Bạn đã đọc tài liệu nghiên cứu hiệu quả? | RCES | Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học

Tips đọc tài liệu 2Khi đã biết tìm kiếm và tìm được tài liệu cần cho đề tài nghiên cứu, công việc cần làm không phải đơn giản là sao chép hay dịch tất cả những gì có trong từng tài liệu mà cần biết cách khai thác thông tin một cách hiệu quả từ tài liệu. Ngoài những yêu cầu về kĩ năng ngôn ngữ (cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài), còn có những phương pháp giúp đọc và trích rút thông tin một cách hiệu quả từ tài liệu, giúp ích cho việc phân tích, tổng hợp và viết bài báo cáo về sau.

Để làm tốt việc nghiên cứu tài liệu trong nghiên cứu khoa học, không chỉ đòi hỏi biết cách tìm kiếm và tìm được nhiều tài liệu tham khảo có giá trị, mà còn có yêu cầu cao về phương pháp đọc tài liệu, kĩ thuật ghi chú và khai thác hiệu quả các thông tin từ tài liệu đó, phân tích – tổng hợp – phê bình thông tin được cung cấp trong tài liệu, để phục vụ việc xây dựng giả thuyết nghiên cứu, thảo luận kết quả, soạn thảo bài viết báo cáo kết quả nghiên cứu.

Nếu người nghiên cứu biết cách tổ chức các công việc này tốt, sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả đọc lên rất nhiều. Để đọc tài liệu có hiệu quả, cần có sự tập trung và chú ý cao độ để:

  • Hiểu nội dung thông điệp của tác giả;
  • Nắm bắt các thông tin phù hợp trong phạm vi đề tài nghiên cứu;
  • Ghi nhớ các khái niệm và ý quan trọng để mở rộng hiểu biết, đào sâu kiến thức chuyên môn từ tài liệu nghiên cứu.

#1: Trước khi đọc, luôn cần phải đánh giá tổng quát về tính phù hợp của tài liệu với đề tài nghiên cứu. Lao vào đọc chi tiết một tài liệu chưa được sàng lọc trước rất có thể sẽ làm mất nhiều thời gian và công sức cho những thông tin không có ý nghĩa khoa học cao (xem chi tiết ở #3). Xem thêm những tài liệu mà bạn nên sử dụng làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu tại đây.

#2: Khi đọc tài liệu tiếng nước ngoài.

Đối các tài liệu bằng tiếng nước ngoài, hiệu quả đọc tài liệu phụ thuộc rất nhiều vào trình độ ngoại ngữ. Điều này liên quan đến năng khiếu ngoại ngữ cá nhân, vốn tiếng mẹ đẻ và quá trình rèn luyện lâu dài. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Không quá phụ thuộc vào từ điển: gặp từ nào lạ, mới cũng tra từ điển là một thói quen không tốt cho việc rèn luyện khả năng ngoại ngữ;
  • Không nên ghi chú nghĩa tất cả các từ mới ngay trong bài: điều này tưởng sẽ giúp dễ hiểu hơn khi đọc tài liệu, nhưng thực ra sẽ làm bài đọc trở nên rối rắm, khó nhìn, không giúp rèn luyện trí nhớ và khả năng ngoại ngữ (một kiểu lệ thuộc từ điển);
  • Cố gắng giảm thời gian tra nghĩa của từ càng nhiều càng tốt để không mất mạch khi đọc tài liệu.

Nói chung, đối với mọi loại tài liệu, dù bằng tiếng mẹ đẻ hay tiếng nước ngoài, điều tiên quyết trong xử lí thông tin khoa học mà tài liệu đó cung cấp là không sao chép/dịch một cách máy móc toàn bộ nội dung tài liệu, mà quan trọng là cần dịch lại các thông tin gốc theo ngôn ngữ của mình, nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu chính xác và đầy đủ khi trích dẫn.

#3: Một vài điều lưu ý bạn nên quan tâm khi đọc tài liệu:

– Bỏ qua ngay những tài liệu có khoảng cách rất xa với đề tài hoặc chủ đề quan tâm;

– Không nên đọc ngay những tài liệu có tính chuyên môn rất cao, đòi hỏi phải có trước những hiểu biết sâu sắc nhất định về các vấn đề được trình bày, mà cần chuẩn bị trước các kiến thức nền đó qua các tài liệu cơ bản hơn.

– Đối với các bài báo khoa học, cần chú ý đọc kỹ tên bài báo, từ khóa, abstract (đoạn tóm tắt), nếu kết quả bài báo có giá trị được thừa nhận và có liên hệ với đề tài mình nghiên cứu, người đọc chuyển sang đọc chi tiết đối tượng và phương pháp của bài báo đó, và ngược lại, nếu kết quả bài báo không có sự liên hệ với đề tài, người đọc có thể bỏ qua tài liệu.

  • Đối với một cuốn sách khoa học, cần chú ý các phần sau:

Bìa trước
Cung cấp các thông tin nhận diện như tựa sách, tựa phụ (xác định hướng chuyên sâu của sách), tên tác giả, nhà xuất bản.

Bìa sau
Thường có tiểu sử tóm tắt của tác giả, có khi có tóm tắt nội dung sách hoặc các lời bình luận.

Trang nhan đề
Đây là trang chính cung cấp thông tin xuất bản để trình bày tham khảo, chứ không phải trang bìa trước. Sau trang này, trong các sách nước ngoài, thường là phần giới thiệu các lần xuất bản trước, thông tin bản quyền, lưu chiểu, số hiệu sách ISBN, số hiệu tái bản và năm xuất bản.

Mục lục
Đây là việc quan trọng khi đọc sơ bộ một cuốn sách, vì trong đó thể hiện cấu trúc ý tưởng, hướng lập luận và trình bày vấn đề của tác giả. Mục lục cho phép xác định, với nhu cầu đang có, cần đọc toàn bộ nội dung hay chỉ lựa chọn vài phần đáng quan tâm.

Mở đầu
Trong phần mở đầu, tác giả thường giới thiệu mục đích, đại ý, cách trình bày các ý tưởng, các giả thuyết đưa ra và các phương pháp giải quyết vấn đề,…Lời giới thiệu đôi khi có những lời bình luận, nhận xét, đánh giá tổng quát của những người có uy tín, dựa vào đó có thể xác nhận giá trị khoa học của sách.

Kết luận
Phần này cho phép hình dung trước một đích đến của việc đọc tài liệu, ước lượng mức độ phù hợp của nội dung sách với nhu cầu của đề tài, v.v.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Tấn Đại (2007). “Giáo trình điện tử Phương pháp nghiên cứu tài liệu trong nghiên cứu khoa học”

Hi vọng với một số tips được giới thiệu trong bài viết này, bạn sẽ đọc tài liệu hiệu quả hơn và “tăng tốc an toàn” trong giai đoạn đọc tài liệu đầy quan trọng này! Chúc bạn và cộng sự một mùa nghiên cứu thành công!

>> Xem thêm: 8 tips đơn giản nâng cao hiệu quả đọc tài liệu nghiên cứu

Cộng đồng sinh viên kinh tế nghiên cứu khoa học (RCES)