Bàn thờ thần tài gồm những gì, bài trí như thế nào?

Thờ thần tài không chỉ là tín ngưỡng, nó còn là văn hóa thờ cúng của Việt Nam ta với ước mong may mắn, phát tài. Vậy bàn thờ thần tài, ông địa gồm những gì? Cách cúng thần tài như thế nào? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu.

1. Thần tài là ai và tại sao cần phải thờ thần tài?

Theo chuyên gia văn hóa Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), ở nước ta, Thần tài được thờ phụng rất phổ biến. Không chỉ là tín ngưỡng, Thần Tài được coi như gia thần, ăn đời ở kiếp với người dân Việt Nam.

Sự tích Thần Tài, ông là ai?

Sự tích thần Tài có rất nhiều trong dân gian với nhiều cách kể khác nhau, tuy nhiên tích dưới đây là phổ biến nhất.

Thần Tài là thần cai quản tiền bạc, tài lộc trên trời. Trong một lần đi chơi uống rượu say bị ngã xuống trần gian, đầu đập vào đá nên không nhớ nổi mình là ai. Dân chúng thấy ông ăn mặc như diễn tuồng, lại ngơ ngẩn, tưởng là người điên cho nên lột sạch quần áo đem bán.

Vốn dĩ là thần thiên đình, Thần Tài không quen với cuộc sống nhân gian. Cho nên từ đó, ngài thường đi lang thang xin ăn khắp nơi. Vào ngày nọ, Thần Tài đi qua một nhà kia buôn bán gà, vịt, heo quay. Đang lúc ế ẩm, thấy Thần Tài đến xin chủ tiệm mời Ngài vào ăn. Được mời, Thần Tài ra sức ăn uống. Đặc biệt, Ngài rất thích heo, gà, vịt quay. Cũng vì thế mà sau này, khi thờ phụng, dân gian hay dùng các món này cúng Ngài.

Kể từ khi Thần Tài vào quán ăn uống, không biết từ đâu khách kéo đến nườm nượp. Thậm chí khách của các tiệm đối diện cũng lũ lượt rủ nhau sang ăn. Chủ quán thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài.

Thời gian sau, người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà ngày ngày mò đến ăn không, uống không, dùng tay ăn bốc, người bốc mùi, liền đuổi Ngài đi vì sợ Ngài khiến cho khách hàng khác sợ không dám tới ăn.
Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy Thần Tài bị chủ quán bên kia đuổi vội vàng mời Thần Tài vào ăn. Từ lúc đó, khách hàng ùn ùn kéo đến. Thấy vậy, các quán tranh giành mời thần tài tới thăm, vì mong quán mình đông khách. Cho nên dân gian mới có câu “Thần Tài gõ cửa” là vì thế.

Lại nói về quần áo, người dân trong vùng thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn ông đi mua. May mắn thay, Ngài được dẫn đến đúng nơi người ta bán quần áo của ngài khi trước. Sau khi mặc lại quần áo mũ nón Thần Tài nhớ lại mọi chuyện trước kia và bay về trời. Ngày đó nhằm vào mùng 10 tháng giêng âm lịch. Do đó cứ hàng năm, dân chúng lấy ngày này làm ngày vía Thần Tài.

>> Xem thêm: Mẫu thiết kế nội thất đẹp, hiện đại

Tại sao phải thờ Thần tài? Thờ Thần tài có ý nghĩa gì?

Cũng theo ông Lộc, người Việt thờ Thần tài với mong muốn mang đến tài lộc, sung túc, giàu có, thịnh vượng cho gia đình. Thần tài được thờ chung với Ông Địa đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính.

Văn hóa thờ cúng ông Thần tài là bắt đầu từ tín ngưỡng Thần tài. Người dân tin rằng việc tôn thờ, tin tưởng vào Thần tài sẽ mang lại tiền bạc, lợi lộc, sự giàu có. Đây là điều mà con người lúc nào cũng cần, để cầu được điều đó nên người ta thờ cúng ông Thần tài.

2. Bàn thờ thần tài gồm những gì?

Những vật dùng thường có trên bàn thờ thần tài, ông địa

Những vật dụng thường có trên bàn thờ thần tài, ông địa

Bài vị thần tài

Thường được thể hiện bằng chữ viết “Chiêu tài tiến bảo” hoặc hai bên thành của bàn thờ có viết câu đối “Thổ năng sinh bạch ngọc – Địa khả xuất hoàng kim” (Thổ hay sinh ngọc trắng – Đất cũng cho vàng ròng). Phía trước bài vị còn có một trăm thoi vàng giấy.

