Bạn đã biết gì về “Thời trang bền vững?”

Với sự phát triển của xã hội, dường như đòi hỏi của con người cũng dần trở nên khắt khe và kỹ lưỡng hơn. Cũng bởi điều này mà khái niệm “Thời trang bền vững” đã ra đời. Nếu như trước kia nó còn khá xa lạ với nhiều người, thì ngày nay, độ phủ sóng của khái niệm này đã trở nên rộng lớn và được đông đảo mọi người, nhất là các tín đồ thời trang đón nhận nồng nhiệt.

Nếu như trước kia, được “Ăn no mặc ấm” đã là một sự may mắn, đủ đầy với tất cả mọi người, thì ngày nay được “Ăn ngon mặc đẹp” mới là đích đến mà chúng ta mong muốn hướng tới.

Thế nhưng, với sự phát triển của xã hội, dường như đòi hỏi của con người cũng dần trở nên khắt khe và kỹ lưỡng hơn. Chính vì thế, đôi khi một bộ trang phục không chỉ dừng lại ở yếu tố đẹp hay thời trang, mà thậm chí nó còn phải đáp ứng được cả các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường.

Cũng bởi điều này mà khái niệm “Thời trang bền vững” đã ra đời. Nếu như trước kia nó còn khá xa lạ với nhiều người, thì ngày nay, độ phủ sóng của khái niệm này đã trở nên rộng lớn và được đông đảo mọi người, nhất là các tín đồ thời trang đón nhận nồng nhiệt.

1. Thời trang bền vững (sustainable fashion) là gì?

 

Hiểu một cách rất đơn giản, thời trang bền vững là thời trang sử dụng các chất liệu an toàn và thân thiện với môi trường làm nguyên liệu sản xuất, thiết kế trang phục.

Tiêu biểu của những chất liệu này bao gồm: Chất liệu vải thiên nhiên (làm từ sợi tự nhiên có thể phân hủy), chất liệu vải hữu cơ (làm từ sợi tự nhiên không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ), chất liệu thủ công (làm bằng tay như đan len, sợi…).

 

Không chỉ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về chất liệu, mà để một sản phẩm được xếp vào hàng đúng chuẩn “Xanh”, thì quá trình sản xuất cũng cần phải đạt chuẩn xanh. Cụ thể là toàn bộ sản phẩm, bộ sưu tập thời trang đều phải được sản xuất đảm bảo yếu tố tôn trọng con người và môi trường. Ví dụ như: Công nhân sản xuất phải được làm việc với thời gian hợp lý, hưởng đầy đủ các chế độ của người lao động; Hoặc quy trình sản xuất cần hạn chế tối đa sử dụng các chất độc hại, xả thải ra môi trường…

 

Bao bì đóng gói của các sản phẩm thời trang bền vững cũng phải là loại bao bì an toàn, thân thiện và không gây độc hại với môi trường.

Riêng đối với thành phẩm, thành phẩm cần được sử dụng trong thời gian dài và không cần thay thế liên tục.

2. Làm sao để biết một sản phẩm có thực sự thân thiện hay không?

Để nhận biết một sản phẩm có thực sự thân thiện với môi trường hay không, dưới đây sẽ là những chứng nhận giúp chứng minh sự “Xanh” của nó:

Hệ thống quản lý Bluedesign:

 

Bluedesign là chứng nhận dành cho các sản phẩm nhuộm sử dụng hóa chất không độc hại và đảm bảo an toàn với người sử dụng.

Forest Stewardship Council (FSC) – Hội đồng quản lý rừng:

 

Đây là chứng nhận thể hiện các sản phẩm được tạo ra đều có nguồn gốc từ các khu rừng được quản lý nghiêm ngặt, duy trì khả năng tái tạo và đa dạng sinh học của chúng.

Global Organic Textile Standard (GOTS) – Tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu:

 

Theo đó,các mặt hàng được dán nhãn “organic” (hữu cơ) của GOTS buộc phải chứa ít nhất 95% sợi hữu cơ được chứng nhận. Ngoài ra, các thành phần dệt như: kim loại nặng độc hại, formaldehyde, dung môi thơm, GMOs (Genetically Modified Organism – sinh vật biến đổi gen) và enzym của chúng, thuốc nhuộm azo có thể giải phóng các hợp chất gây ung thư là các thành phần hoàn toàn bị cấm

OeKO-Tex® Standard 100 – Tiêu chuẩn OeKO-Tex® 100:

 

Các sản phẩm thời trang được dán mác này cần phải đảm bảo đã trải qua các thử nghiệm về chất độc hại, không chứa các chất gây ung thư.

3. Sử dụng và bảo quản thời trang bền vững – cần lưu ý điều gì?

Cho dù được xếp vào hàng thời trang bền vững, nhưng điều này không có nghĩa bạn có thể thoải mái sử dụng, bảo quản chúng tùy ý như với những sản phẩm thời trang thông thường.

 

Trên thực tế, những sản phẩm thuộc diện thời trang bền vững thậm chí còn có những yêu cầu bảo quản đặc thù hơn bình thường, cụ thể là:

Sử dụng túi giặt – Nhằm bảo vệ các loại quần áo làm từ chất liệu sợi tổng hợp và hạn chế các vi sợi đi vào hệ thống thoát nước.

Nhiệt độ giặt phù hợp – Điều chỉnh nhiệt độ giặt không quá nóng hoặc quá lạnh nhằm tránh phá hủy kết cấu sợi vải.

Hạn chế sử dụng máy móc để làm khô quần áo – Tốt nhất bạn hãy phơi quần áo ra nơi thoáng mát, có ánh nắng tự nhiệt, vừa tiết kiệm lại giúp loại bỏ vi khuẩn bám trên áo quần.

Đồng thời, để thực sự trở thành một fan và tín đồ của thời trang bền vững, bạn có thể tự nâng cao ý thức sử dụng lại các sản phẩm áo quần cũ thay vì thường xuyên mua đồ mới hoặc những mặt hàng thời trang không cần thiết.

Hi vọng qua bài viết này, các bạn đã nắm được những khái niệm cơ bản về thời trang bền vững, cũng như cách nhận biết một sản phẩm thời trang có thân thiện với môi trường hay không nhé.