Bàn về kiến thức lịch sử trong câu hỏi tại Chung kết Đường lên đỉnh Olympia

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

  –  

Thứ tư, 05/10/2022 16:26 (GMT+7)

Tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia , câu hỏi liên quan đến kiến thức lịch sử trong phần thi Về đích của thí sinh Anh Đức nhận được nhiều ý kiến tranh cãi và bị cho là đáp án chưa chính xác. Tuy nhiên, phía ban tổ chức lại phát ra thông báo giải thích và khẳng định đáp án là chính xác. Báo Lao Động xin gửi tới bạn đọc bài phân tích của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ liên quan đến câu hỏi gây tranh cãi này.

Bàn về kiến thức lịch sử trong câu hỏi tại Chung kết Đường lên đỉnh Olympia
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Khi theo dõi chương trình Đường lên đỉnh Olympia lần này, nghe câu phát vấn về kiến thức lịch sử liên quan đến “ba vương tập đế”, tôi đã giật mình. Tại sao ở một phần cần kiến thức nền về nghiên cứu lịch sử mà người ta lại dùng một dữ liệu không chắc chắn của đồng dao dân gian và trớ trêu thay, đáp án lại dựa trên sự giải thích áp đặt của GS Trương Tửu, một người không chuyên về sử học.

Câu hỏi Về đích trong phần thi của thí sinh Anh Đức hiện tiếp tục gây tranh cãi. Ảnh: CMHCâu hỏi Về đích trong phần thi của thí sinh Anh Đức hiện tiếp tục gây tranh cãi. Ảnh: CMH

Sau khi nghe ý kiến của ông Lê Văn Lan trả lời về vấn đề này thì tôi đã chắc chắn rằng, té ra, tư duy về lịch sử của ông là “dĩ ngoa truyền ngoa”.

Tất cả bắt đầu từ cuốn sách “Kinh Thi Việt Nam” của GS Trương Tửu in năm 1940. Trong tủ tôi có là bản in lại vào năm 1959.

Đây là một chuyên luận nghiên cứu về ca dao Việt Nam của GS Trương Tửu. Ngay trong lời nói đầu, GS đã dẫn giải rằng tại sao lại nhìn nhận ca dao Việt Nam như là Kinh Thi của Trung Hoa. Và cũng trong lời nói đầu đó, GS đã lý giải bài “Chu tri rành rành” bằng một đoạn giàu tính văn chương kể về một buổi chiều, tác giả đi bộ ra Bờ Hồ, gặp một cụ già quắc thước, râu tóc bạc, như người của thời trước còn lại. Khi cụ già nghe thấy trẻ con chơi và hát đồng dao trên bãi cỏ cạnh nhà Thủy tọa bài “Chi chi chành chành”. Cụ quắc mắt lên và nói “Chúng nó hát sai cả, sai cả!”. Được GS Trương Tửu hỏi han thì cụ đọc cho GS nghe bản “Chu tri rành rành…” này kèm lời giải thích từng câu. Và chúng ta được tiếp xúc với dị bản đó như sau:

“Chu tri rành rành / Cái đanh nổ lửa / Con ngựa đứt cương / Ba vương tập đế / Cấp kế đi tìm / Hú tim bắt ập”.

Đồng thời, chúng ta cũng thấy GS Trương Tửu ghi lại ý giải thích của ông già như sau:

“Chu tri rành rành: nghĩa rằng bá cáo cho mọi người đều biết.

Câu thứ hai là: Cái đanh nổ lửa nói về việc quân đội Pháp bắn súng vào cửa Đà Nẵng.

Câu thứ ba là: Con ngựa đứt cương chỉ sự băng hà của vua Tự Đức và sự rối loạn của triều đình lúc bấy giờ.

Hồi đó, bọn Tường Thuyết chuyên quyền giết hại nhiều người trung trực. Chúng dám làm trái cả di chúc của Tiên Vương, bỏ Dục Đức vào ngục tối, lập Hiệp Hòa làm vua, sau chúng lại giết Hiệp Hòa đem Kiến Phúc thay vào, rồi chúng lại giết Kiến Phúc tôn Hàm Nghi lên ngôi báu. Ba ông vua kế tiếp nhau như thế nên mới có câu: Ba vương lập đế”.

Người ra đề, người chọn đề và người làm đáp án đã dựa trên lời mở đầu của cuốn Kinh Thi Việt Nam và coi đó là đáp án đúng về kiến thức lịch sử.

Chúng ta thấy rằng:

Trước hết, cách giải thích của GS Trương Tửu đã là tri thức nền về kiến thức lịch sử hay chưa? Đọc cả cuốn Kinh Thi Việt Nam ta không khó khăn nhận ra phương pháp giải thích trong đó là vận dụng cách giải thích Kinh Thi Trung Hoa của Chu Hy  (1130 – 1200) thời Nam Tống khi học giả này chú giải các tác phẩm trong Kinh Thi, tương truyền do Khổng Tử (551 TCN – 479 TCN) san định. Với các bài dân ca, ca dao trong đó, Chu Hy có xu hướng áp đặt những sử thực các triều trước cho các câu thơ, các hình ảnh, các tâm sự thuộc về nghệ thuật phiếm chỉ dân gian.

