Bạn cần làm gì để trở thành nhà phân tích tài chính xuất sắc? | VietnamBankers | Đào tạo Tài chính Ngân hàng

Coi trọng việc am hiểu tình hình kinh tế vĩ mô trước sau đó đến việc hiểu các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ tài chính, liên tục rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích báo cáo tài chínhh của doanh nghiệp

Trở thành một nhà phân tích tài chính xuất sắc đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau, bên cạnh việc có tố chất tốt thì rất cần sự học hỏi và rèn luyện thường xuyên. Với các sinh viên chuyên ngành kinh tế – tài chính, việc nắm được kiến thức tài chính, công thức tính của các nhóm tỷ số tài chính thường là đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, khi đọc báo cáo tài chính thì khả năng nhận định tình hình tài chính doanh nghiệp, từ đó, chỉ ra được nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp cải tiến lại thể hiện sự khác biệt về năng lực thực sự giữa các nhà phân tích.

Vậy, một người làm phân tích tài chính cần làm gì để nâng cao năng lực phân tích của mình? Bài viết tiếp cận theo quan điểm top-down (từ trên xuống), tức là coi trọng việc am hiểu tình hình kinh tế vĩ mô trước sau đó đến việc am hiểu các hoạt động của ngành và sau đó là doanh nghiệp.

1. Am hiểu về nền kinh tế vĩ mô và đặc điểm kinh tế kỹ thuật của từng ngành nghề kinh doanh

– Tình hình tài chính của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện kinh tế vĩ mô, vì vậy, một chuyên gia phân tích phải am hiểu kiến thức lý luận về kinh tế học, thị trường tài chính, có khả năng đọc và lý giải các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô một cách thường xuyên, từ đó, xây dựng được nhận thực tổng thể về thực tiễn đang diễn ra của nền kinh tế vĩ mô.

– Nhà phân tích tài chính cũng rất cần am hiểu về đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của từng ngành kinh doanh, ví dụ như: Chuỗi giá trị của ngành, các phân khúc ngành, danh sách các công ty trong ngành và chiến lược, lợi thế cạnh tranh của chúng, tình hình tài chính các công ty trong ngành…Chính vì vậy thông thường các chuyên viên phân tích tài chính chỉ am hiểu nhất ở những ngành mà anh ta nghiên cứu sâu nhất mà thôi. Việc mở rộng năng lực phân tích ra những ngành kinh doanh khác sẽ đòi hỏi thời gian và nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu.

2. Am hiểu kiến thức về nhiều lĩnh vực liên quan đến nghiệp vụ tài chính của doanh nghiệp

– Am hiểu về kế toán và các thủ thuật xử lý số liệu của kế toán: Sẽ thật ngây thơ nếu một người tin hoàn toàn vào các dữ liệu tài chính do một doanh nghiệp cung cấp bởi vì có nhiều doanh nghiệp sử dụng các thủ thuật kế toán để xử lý số liệu tài chính. Chính vì vậy, nhà phân tích tài chính phải am hiểu về nghiệp vụ kế toán, có những nghiệp vụ nhằm kiểm tra và chẩn đoán về tính chính xác của các số liệu tài chính, điều chỉnh số liệu tài chính phù hợp với mục đích phân tích.

– Ngoài am hiểu về nghiệp vụ tài chính kế toán, người phân tích tài chính cần phải am hiểu kiến thức trong nhiều lĩnh vực liên quan trong doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp có các chức năng cơ bản như: Nhân sự, sản xuất, tài chính, marketing và chiến lược. Người phân tích tài chính sẽ phải trang bị kiến thức về tất cả các kiến thức này, đặc biệt người phân tích phải rất am hiểu các kiến thức về chiến lược cạnh tranh hay Binh pháp Tôn Tử để ứng dụng trong phân tích các bước đi của các đối thủ cạnh tranh trong một ngành nhất định.

3. Nhà phân tích tài chính cần xây dựng được cơ sở dữ liệu tốt

Cái khó nhất trong phân tích tài chính là phải có chuẩn mực về các chỉ tiêu trung bình ngành đáng tin cậy làm cơ sở so sánh và nhận định các tỷ số tài chính của doanh nghiệp là tốt hay không tốt, là cao hay thấp. Chính vì vậy, việc xây dựng được các chỉ tiêu trung bình ngành và am hiểu về tình hình tài chính các công ty trong một ngành là rất cần thiết để từ đó nhận biết công ty nào trong ngành đang hoạt động tốt và công ty nào đang hoạt động không tốt và lý do tại sao.

4. Liên tục rèn luyện kỹ năng đọc và phân tích báo cáo tài chính

– Theo dõi và đọc báo cáo tài chính hàng quý như theo dõi “hơi thở” của cuộc sống: Người làm phân tích tài chính cần liên tục đọc báo cáo tài chính (và báo cáo thường niên) hàng quý, báo cáo tài chính sáu tháng và hàng năm của hàng trăm công ty thuộc nhiều ngành khác nhau. Nếu một cá nhân không thường xuyên đọc và nhận định về tình hình tài chính của các doanh nghiệp trong nhiều ngành kinh tế, anh ta sẽ sớm đánh mất sự nhạy cảm phân tích của mình. Bên cạnh đó, cần chú ý xem số liệu tài chính tác đông như thế nào đến giá cổ phiếu sau khi thông tin được công bố và cố gắng nhận định về mối quan hệ giữa tình hình tài chính và giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

– Tiên liệu được triển vọng tương lai và dự kiến các giải pháp cho doanh nghiệp: Phân tích không phải chỉ để phân tích, phân tích tài chính có mục đích chính là giúp cải thiện tình hình tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một nhà phân tích tài chính giỏi khi phân tích xong một doanh nghiệp sẽ phải chỉ ra được: điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, các giải pháp và bước đi cần thiết để cải thiện vị thế trên thị trường, tình hình tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

– Thường xuyên bám sát và trao đổi với những người làm thực tiễn tại doanh nghiệp: Nguồn thông tin từ việc trao đổi với những người làm thực tiễn giúp cho nhà phân tích kiểm nghiệm lại những nhận định của mình về ngành nghề có sát với thực tiễn hay không và cũng từ đó phát hiện ra những vấn đề mà các doanh nghiệp trong từng ngành nghề đang phải đối mặt.

– Thường xuyên đọc sách và nghiên cứu kiến thức, viết các báo cáo phân tích thường xuyên: Năng lực nghiên cứu và phân tích tài chính sẽ tỷ lệ thuận với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được. Người làm phân tích tài chính nên thường xuyên củng cố năng lực phân tích trên cơ sở sự cộng tác với các tạp chí hoặc chuyên trang tài chính nhằm liên tục viết và kiểm nghiệm các kiến thức phân tích của mình.

– Theo Ths. Nguyễn Tuấn Dương (Học viện tài chính) –