kế toán.
Nội Dung Chính
Bảng cân đối kế toán là gì?
Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) là một báo cáo tài chính của doanh nghiệp, tóm tắt ngắn gọn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm có/ sở hữu (tài sản) và những khoản nợ ở một thời điểm nhất định.
Bảng cân đối kế toán phản ánh số liệu về giá trị toàn bộ tài sản và nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp, tại thời điểm lập báo cáo tài chính, vì vậy người ta coi bảng cân đối kế toán như một bức ảnh chụp nhanh toàn bộ nguồn lực tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm thường là cuối năm, cuối quý hoặc cuối tháng.
Phương trình kế toán căn bản thể hiện rằng: “Lấy những gì bạn có trừ đi những cái bạn nợ, thì đó chính là giá trị của bạn”. Các BCDKT đều tuân thủ theo nguyên tắc:
“Tài sản – Nợ phải trả = Vốn chủ sở hữu” hay “Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu”.
Vì vậy, BCDKT luôn luôn phải cân bằng giữa tài sản và tổng nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
Ví dụ: Khi doanh nghiệp sử dụng tiền để mua tài sản cố định, mục “Tiền và các khoản tương đương tiền” trong BCĐKT sẽ giảm đúng bằng lượng giá trị tăng lên của khoản “Nguyên giá tài sản cố định” và giúp cho BCĐKT cân bằng.
Kết cấu của bảng cân đối kế toàn
Tài sản
Nguồn vốn
Tài sản ngắn hạn
- Vốn bằng tiền
- Đầu tư ngắn hạn
- Các khoản phải thu
- Hàng tồn kho
Nợ phải trả
- Nợ ngắn hạn: Vay ngắn hạn, Nguồn vốn chiếm dụng
- Nợ dài han: Vay dài hạn, Nợ dài hạn
Tài sản dài hạn
- Nợ phải thu dài hạn
- Tài sản cố định
- Đầu tư XDCB dở dang
- Đầu tư tài chính dài hạn
Nguồn vốn chủ sở hữu
- Vốn đầu tư của chủ sở hữu
- Các quỹ không chia trích lập từ lợi nhuận
- Lợi nhuận chưa phân phối
Ý nghĩa của bảng cân đối kế toán
Đối với phần tài sản
- Về mặt pháp lý: Bảng cân đối kế toán phản ánh giá trị của toàn bộ tài sản hiện có tại thời điểm lập báo cáo, thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp.
- Về mặt kinh tế: Các số liệu trong bảng cân đối kế toán ở phần tài sản phản ánh quy mô và những loại tài sản của doanh nghiệp được tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc hình thức phi vật chất.
Từ đó, ý nghĩa của bảng cân đối kế toán đối với phần tài sản giúp đánh giá tổng quan về quy mô vốn cũng như mức độ phân bổ sử dụng vốn của doanh nghiệp.
Đối với phần nguồn vốn
- Về mặt pháp lý: Bảng cân đối kế toán phản ánh nguồn hình thành các loại tài sản hiện có tại thời điểm báo cáo của doanh nghiệp. Từ đó cho biết doanh nghiệp cần phải trả khoản nợ là bao nhiêu. Đồng thời còn cho các chủ nợ biết được giới hạn trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các khoản nợ của doanh nghiệp.
- Về mặt kinh tế: Các số liệu trong phần nguồn vốn của bảng cân đối kế toán cho biết cơ cấu và quy mô các nguồn vốn được huy động và đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hạn chế của bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán giúp phản ánh giá trị sổ sách các tài sản, được lập theo nguyên tắc giá gốc nên khá khó để có được sự ăn khớp giữa giá trị tài sản theo sổ sách với giá trị tài sản trên thị trường.
Bảng cân đối kế toán chỉ phản ánh số liệu tại thời điểm lập báo cáo tài chính (thường là đầu ký hoặc cuối kỳ), vì vậy, nếu chỉ dựa vào các con số trên bảng cân đối kế toán sẽ rất khó đánh giá sự vận động của các loại tài sản và nguồn vốn trong cả thời kỳ hay giai đoạn.
Khi phân tích bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp, nhà đầu tư nên tập trung phân tích những khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu Tài sản – Nguồn vốn giúp bạn trả lời được câu hỏi: “Phần lớn tài sản của doanh nghiệp tập trung ở đâu? Nguồn vốn hình thành tài sản của doanh nghiệp chủ yếu đến từ nguồn nào?”. Sự thay đổi của những khoản mục này sẽ thể hiện rõ hơn về chuyển biến trong tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Nguồn: Tổng hợp
Chứng khoán Pinetree miễn phí hoàn toàn phí giao dịch trọn đời và công cụ lãi suất Margin 9%/năm không kèm điều kiện. Đây là mức phí tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.