Cách chú giải Kinh Thi của Chu Hy ảnh hưởng lâu dài trong văn hóa phương đông cổ xưa, đặc biệt là nhà nho thời phong kiến Việt Nam. Cách này các cụ xưa nói gọn thành kiểu “chú giải Thi học” hoặc “chú giải Thi Kinh”. Cách này ảnh hưởng nhiều đến cả các nhà tây học có nền tảng nho học thời Pháp thuộc và lưu luyến đến tận bây giờ. Nhưng khoa nghiên cứu văn học dân gian cũng chỉ ra những ngụy biện, áp đặt, thiếu cơ sở thực tế của phương pháp “thi học” này.

Cái sai của nó là các diễn ngôn của kiểu này đậm tính cá nhân, đưa ra những thông điệp không khả tin về mặt sử thực.

Thứ hai, cách đưa dị bản “Chu tri rành rành” của GS Trương Tửu khiến chúng ta khó lòng tin cậy. Nếu coi đoạn văn trong lời mở đầu của GS Trương Tửu là một “diễn ngôn” thì ta thấy người phát ngôn là nhân vật cụ già, người đồng thuận là GS Trương Tửu. Trên mặt văn bản, đó là diễn ngôn của GS. Lấp ló trong đoạn văn, có một dị bản mà trẻ em hát. Dị bản đó không được đưa ra.

Chúng ta biết rằng, bài đồng dao này, từ trước cách mạng tháng Tám, đã được GS Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu theo phương pháp khác.

Trước hết, GS Nguyễn Văn Huyên trình bày 5 dị bản khác nhau để phân tích và nhận định, trong đó có nhắc tới dị bản mà cụ đàn anh là nhà khảo cứu văn hóa Nguyễn Văn Tố đã đưa ra trước đó. Việc đưa ra nhiều dị bản để soi xét chứng tỏ cách thức làm việc cẩn trọng. Sau khi phân tích, GS Nguyễn Văn Huyên “dùng” một dị bản hội đủ điều kiện (theo GS) để lý giải. Dị bản đó tôi nhớ như sau:

“Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa đứt cương/ Tam vương ngụ đế / Cấp kế thượng hạ/ Ba chạ đi tìm/ Ú tim òa ập”.

So sánh các dị bản chúng tôi thấy cả bài đồng dao, chỉ mỗi câu “Con ngựa đứt cương” là tồn tại chung cho nhiều dị bản.

Vậy, việc GS Trương Tửu chỉ chấp nhận 1 dị bản, mà không nghiên cứu ý nghĩa của nó qua các dị bản khác nhau liệu đã khách quan trong nghiên cứu chưa? Đã là tri thức chín chắn nền tảng chưa?

Thứ ba, về giải thích một một số câu trong các dị bản bài đồng dao, qua bài nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Huyên, ta biết nhà khảo cứu Nguyễn Văn Tố, chọn dị bản “Tam phương ngụ đế” và giải thích rằng, cả ba phương đều có đế ở, đó là Kinh đô, Cao Bằng và Đàng trong. Ba “đế” là Nhà Lê, Nhà Mạc và Chúa Nguyễn. Đó là thời Lê Trung Hưng. Cụ Nguyễn Văn Ngọc còn cảm thán một câu với ý: Cái vận nước vẫn được cả con trẻ không quên thì tiên đồ nước ta còn lâu dài. Tất nhiên, GS Nguyễn Văn Huyên đưa ý kiến “bậc đàn anh tôi” nhưng không đồng thuận với cách giải thích đó qua bài lý giải của GS.

Đề cập trực tiếp đến câu trong đề ra là “Ba vương tập đế”. Ta thấy cách giải thích của GS Trương Tửu (mượn lời ông già) là rất lúng túng, là không cơ bản về “kiến thức lịch sử”.

“Tập đế” thì chữ “tập” nghĩa là nối tiếp, kế tiếp, tiếp theo… “Tập đế” là làm vua tiếp theo.

Sau đời Tự Đức cho đến Hàm Nghi thì không phải là 3 mà là 4 “đế hiệu”: Dục Đức – Hiệp Hòa – Kiến Phúc – Hàm Nghi. Điều này được ghi nhận trong lịch sử.

Nếu lấy từ Hàm Nghi trở ngược lên Tự Đức, hà cớ gì bỏ đi một đế hiệu? Sự khiếm khuyết này chứng tỏ người giải thích vấp phải chữ “ba” (dị bản khác thường là “tam”) và đã cố “gọt chân cho vừa giầy”.

Đọc đoạn văn của GS Trương Tửu ta thấy rõ ràng là rất “dấp dính”: GS đã ghi cả 4 đế hiệu nhưng chỉ chọn 3 và sửa “tập đế” thành “lập đế” để cố nói cho lọt ý mình.

Đồng thuận với những ý kiến không khả tin để đưa vào câu hỏi về “kiến thức lịch sử” trong chương trình Olympia là sai về phương pháp. Từ cái sai ban đầu đó, sửa sai bằng cách trích dẫn ý kiến để bao biện sẽ dẫn đến tình trạng “dĩ ngoa truyền ngoa” trong truyền thông về kiến thức. Điều này đã từng xảy ra với chương trình này khi khẳng định “Xuân Diệu là người đầu tiên mệnh danh Hồ Xuân Hương là Bà chúa thơ Nôm”.

Chỉ mong ban cố vấn chương trình làm việc cẩn trọng hơn, khi đã sai thì không tìm cách bao biện.