Bàn về làm thơ và nấu ăn

Cho những blog mà tôi vào lục bếp

Tôi thích làm thơ, điều này thì nhiều người biết.

Ngoài ta, ít người biết hơn, tôi còn rất thích nấu ăn.

Tôi bắt đầu nấu ăn năm tôi học lớp 3, cũng một phần do hoàn cảnh. Mẹ tôi đi làm cơ quan xa mà phải đi bộ, ba tôi đạp xích lô nên rất mệt mỏi khi về đến nhà, tôi bắt đầu ý thức việc cần phải giúp cha mẹ, chí ít là nấu một bữa cơm. Từ việc làm mang tính trách nhiệm đó, được sự động viên từ các cô chú trong khu tập thể (Gia đình chúng tôi lúc đó ở trong một căn phòng rộng 12m2, nhà bếp và WC là dùng chung cho cả mấy hộ gia đình), tôi bắt đầu yêu thích việc bếp núc từ lúc đó. Ở một entry trước, tôi cũng nổ là mình bắt đầu làm thơ từ năm lớp 2, vậy coi như tôi bắt đầu biết làm thơ và nấu ăn cùng lúc.

Tôi không coi trọng riêng khả năng nào hơn, làm thơ hay nấu ăn, tôi làm một bài thơ cũng như nấu một bữa ăn. Cá nhân tôi cảm nhận việc làm thơ và nấu ăn có nhiều điểm tương đồng, xin nêu đây để rộng đường dư luận:

1.
Bạn phải làm bằng tất cả niềm say mê, không thể có một bữa ăn ngon hay một bài thơ hay nếu tác giả thiếu đi một chút say mê trong lúc thực hiện.

2.
Khi đã làm với tất cả lòng say mê, thì phần thưởng thức và đánh giá lại thuộc về người khác, do đó đừng đòi hỏi một đánh giá tuyệt đối cho cả hai loại tác phẩm này, nó tùy vào khẩu vị người ăn, người đọc.

3.
Cũng thực hiện với bao nhiêu đó chất liệu và công thức, nhưng tính sáng tạo mới là yếu tố quyết định độ “đỉnh” của tác phẩm. Không phải cứ làm khác đi là sáng tạo, sáng tạo thật sự sẽ làm cho người thưởng thức nhận ra ngay dấu ấn của tác giả qua dư vị.

4.
Bất cứ ai cũng có thể làm thơ hay và nấu ăn ngon. Đừng nghĩ người chuyên nghiệp sẽ làm tốt hơn bạn, không đúng đâu.

Đối với người làm thơ, có một số kỹ xảo nhất định đễ biến những câu chữ, những hình ảnh tưởng như tầm thường trở nên thăng hoa và mạnh mẽ

Xin lấy một ví dụ khá đơn giản, đó là xét hai câu thơ bất hủ của Vũ Hoàng Chương:

Em ơi lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai

Đó là 2 câu thơ, mà theo tôi, đủ sức làm ta ngưng thở và thắt mạnh trái tim ta khi đọc đến.

Bây giờ hãy thử thay đổi một chút, mà không làm sai nghĩa:

Em ơi lửa tàn bình hết rượu
Đời vắng em rồi say với ai

Bạn thấy đó, hai câu thơ trở nên thường ngay.

Tương tự, người nấu ăn cũng có thể làm được như vậy để cho món ăn của mình phải làm cho thực khách giật mình, tê tái cả vị giác mà chỉ cần thêm một chút sáng tạo và đam mê.

Đối với tôi, tôi xin ví dụ một số kinh nghiệm cá nhân, xin nói trước là hết sức cá nhân nhé.

Dùng thêm gừng:
Dùng ít thôi, chỉ một, hai lát mỏng như đồng xu, băm nhuyễn, có thể dùng trong các món sau để tăng dư vị:
-Các món canh nấu bằng tôm, cá, canh cải, các món lẩu, nước dùng
-Các món cháo, đặc biệt là cháo cá, hải sản
-Các món kho, đặc biệt là cá kho
-Các món xào có hải sản

Dùng dầu hào:
Dầu hào cho thức ăn thêm một chút đậm đà và mùi vị hấp dẫn, dùng dầu hào để tẩm ướp thịt, cá trước khi chế biến hoặc nêm vào các món xào. Có thể kể tên một số món mà nếu thêm dầu hào thì mùi vị sẽ rất khác:
-Các món cơm chiên, mì xào, bún xào, hủ tiếu xào, bò xào, mực xào,
-Các món thịt kho, cá kho
-Tẩm ướp thịt cho các món nướng

Sữa đặc có đường (Sữa Ông Thọ)
Đặc biệt là đối với các món thịt nướng (trừ thịt bò), thử thay đường hoặc mật ong bằng sữa đặc có đường khi ướp thịt để nướng, sẽ rất khác. Thịt sẽ chín vàng, thơm mà không bị khét.

Trong phạm vi bài này tôi không nêu một công thức nào cụ thể (Mà công thức thì cũng chỉ để tham khảo), nhưng hãy thử tưởng tượng một tô nước luộc rau muống mà có vài tép gừng băm thả vào, sẽ rất khác đấy.

Vậy đó, người nấu ăn, hãy tự coi mình như một người làm thơ, và ngược lại. Tôi không coi mình là người làm thơ hay hoặc là người nấu ăn giỏi, nhưng tôi luôn làm cả hai việc ấy bằng niềm say mê.

Người ta có thể không cần đọc thơ, nhưng nhất định cần phải được ăn ngon, nhất là những người thương trong gia đình mình.

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…