Bàn về tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ ở vùng Huế (Phần 2)
(“Cửu Thiên Huyền Nữ” belief in Hue area)
Tác giả bài viết: Tiến sĩ ONISHI KAZUHIKO
(Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, ViệtNam)
(Visiting Researcher, Research Institute of Religion, Vietnam)
Nội Dung Chính
2. Những văn bản sử liệu về tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ ở vùng Huế
Tiếp theo, chúng tôi khảo sát lại 3 văn bản sử liệu triều Nguyễn gồm các tập văn khấn, văn sớ có liên quan tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ để xem xét lại vai trò của vị nữ thần này một cách cụ thể, sự phối thờ và cách bố trí giữa nữ thần này với các vị thần linh khác.
2.1. Văn bản của quán Linh Hựu trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ
Vua Minh Mạng được nhiều người biết đến là vị vua đã làm chấn hưng Nho giáo. Ông đã cho xây dựng một ngôi đạo quán (quán Linh Hựu) với quy mô lớn trong Kinh thành vào năm 1829 (năm Minh Mạng thứ 10). Vào thế kỷ XIX, một đạo quán mới có quy mô lớn của khu vực văn hóa Đông Á lại được xây dựng trong nội cung. Đây là một hiện tượng đáng chú ý trong lịch sử Đạo giáo. Căn cứ vào khảo sát dưới đây, chúng tôi cho rằng đức Cửu Thiên Huyền Nữ chính là vị thần được thờ chính trong quán Linh Hựu:
Về quán Linh Hựu, trong phần Tế tự các đền miếu (群祀), bộ Lễ (礼部), quyển 92 của bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (KĐĐNHĐSL) (欽定大南会典事例) có đoạn như sau:
霊祐観10, 明命十年, 建于京城内御河北, 古霊泰坊地頭. 観之中為 重霄殿, 中間設龕一奉祀九天聖祖銅像及金童玉女. 左一案設六甲 銅像, 左二案設七十二部地煞塑像.(下略)
Dịch nghĩa: Năm Minh Mạng thứ 10, xây dựng quán Linh Hựu tại đầu phường Linh Thái xưa, nằm ở phía bắc sông Ngự Hà trong Kinh thành. Bên trong quán dựng điện Trùng Tiêu. Gian giữa bày 1 cái khám phụng thờ tượng đồng Cửu Thiên Thánh Tổ và 2 tượng đồng Kim đồng, Ngọc nữ. Án thứ nhất bên tả, bày tượng đồng Lục Giáp; án thứ nhì bên tả, bày tượng tổ 72 bộ Địa Sát, do viên đạo lục phụng thờ (—).
Đoạn tiếp theo có phần miêu tả về các tòa nhà khác nằm bên phải điện Trùng Tiêu (重霄殿), làm gác Trường Quang (祥光閣), bên trái điện Trùng Tiêu, làm gác Từ Vân (慈雲閣). Như vậy là điện Trùng Tiêu được nằm vị trị trung tâm của các tòa nhà, tức là điện này là điện chính của quán Linh Hựu [TTBTDTCĐH 1997: 187]. Vị thần chính được thờ tại điện Trùng Tiêu là Cửu Thiên Thánh Tổ (九天聖祖). Vì vậy, chúng tôi cho rằng một trong những lý do chính để xây dựng quán Linh Hựu là để thờ đức Cửu Thiên Thánh Tổ.
Tên riêng đức Cửu Thiên Thánh Tổ này khó tìm ra trong danh mục tên thần thánh của Đạo giáo. Dựa vào một số cứ liệu dưới đây, chúng tôi đoán rằng đức Cửu Thiên Thánh Tổ chính là Cửu Thiên Huyền Nữ:
Trước hết, trong bài sớ lễ Thượng Lương (上梁礼) được sưu tầm ở Huế gần đây có đoạn gọi tên thần cai trị giới thợ mộc và bảo vệ lễ này là “Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân” (九天玄女聖祖道母元君). Theo chức năng của nữ thần này, chúng tôi nghĩ rằng “Cửu Thiên Thánh Tổ” (九天聖祖) là cách viết tắt của “Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân”. Chúng tôi sẽ bàn lại về tên vị thần này trong bài sớ lễ Thượng Lương trong phần 2.3. của bài báo cáo này.
Tiếp theo là những vị thần Lục Giáp (六甲) được thờ bên trái tượng đồng Cửu Thiên Thánh Tổ, là một trong những phụ thần chủ yếu của Cửu Thiên Huyền Nữ như chúng tôi đã nêu lên phần sách DTTTT.