Tượng Thần Tài, Ông Địa bằng sứ

Mọi người thường thờ Thần Tài và Ông Địa cùng nhau vì một người mang đến may mắn, tài lộc, một người cai quản đất đai, mang lại sự bình an. Vì vậy, trên ban thờ dân ta thường đặt tượng Thần Tài và tượng Ông Địa cạnh nhau.

Tượng Thần tài là ông lão ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng. Tượng Ông Địa là ông lão bụng phệ, một tay cầm quạt, một tay cầm vàng.

Vị trí sắp xếp: bên trái ban thờ là Thần tài, bên phải là Ông Địa. Sau khi thỉnh thần xong, gia chủ nên chữ nho sau lưng bàn thờ.

Tuy nhiên, nếu bạn thờ ông Địa riêng, bạn có thể tìm hiểu thêm trong bài viết Cách đặt bàn thờ Ông Địa.

Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy

Ở giữa Thần Tài – Ông Địa người ta thường để một hũ gạo, một hũ muối và một hũ nước đầy. Gạo, muối, nước là 3 thực phẩm thiết yếu của con người, đặt lên bàn thờ để cầu ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Ba hũ này chỉ đến cuối năm mới thay.

Bát nhang (bát hương) được dán keo cố định

Giữa bàn thờ là một bát nhang, khi bốc bát nhang phải theo một số thủ tục nhất định.

Đầu tiên, khi mua bát hương về, gia chủ phải dùng rượu gừng tẩy uế trước khi thờ cúng. Mỗi bát hương đều nên có cốt là gói Thất Bảo để tài lộc không bị hao hụt. Nếu gia chủ cắm hương chồng chéo nhau hay chọc vào gói Thất bảo sẽ khiến bàn thờ không có linh khí, mất tài lộc.

Để tránh động bát nhang khi lau chùi bàn thờ, các bạn nên dùng keo 502 dán chết bát nhang xuống bàn thờ.

Khi đang làm ăn tốt mà xê dịch bát nhang gọi là bị động bát nhang, mọi chuyện trở nên không tốt cho việc làm ăn của gia chủ.

Lưu ý: Thắp hương phải kiêng số chẵn, 3 nén hương là thờ Thiên, Địa, Nhân, 5 nén là thờ 5 đức tính của con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Tư duy của con người là thích số lẻ, số lẻ là số của sự sinh sôi”, PGS.TS Thanh Tú cho hay. Tương tự vậy, nải chuối được lựa chọn để thắp hương cũng thường có số quả lẻ.

Lọ hoa tươi như cúc, hồng, đồng tiền

Theo nguyên lý “Đông Bình – Tây Quả”, lọ hoa đặt bên phải, đĩa trái cây đặt bên tay trái. Gia chủ nên cắm hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền để trên bàn thờ, tuyệt đối tránh để hoa giả, hoa khô héo.

Đĩa trái cây ngũ quả

Trái cây thờ nên sắp ngũ quả (5 loại trái cây) đặt trên mâm bồng (nếu không có thì sử dụng đĩa bình thường). Bạn có thể thắp hương hoa quả, trái cây hàng ngày hoặc vào các ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng.

Khi chọn chuối đặt lên bàn thờ Thần tài, nên chọn nải chuối có số quả lẻ. Rất nhiều người thắc mắc vì sao phải chọn nải chuối lẻ. Lý giải vấn đề này, T.S, chuyên gia phong thủy Nguyễn Ngoan cho biết, chẵn là số âm, lẻ là số dương, số âm không có tốt. Hơn nữa trái chuối là số âm nên ta cần số dương.

Khay xếp 5 chén nước hình chữ Thập

Thường ở ngoài nơi bán đồ thờ cúng, người ta có một cái khay xếp 5 chén nước hình chữ Nhất. Bạn nên bỏ khay và xếp 5 chén nước thành hình chữ thập, tượng trưng cho ngũ phương, cũng là Ngũ Hành phát sinh phát triển.

