Bán bản quyền giống cây trồng, các viện nghiên cứu đang sở hữu “kho báu” tiền tỷ
Thực tế, đây cũng là hướng đi cần thiết để bảo vệ, phát triển các giống cây ăn quả quý, đồng thời là một giải pháp quan trọng để tạo kinh phí hoạt động cho các viện nghiên cứu giống ở Việt Nam. Đáng tiếc là, hiện có rất ít giống cây ăn trái có bản quyền được chuyển nhượng trong những năm qua.
Ngày 28/4/2022, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tổ chức buổi ký kết nhượng quyền sản xuất, kinh doanh giống xoài vỏ dày LĐ12 (xoài Cát Lộc) cho Tập đoàn Lộc Trời để đẩy mạnh công tác chuyển giao giống xoài này vào sản xuất thương mại nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng cũng như nhà doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững ngành xoài trong thời gian tới.
Đồng thời, việc ký kết là sự thực thi bảo vệ quyền lợi của cá nhân, tổ chức đối với giống xoài mới được hưởng quyền sở hữu theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005 của Việt Nam.
Ngày 28/4/2022, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam tổ chức buổi ký kết nhượng quyền sản xuất, kinh doanh giống xoài vỏ dày LĐ12 (xoài Cát Lộc) cho Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: VNCCAQMN.
Giống xoài vỏ dày LĐ12 là công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện từ những năm 2001 bằng phương pháp lai hữu tính giữa giống xoài Vandyke (Mỹ) và giống xoài Cát Hòa Lộc.
Kết quả sau hơn 15 năm Viện đã tạo được dòng xoài lai mới có tên gọi là xoài vỏ dày LĐ12 với các đặc tính tốt tương tự giống xoài Cát Hòa Lộc: cây sinh trưởng và phát triển tốt, chất lượng quả ngọt, có độ Brix cao 20,08-23,50%; tỷ lệ thịt quả 79,9-83,9%; vỏ dày đạt 1,59-1,62 mm (giống xoài Cát Hòa Lộc 1,1 mm); khối lượng quả trung bình lớn 340g-420g và phẩm chất quả ngon.
Giống xoài vỏ dày LĐ12 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận theo Quyết định số 270/QĐ-BNN-TT vào ngày 07 tháng 02 năm 2017 và cấp bằng bảo hộ giống vào tháng 3/2022 (số văn bằng 02.VN.2022, QĐ số 06/QĐ-TT-VPBH của Cục Trồng trọt).
Sau khi mua bản quyền, Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức công bố tên thương mại của giống xoài vỏ dày LĐ12 là “Xoài Cát Lộc” và phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VNCCAQMN.
Tập đoàn Lộc Trời đã chính thức công bố tên thương mại của giống xoài vỏ dày LĐ12 là “Xoài Cát Lộc” và phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đối với cây ăn trái, người ta tự nhân giống vô tính một cách dễ dàng. Nông dân có thể cắt ghép, nhân giống ngay trong vườn của mình. Do đó, bảo vệ bản quyền giống cây ăn trái là một vấn đề rất khó khăn đối với doanh nghiệp.
TS Trần Thị Oanh Yến – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho biết, việc đảm bảo bản quyền giống là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi chung của nông dân và doanh nghiệp.
“Thực tế, đã có nhiều loại giống chất lượng của Việt Nam bị nước ngoài đăng ký mất bản quyền ở thị trường nước ngoài nên không thể xuất khẩu sang thị trường đó. Câu chuyện gạo ST25 bị doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bản quyền ở thị trường đó là một ví dụ” – bà Yến nói.
Ngày 15/5/2017, TS Nguyễn Thị Oanh Yến – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam trao bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 cho ông Nguyễn Khắc Huy – Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit. Ảnh: V.N.C
Cũng theo bà Yến, khi bán bản quyền giống thanh long LD1 cho Công ty Hoàng Phát Fruit, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã làm việc với doanh nghiệp và đề nghị doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi cho nông dân và bên Hoàng Phát cũng cam kết sẵn sàng hợp tác với nông dân, HTX để sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu.
“Phía Hoàng Phát khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ nông dân đã dùng giống khảo nghiệm của Viện trước đây. Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cũng sẵn sàng chứng nhận. Tuy nhiên, đối với những diện tích bà con tự nhân rộng thì bà con cần đàm phán với Hoàng Phát, quan trọng là thanh long của bà con trồng có đúng dòng LD1 hay không vì thực tế có nhiều dòng do viện chúng tôi nghiên cứu” – bà Yến nói thêm.
Cũng theo bà Yến, thực tế, vấn đề bản quyền giống đang khiến những đơn vị nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đau đầu dù quá trình nghiên cứu, lai tạo được một giống mới rất vất vả.
Do vậy, theo bà Yến, hành lang pháp lý về bản quyền giống cần chặt chẽ hơn, đồng thời ngành chức năng cũng phải tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.