Hơn nữa rất có khả năng, người đương thời suy nghĩ rằng 72 vị Địa Sát (七十二地煞) được thờ bên trái của Cửu Thiên Thánh Tổ chính là bồi thần (thần phụ giúp) của Cửu Thiên Huyền Nữ. Bởi vì, trong Truyện Thủy Hử12, có đoạn (bài thứ 42) nổi tiếng là đức “Cửu Thiên Huyền Nữ ” chỉ ra quan hệ giữa các vị thần “72 bộ Địa Sát” và Tống Giang (nhân vật chính truyện này), hình như nữ thần này cai trị những vị thần “72 bộ Địa Sát ”. Đồng thời, như đã nêu trên, truyện Thủy Hử đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ.
2.2. Văn tế lễ Thượng Lương trong bộ văn bản tài liệu được lưu trữ tại miếu Khai canh của làng Thanh Phước ở vùng Huế
Những tài liệu văn bản được lưu giữ tại miếu Khai canh làng Thanh Phước12 ở vùng Huế được ghi trong tập văn khấn Hương Trung tự điển nghi văn tiết tự thứ tự thức (郷中祀 典儀文節祀次序式)13, có chép bài lễ Thượng Lương. Bài này liệt kệ tên các vị thần linh mà dân làng cúng để khấn phụ hộ trong buổi lễ. Đoạn chép như sau:
関聖后土元君, 太歳至徳尊神, 高閣広土大王, 九天玄女仙妃, 当境城隍大王, 山川岳瀆四顧尊神, 本土土徳仙娘, 本土火徳仙娘, 白鶴先生之神, 野鶴先生之神, 魯班魯卜先生之神, 五方龍神柱宅.
Phiên âm: Quan Thánh Hậu Thổ Nguyên Quân, Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần, Cao Các Quảng Thổ Đại Vương, Cửu Thiên Huyền Nữ Tiên Phi, Đương Cảnh Thành Hoàng Đại Vương, Sơn Xuyên Nhạc Độc Tứ Cố Tôn Thần, Bổn Thổ Thổ Đức Tiên Nương, Bổn Thổ Hỏa Đức Tiên Nương, Bạch Hạc Tiên Sinh Chi Thần, Dã Hạc Tiên Sinh Chi Thần, Lỗ Ban Lỗ Bốc Tiên Sinh Chi Thần, Ngũ Phương Long Thần Trụ Trạch [Tập văn khấn 23a].
Trong số 12 vị thần linh đã nêu trên, chúng tôi có thể sắp xếp lại theo 3 cấp bậc khác nhau căn cứ vào thứ tự được chép lại.
Cấp bậc thứ 1: Từ Quan Thánh Hậu Thổ Nguyên Quân đến Cửu Thiên Huyền Nữ Tiên Phi là những vị thần có lai lịch khá rõ ràng.
Cấp bậc thứ 2: Từ Đương Cảnh Thành Hoàng Đại Vương đến Dã Hạc Tiên Sinh Chi Thần là những vị thần chung chung và lai lịch không rõ ràng.
Cấp bậc thứ 3: Lỗ Ban Lỗ Bốc Tiên Sinh Chi Thần, Ngũ Phương Long Thần Trụ Trạch. Tức là tổ sư thợ mộc và thổ thần mà cả người Hoa và người Việt thường thờ cúng [Huỳnh Ngọc Trảng, những người khác 1993b: 28].