Ông Cóc

Khi đặt ông Cóc lên bàn thờ, buổi sáng khi thắp hương gia chủ phải quay ông Cóc ra ngoài để đón lộc. Đến tối, sau khi kết thúc công việc phải quay ông Cóc vào nhà để giữ lộc, tránh thất thoát tiền của.

Tô sứ đẹp, đổ đầy nước và hoa tươi trải trên mặt nước

Tại vị trí ngoài cùng trên mặt đất, các bạn nên chọn một cái tô sứ thật đẹp, nông lòng, đổ đầy nước và ngắt những bông hoa trải trên mặt nước. Theo phong thủy gọi là “Minh Đường Tụ Thủy” – Một cách giữ tiền bạc khỏi trôi đi.

Phật Di Lặc

Bên trên bàn thờ Thần Tài, có thể đặt thêm tượng Phật Di Lặc. Di Lặc Phật Vương sẽ quản lý và ngăn chặn các vị thần làm điều sai trái.

Tỏi

Tỏi là vật mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, do đó, người ta thường bày một đĩa gồm 5 củ tỏi trên bàn thờ thần tài để tránh ma quỷ làm phiền các vị thần.

Ngoài ra, cũng có thể đặt thêm nậm rượu, ống hương và bát sâm. Ống hương và bát hương đặt ở bên trái (phía có tượng thần tài), nậm rượu đặt ở bên phải (phía có tượng Ông Địa).

Như vậy, mặc dù bàn thờ thần tài tương đối nhỏ nhưng lại có không ít các đồ vật cần được bài trí trên đó để mang lại những điều may mắn.

Cách bài trí bàn thờ thần tài

Vị trí sắp xếp các đồ vật trên bàn thờ thần tài

Vị trí sắp xếp các vật dụng trên bàn thờ thần tài

3. Những điều cần chú ý khi sắp xếp bàn thờ thần tài

Gia chủ cần chú ý đến những vấn đề sau để tránh khỏi những điều không may:

  • Giữ cho bàn thờ, tượng các vị thần luôn sạch sẽ bằng cách tắm rửa thường xuyên bằng nước sạch. Khi trời mưa to, bê tượng Thần Tài, Ông Địa, Ông Cóc để vào một cái thau sạch và để tắm mưa ngoài trời độ 15 phút. Sau đó mang vào lau khô, xịt nước thơm và thắp hương.
  • Đặt bàn thờ ở nơi sạch sẽ: để đón được tài lộc, người ta thường đặt tại ngoài cửa chính. Tuy nhiên khu vực này có nhiều người qua lại nên để tránh ảnh hưởng đến ban thờ, bạn có thể sử dụng thêm vách ngăn trang trí để ngăn cách. Ngoài ra, không được đặt gần bàn làm việc, ghế làm việc hay tiếp khách mà thường xuyên có người ngồi trên đó.
  • Không được động lư hương: Người ta kiêng kỵ di chuyển bát hương, nên khi lau chùi bàn thờ cần chú ý đến bát hương, nếu động bát hương sẽ khiến tài chính trong nhà bị xáo trộn, thất thoát tiền bạc, kinh tế không ổn định. Để không làm động lư hương nhiều người dùng keo 502 cố định bát hương với mặt bàn.
  • Khi cúng Thần Tài – Ông Địa, nên cúng đồ ngọt, thịt quay, bánh hỏi, chuối, bưởi…., tiền vàng.
  • Khi mới lập bàn thờ, nên thắp nhang liên tục trong 100 ngày để bàn thờ tụ Khí, thắp đèn liên tục, đồng thời, nên chọn loại nhang cuốn, bát nhang sẽ rất đẹp. Những chân nhang này chỉ được rút vào ngày 23 tháng Chạp.
  • Tuyệt đối không để hoa, lá héo úa trên bàn thờ thần tài.
  • Không thay hũ gạo, muối, nước tùy tiện: Không được thay nước, muối gạo mà phải đợi đến ngày cuối năm mới được thay, nếu hũ nước vơi đi có thể rót thêm vào.
  • Thường xuyên hóa vàng chân hương: Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch mới được hóa vàng chân hương trên bàn thờ Thần Tài, Ông Địa cùng với tập tiền giấy vàng mã lúc đưa ông Táo về trời, sau khi hóa vàng đổ chút rượu lên đám tro.