Trong cấp bậc thứ 1, Quan Thánh Hậu Thổ Nguyên Quân là vị thần mà Quan Thánh Đế Quân (関聖帝君) kết hợp với Hậu Thổ Nguyên Quân (后土元君) là vị nữ thổ thần [Mã 2002/1996, tr. 46- 48]. Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần (太歳至徳尊神) vừa là một vị mộc tinh trên trái đất vừa là một vị hung thần14 rất độc ác [Mẫn – Lý 1995, tr. 236]. Cao Các Quảng Thổ Đại Vương (高閣広土大王) là một vị thần cai quản một vùng [Trần Đại Vinh 1995, tr. 101; Huỳnh Đình Kết 1998, tr. 39]. Trong danh sách các vị thần được ghi ở trên, người ta lại tìm ra được tên của đức Cửu Thiên Huyền Nữ. Chúng tôi chưa rõ về hai vị thần Bạch Hạc Tiên Sinh và Dã Hạc Tiên Sư Chi Thần trong cấp bậc thứ 2, từ đoạn ghi Đương Cảnh Thành Hoàng Đại Vương trở về sau là thần địa linh hoặc thần đất đai của chủ xứ. Các vị Lỗ Ban Lỗ Bốc Tiên Sinh Chi Thần, Ngũ Phương Long Thần Trụ Trạch thuộc cấp bậc thứ 3 là những vị thần sư tổ nghề mộc hoặc thần thổ địa của Trung Quốc. Theo mục đích xây nhà, thần đất đai hoặc thần khu vực chiếm một nửa; song cần lưu ý rằng các thần chiếm vị trí hàng đầu vẫn bao gồm thần quân sự như Quan Thánh và Cửu Thiên Huyền Nữ hoặc hung thần như vị thần Thái Tuế. Hơn nữa, Lỗ Ban và Lỗ Bốc là hai vị tổ sư nghề mộc, nhưng người Hoa lại xếp ở cấp bậc dưới. Từ việc quan sát các ví dụ nêu trên, có thể thấy: để bảo vệ cho ngôi nhà trong quá trình xây dựng, bước đầu có thể trông cậy vào các vị thần với mong muốn có được uy lực lớn mạnh.
Trong tập văn khấn lại có văn Chính kị (正忌文) [11a-14b]. Nội dung bài này được dùng trong lễ cầu an để tránh ôn dịch, có thể kể ra đây những vị thần Ôn dịch như Ngũ Ôn thần (五瘟神), Đại Lệ thần (大癘神), v.v. [13a-13b]. Trong các vị thần được nêu tên đó, lại thấy xuất hiện tên Lục Giáp Lục Đinh Chi Thần (六甲六丁之神) [13b]. Nó cũng giống như trường hợp Cửu Thiên Huyền Nữ được nêu trong DTTTT và phụ thần trong quán Linh Hựu.
Bài văn Chính kỵ chép về những vị thần được liệt kê rằng “Tôn thần ngự tai hãn họa chi thần (尊神禦災捍禍之神). Như thế là dân làng mong đợi thần Lục Giáp Lục Đinh thực hiện vai trò của vị thần ngự tai hãn họa”. Đây có thể nghĩ đến khả năng: khái niệm được phái sinh từ uy lực của vị thần quân sự.
Như vậy, dù đã được ghi ở các trang khác nhau, nhưng cả hai vị thần Cửu Thiên Huyền Nữ và Lục Giáp đều nhờ có uy lực mạnh mẽ của vị thần quân sự, vẫn duy trì chức năng vốn có là trừ tà ma. Chính vì thế, chúng tôi khẳng định rằng sự phối hợp của hai vị thần kể trên vẫn được tái hiện lại trên các tập văn khấn được lưu giữ tại các làng lận cận của thành phố Huế giống như trong sách truyện Cửu Thiên Huyền Nữ trong Dung Thành tập tiên lục hoặc như cách bố trí các pho tượng tại quán Linh Hựu.
2.3. Bàn về bài sớ lễ Thượng Lương được bán ở Huế
Trong bài sớ15 được dùng trong lễ Thượng Lương (上梁礼), do tác giả bài báo cáo này đã sưu tập được ở chợ Đông Ba vào năm 2007, có đoạn ghi tên các vị thần linh có liên quan đến lễ Thượng Lương, như sau:
Dịch nghĩa: Nhất thành thượng đạt Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân chiếu giám, Võ Thánh Khương Thái Công tại thử Bát Quái Phù, Cổ Tích Thiên Đại Phong Thần Tôn Vị, Lỗ Ban Lỗ Bốc Nhị Vị Tiên Sư Tôn Thần, Bản Xứ Thành Hoàng Tôn Thần, Bản Xứ Thổ Địa Tôn Thần, Ngũ Hành Liệt vị Nương, Lịch Đại Sư Tôn Thần, Đông Trù Ti Mạng Táo Quân Ngũ Phương Thổ Công Tôn Thần, Bản Xứ Thiện Thần Thị Tòng Bộ Hạ Vô Tự Âm Cô Hồn liệt vị đồng thùy chiếu giám, (—) [dòng thứ 7- dòng thứ 13].
一誠上達九天玄女聖祖道母元君炤鑑, 武聖姜太公在此八卦符,古昔天代封
神尊位, 魯班魯ト二位先師尊神, 本処城隍尊神, 本処土地尊神, 五行列位
娘、歴代師尊神、東厨司命竈君五方土公尊神、本処善神、侍従部下、無
祀陰孤魂列位、同垂炤鑑。(—)
Ở đây, người ta nhìn thấy tên đức Cửu Thiên Huyền Nữ đặt ở vị trí hàng đầu trong số tên các vị thần khác nhau. Hơn nữa, theo cách bố trí đoạn văn thì, giữa Cửu Thiên Huyền Nữ và những vị thần linh khác chia thành hai phần, có thể như là vị nữ thần này được đãi ngộ đặc biệt.
Điều đó làm cho người ta có thể xác nhận được là đối tượng tín ngưỡng chính của lễ Thượng Lương là đức Cửu Thiên Huyền Nữ. Khương Thái Công (姜太公)16 cũng được đãi ngộ đặc biệt sau vị nữ thần này. Cần lưu ý rằng, Khương Thái Công cũng là một vị thần quân sự, có xưng hiệu Võ Thánh (武聖) trong bài sớ. Trong những vị thần linh khác trong bài sớ này lại có tên vị thần Lỗ Ban. Thần Lỗ Ban vốn là một người thợ mộc khéo tay của Trung Quốc cổ đại và Đài Loan, được tôn sùng là vị thần nghề mộc khéo léo với danh xưng Xảo Thánh Tiên Sư (巧聖先師) [Lưu 1994, tr. 352, 365]. Trong bài sớ này, ngoài Lỗ Ban Lỗ Bốc ra, lại có tên là Lịch Đại Tiên Sư (歴代先師) với nghĩa là những vị tiền bối của nghề mộc ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng Tiên Sư trên thực tế chính những là vị tổ sư nghề mộc. Còn Cửu Thiên Huyền Nữ là sự tồn tại có uy quyền khác ở trên cấp bậc Tiên Sư này.
Ở khu vực Đông Á, người ta lại dùng một cái thước đặc biệt có tên là thước Lỗ Ban (魯班尺) vừa để đo kích thước nhà cửa vừa để đoán may rủi. Ở Việt Nam, thước Lỗ Ban cũng được sử dụng [Phan Thanh Hải 2003, tr. 326-327]. Trong đồ sưu tầm của Viện Bảo tàng Lịch sử ở Hà Nội, trên thước Lỗ Ban, có khảm một cái bùa với lời chú “Cấp cấp như Cửu Thiên Huyền Nữ luật lệ” (Xin xem tấm ảnh số 1) (đã trình bày trong phần 1.2. bài báo cáo này khi mô tả hệ thống sách Tam giáo chính độ thực lục). Theo lời TS. Trịnh Chính Hạo (鄭正浩)17 khi trao đổi với tác giả bài này vào ngày 15 tháng 8 năm 2009, thì: quan hệ giữa Cửu Thiên Huyền Nữ với tổ sư nghề mộc ở Đài Loan chưa rõ ràng và hơn nữa trong thước Lỗ Ban mà TS. Trịnh đã sưu tập không có tên vị nữ thần này.
Như vậy, qua so sánh tín ngưỡng hiện tại về tổ sư nghề mộc người Hoa và người Việt Nam thấy có điểm giống nhau, đó là cùng thờ chung vị thần Lỗ Ban; nhưng lại có điểm khác nhau, đó là: ở thời điểm hiện tại chỉ có ở Việt Nam mới có tín ngưỡng đức Cửu Thiên Huyền Nữ.18
Một điều mà chúng tôi không thể bỏ qua trong bài sớ nêu trên đó là sự kết hợp danh xưng Cửu Thiên Huyền Nữ và Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân (聖祖道母元君). Chúng tôi cho rằng trong tên này có sự kết hợp hai vị nữ thần khác nhau là Cửu Thiên Huyền Nữ và Tây Vương Mẫu (西王母). Phần lời tựa DTTTT ghi rằng: “Phụ nữ đắc Đạo thì vị trí cao nhất là Nguyên Quân. Tập truyện này viết Kim Mẫu trở thành Chủ Nguyên Quân (女子得道位極於元君、此伝以金母為主元君). Theo đó, nếu dựa vào thuật ngữ thần học Đạo giáo, Nguyên Quân (元君) trong “Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân” có ý nghĩa là “Tây Vương Mẫu”
Còn theo truyện Cửu Thiên Huyền Nữ trong DTTTT như đã kể trên, có đoạn là nữ thần này là “đệ tử của Thánh Mẫu Nguyên Quân” (聖母元君弟子也). Truyện Tây Vương Mẫu trong DTTTT lại có đoạn: “Tây Vương Mẫu (—) lại có hiệu là Kim Mẫu Nguyên Quân. (—) Vương Mẫu ra lệnh cho một phụ nữ đầu chim mình người và nói với (Hoàng) đế rằng: Ta là Cửu Thiên Huyền Nữ” (—) (西王母(—)亦号曰金母元君(—)王母乃命一婦人人首鳥身, 謂帝曰我九天玄女也.(—). Như vậy, trong các tài liệu quan trọng, có thể thấy rõ mối quan hệ giữa Cửu Thiên Huyền Nữ và Tây Vương Mẫu khá mật thiết.