Cách sắp xếp đồ cúng trên bàn thờ thần tài

Cách sắp xếp đồ cúng trên bàn thờ thần tài

Ngoài những điều kiêng kỵ khi đặt bàn thờ Thần Tài trên đây, vẫn còn một số lưu ý khác như: Lộc cúng không được chia cho người ngoài, màu bộ thờ không được xung khắc với mệnh gia chủ…

Tham khảo thêm bài viết “Vị trí đặt bàn thờ thần tài, ông Địa” để đảm bảo phong thủy cho ban thờ của bạn.

4. Thời gian cúng thần tài

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông phương, Hội Nghiên cứu Phát triển khoa học Việt Nam – Đông Nam Á) cho rằng, người xưa lấy số ngày Thần Tài là ngày mùng 10 vì đó là số tận cùng cao nhất của đồ hình Hà đồ trong học thuật cổ Đông Phương (Đồ hình có từ số 1 đến số 10, 9 ô).
Số 10 thuộc hành Thổ tương đương quý thủy trong Thiên Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Quý Thủy này thể hiện âm thủy (tiền tài) mà “Sơn quản nhân đinh, Thủy quản tài lộc” nên mới lấy ngày mùng 10.

Người xưa cúng thần Tài quanh năm vào bất kỳ lúc nào thấy cần cầu xin chứ không chỉ vào dịp giỗ tết, ngày rằm mồng một. Ngày thường lễ cúng thần Tài đơn giản chỉ cần trầu nước và trái cây…, trong dịp giỗ tết  có thể cúng bằng cỗ mặn.

Cúng ngày vía Thần Tài vào giờ nào tốt?Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Vũ Tuấn Anh, nên thắp hương thần Tài vào buổi sáng lúc 7 – 9h (giờ Thìn) là đẹp nhất.

Nếu như nhà gia chủ làm kinh doanh, nên thắp nhang buổi sáng trước khi mở hàng và vào buổi tối để phù hộ làm ăn kinh doanh phát đạt hơn.

5. Cách cúng thần tài

Khi khấn Thần Tài vào buổi sáng, bạn nên lẩm bẩm nhỏ bài khấn cực linh nghiệm dưới đây:

“Lạy Thành Hoàng bản cảnh, Ông Địa – Thần Tài, ông chủ gia bà chủ đất, các phần hương linh khuất mặt khuất mày, các vị Tiền chủ Hậu chủ.

Con tên là……….. niên canh……….., ……….tuổi.

Ở tại ngôi gia, số…….. đường……… quận……… tỉnh (thành)………… Việt Nam quốc.

Khấu xin Thành Hoàng bản địa, Ông Địa – Thần Tài chứng minh cho lòng thành tâm khấn vái, xin chư vị cho con được ………………….. (lời khấn để xin điều gì đó).

Mọi việc vuông tròn, con xin được hậu tạ………… (hứa hẹn tạ lễ).

Con xin Thành Hoàng bản địa, Ông Địa – Thần Tài, ông chủ gia bà chủ đất, các phần hương linh, chư vị Tiền chủ Hậu chủ chứng giám cho lòng thành khấn vái. Kính bái”.

Khấn xong, vái hay lạy ba cái.

Một số điều cần lưu ý khi cúng vía Thần Tài:

  • Việc cầu xin tài lộc được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào lòng thành của gia chủ, phước đức và số vận của gia chủ.
  • Thường ngày nên đốt nhang mỗi sáng từ 6h – 7h và chiều tối từ 6 – 7h, mỗi lần đốt 5 cây nhang.
  • Thay nước uống khi đốt nhang, thay nước trong lọ hoa, chưng thờ nải chuối chín vàng.
  • Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.
  • Khi cúng xong gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc, không được vãi ra ngoài.
  • Vàng, bạc đại đốt ở ngoài, rượu hay nước thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào, bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài.

Mong rằng bài viết này của Nội Thất Đức Khang đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích và giải đáp được thắc của mọi người. Bạn có thể tham khảo thêm rất nhiều bài viết hay khác về nội thất gia đình như: thiết kế nội thất phòng ngủ, thiết kế nội thất phòng bếp, thi công nội thất phòng ngủ, thi công nội thất phòng bếp,… tại trang Đức Khang để có thêm kiến thức dành cho mình. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này.

5/5 – (1 bình chọn)