Hơn nữa, tín ngưỡng thần bổn mạng Huế có 2 hệ thống cùng song song tồn tại: một là Tây Cung Vương Mẫu (西宮王母)/Đoài Cung Vương Mẫu (兌宮王母) hay nói cách khác thuộc hệ Tây Vương Mẫu [Cadière 1958/1930, tr. 72; Trần Đại Vinh 1995, tr.119], hay là thuộc hệ Cửu Thiên Huyền Nữ [Huỳnh Đình Kết 1998, tr.38]. Những năm gần đây, hai vị nữ thần này vẫn được phối thờ như ghi chép trong sách địa chí huyện Phong Điền thuộc phía tây bắc tỉnh Thừa Thiên Huế kể rằng: “Theo đức tin được truyền lại, người phụ nữ còn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Tây Cung Vương Mẫu Bổn Mạng Chúa Tiên—” [Nguyễn Văn Hoa và những người khác 2005, tr. 485-486]. Ở đây, đức Cửu Thiên Huyền Nữ được nêu lên ở vị trí hàng đầu trong nhóm các vị thần linh, và cả hai vị nữ thần này đều là vị thần bổn mạng của người phụ nữ.
Từ quan niệm tiếp cận nêu trên, ở vùng Huế đã nảy sinh quan niệm có sự kết hợp giữa Cửu Thiên Huyền Nữ và Tây Vương Mẫu. Cho nên tên chủ thần là “Cửu Thiên Thánh Tổ” được thờ ở quán Linh Hựu nêu trên có nhiều khả năng có sự kết hợp tên gọi của cả hai vị nữ thần. Mặc dù vậy, trong những vị thần phụ được đặt bên cạnh thần chủ có liên quan nhiều tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ, thì tính cách của Cửu Thiên Huyền Nữ, tức vị thần trông coi chiến tranh và trừ tà ma, được nổi bật nhiều hơn Tây Vương Mẫu.
Tiểu kết
Như vậy, chúng tôi nghĩ rằng sự phối hợp giữa thần chính Cửu Thiên Huyền Nữ với các vị thần phụ, đặc biệt với thần Lục Giáp được kể trong văn bản tài liệu Đạo giáo như DTTTT đã phản ánh trong việc bố trí các pho tượng tại chính điện của quán Linh Hựu hoặc trong sách văn khấn đang lưu giữ tại làng Thanh Phước. Điều này được triển khai rõ ràng theo cách thức vừa nổi bật lên trong những vị thần tổ sư nghề mộc khác như Lỗ Ban, vừa pha trộn với Tây Vương Mẫu tại vùng Huế.
Sau đây, chúng tôi suy nghĩ thêm về nguyên nhân của một số trường hợp việc thờ phụng Cửu Thiên Huyền Nữ tại quán Linh Hựu, tại thự Thanh Bình vì nữ thần này thường được coi là có chức năng quân sự. Người ta nghĩ rằng Cửu Thiên Huyền Nữ có sức mạnh to lớn của vị thần quân sự. Vì vậy, sức mạnh để trừ tà ma này thường tiềm ẩn trong cây gỗ, vừa coi nữ thần này là tổ sư của nghề mộc.
__________
10 Quán Linh Hựu (霊祐観): Theo Đại Nam thực lục chính biên (南寔録正編) (phần tháng 6 năm Minh Mạng thứ 10, quyển 60, kỷ thứ 2) chép rằng: Dựng chùa Linh Hựu “nằm ở phía bắc Ngự Hà”, đặt Đạo Lục Ty để trấn giữ chỗ này. (建霊祐寺 “在御河之北” 置道録司守之). Quán này mang tên xưng là “chùa”. Và theo phần kể trên của KĐĐNHĐSL, trong gác Từ Vân có dựng pho tượng Phật. Hơn nữa, có khi quán Linh Hựu do sư Nhất Định trụ trì (theo ghi chép trong bản bia “An Dưỡng tự Nhất Định Hòa thượng hành trạng bi ký (安養寺一定和尚行状碑記) [Trịnh Khắc Mạnh 2008, tr. 444]. Chúng tôi cho rằng, những pho tượng được đặt trong chính điện đều là vị thần Đạo giáo như kể trên. Rất có thể, trước thời cận đại, các vị sư có thể kiêm nhiệm vai trò của một đạo sĩ [Onishi 2007b, 2009a]. Cho nên quán này, nhiều khả năng còn mang đậm nét Đạo giáo. Theo những khảo cứu nêu trên có thể thấy, tổ chức Đạo Lục Ty được đặt trong quán này. Các tài liệu như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ và Đại Nam thực lục lại không ghi tên cụ thể tổ chức quan lại của Đạo giáo. Theo khảo cứu của chúng tôi, Đạo Lục Ty triều Nguyễn rất khác với Đạo Lục Ty thời nhà Lê hoặc chế độ đạo quan thời nhà Minh, nhà Thanh [Onishi 2007a]. Chúng tôi xin đề cập đến vấn đề này vào dịp khác.
11 Sự truyền bá của Truyện Thủy Hử (水滸伝) vào Việt Nam: Chúng tôi chưa rõ truyện này được truyền vào Việt Nam vào thời gian nào. Theo Vân Đài loại ngữ (雲台類語) (quyển 7, Thư tịch : 書籍 ), tác giả Lê Quý Đôn (1726-1784) ghi về truyện này như sau: “Như truyện Thủy Hử, kể việc bọn Tống Giang (—)” (如水滸伝序宋江等事(—). Bài tựa sách này được ghi vào năm 1773 (năm Cảnh Hưng thứ 34). Như vậy truyện Thủy Hử được truyền bá vào Việt Nam vào khoảng nửa sau của thế kỷ XVIII.
12 Làng Thanh Phước nằm cách thành phố Huế 4 km về phía bắc, thuộc xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
13 Tập văn khấn này gồm 26 trang, có kích thước chiều dài 606mm, chiều ngang 362mm. Trang 1A chép tên sách này là Hương Trung tự điển nghi văn tiết tự thứ tự thức.
14 Theo những truyện trong sách Quảng Dị ký (広異記) và Dậu Dương tạp trở (酉陽雑俎) trích dẫn từ bộ Thái Bình Quảng ký (太平広記) ( phần yêu quái: 妖怪4, quyển 362) có chuyện toàn gia tộc bị tiêu diệt do một người trong họ đã bới đào Thái Tuế từ dưới đất.
15 Bài sớ lễ Thượng Lương này được in vào giấy màu vàng có kích thước chiều dài 364 mm, chiều ngang 613 mm, có 18 dòng, được ghi bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
16 Khương Thái Công tức Thái Công Vọng. Xin xem chú thích Thái Công Vọng trong bài này.
17 TS. Trịnh Chính Hạo: người Đài Loan, nguyên là GS trường Đại học nữ Tâm Thanh Đức Mệ Okayama (Nhật Bản), ông chuyên nghiên cứu về Đạo giáo. Chúng tôi xin ghi tên họ Tiến sĩ Trịnh ở đây để tỏ lòng cám ơn. 18 GS.TS. Nikaiđo Yoshihiro 二階堂善弘 (Trường Đại học Kamsai: Nhật Bản) chỉ dạy cho chúng tôi rằng trong sách Sự lâm quảng ký (事林広記) của Trần Nguyên Tĩnh (陳元靚) cuối thời Nam Tống (南宋) Trung Quốc có đoạn ghi “cái thước Cửu Thiên Huyền Nữ” (九天玄女尺). Chúng tôi xin ghi lại thông tin quý báu để bày tỏ lòng cảm ơn. Thêm nữa, sách Cổ kim thích nghi (古今釈疑) (quyển 18) của Phương Trung Lý (方中履) thời nhà Minh cũng có đoạn ghi: cái thước Lỗ Ban Cửu Thiên Huyền Nữ “魯班九天玄女尺”. Như vậy, từ thời Nam Tống đến thời nhà Minh, ở Trung Quốc cũng có tín ngưỡng Cửu Thiên Huyền Nữ có liên quan đến thợ mộc hoặc vấn đề phong thủy. Chúng tôi mong đợi các nghiên cứu tiếp theo về vấn đề này.
Nguồn: Văn hóa – Lịch sử Huế qua góc nhìn làng xã phụ cận và quan hệ với bên ngoài
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả xem tiếp phần 3: