Bài học vỡ lòng cho người mới vào thị trường crypto
Nội Dung Chính
Crypto là gì?
Crypto (cryptocurrency) là tiền mã hóa do các dự án xây dựng trên blockchain tạo ra và phát hành cho cộng đồng. Các đồng tiền này được sử dụng như phương tiện giao dịch trên blockchain, phần thưởng và vốn đầu tư dự án…
Blockchain được xem như một cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên nhiều máy tính khác nhau, lưu trữ mọi thông tin giao dịch và các thông tin đó không thể bị tác động dưới bất kỳ hình thức nào (tính minh bạch). Crypto sử dụng thuật toán mã hóa bảo mật thông tin giao dịch dưới dạng kỹ thuật số và kiểm soát việc tạo ra các đơn vị mới thông qua công nghệ blockchain.
Phân biệt tiền điện tử và tiền mã hóa (cryptocurrency)
Tiền điện tử là gì?
Tiền điện tử là tiền kỹ thuật số, được phát hành dưới dạng số hóa và sử dụng thông qua Internet. Tiền điện tử có thể đại diện cho tiền pháp định, được bảo đảm bởi chính phủ. Một số loại tiền điện tử thông dụng ở nước ta như như tiền trong Internet Banking hay các ví điện tử như Momo, VNPay, ZaloPay…
Tiền điện tử được hình thành khi người dùng quy đổi tiền mặt thông qua ngân hàng. Sau khi nhận tiền của khách, ngân hàng nhập số tiền tương ứng vào tài khoản người dùng. Khách hàng sử dụng tiền điện tử thông qua các ứng dụng. Tiền điện tử là những con số chỉ tài sản, được các cơ quan uy tín đảm bảo và có tổ chức chấp nhận giao dịch.
Tiền mã hóa (cryptocurrency) là gì?
Tiền mã hóa thực chất cũng là một dạng tiền điện tử. Tuy nhiên, chúng không được phát hành và bảo đảm bởi bất kỳ chính phủ hay cơ quan quản lý tiền tệ nào. Thay vào đó, tiền mã hóa được tạo ra bởi người xây dựng dự án trên blockchain bằng cách viết code.
Giá trị của tiền mã hóa phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng chứ không dựa trên sự đảm bảo của ngân hàng hay bất cứ tổ chức uy tín nào. Tiền mã hóa có thể xem như một phần nhỏ của tiền điện tử.
Các loại tiền mã hóa
Để có cái nhìn tổng quan nhất cũng như hiểu rõ về loại tài sản dự định đầu tư, nhà giao dịch cần tìm hiểu từng loại tiền mã hóa đang lưu hành trên thị trường để hiểu được tiềm năng và rủi ro của nó. Hiện tại, có 2 cách để phân loại cryptocurrency trên thị trường:
-
Coin và Token
-
Bitcoin và Altcoin
Coin và Token
Coin là gì?
Coin là loại tiền được xây dựng và phát hành trên một blockchain riêng và hoạt động độc lập. Coin ra đời với mục đích giải quyết các vấn đề về thanh toán, tài chính, bảo mật, phát triển ứng dụng… của blockchain đó. Mỗi blockchain chỉ có 1 coin duy nhất.
Ví dụ Bitcoin Network có đồng coin là BTC, Ethereum có đồng coin là Ether (ETH), Cardano có ADA, Stellar với XLM, Litecoin với LTC…
Token là gì?
Tương tự coin, token cũng là một đồng tiền được phát hành trên blockchain nhưng không có blockchain riêng. Token thuộc các dự án được xây dựng dựa trên blockchain khác.
Ví dụ KONO (token của Konomi) là token vì được lưu trữ, giao dịch trên blockchain Ethereum, MER (token của Mercurial) thuộc blockchain Solana. Cả hai đều không có blockchain Konomi hay Mercurial mà “sống” trên một blockchain lớn khác.
Khi dự án phát triển đến mức độ đủ mạnh và có thể tách ra thành blockchain riêng. Khi đó, token của dự án trở thành coin. Ví dụ, trước khi mainnet, SOL (token của SOL) là token được lưu trữ, giao dịch trên Ethereum. Sau khi trở thành blockchain riêng, Solana sử dụng SOL như đồng coin trên Solana blockchain. Các dự án phát triển trên Solana sẽ có các token riêng.
Phân biệt coin và token
Sự khác biệt giữa coin và token còn đến từ mặt tính năng và kỹ thuật.
Về mặt tính năng:
-
Coin là một phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị cho các mục đích thanh toán, đầu tư và phát triển dự án blockchain cụ thể. Mỗi blockchain chỉ có một đồng coin nền tảng duy nhất.
-
Trái lại, bên cạnh việc có đầy đủ tính năng như một đồng coin, token còn có thêm nhiều tiện ích tùy thuộc vào từng dự án.
Về mặt kỹ thuật:
-
Để giao dịch coin, người dùng phải sử dụng nền tảng ví (wallet) riêng. Phí giao dịch trừ trực tiếp vào ví của coin đó.
-
Token thì không cần ví riêng mà sử dụng ví của coin nền tảng. Phí giao dịch trừ vào coin nền tảng.
Bitcoin và Altcoin
Theo cách phân loại này, thị trường được chia thành Bitcoin và tất cả những đồng coin còn lại. Bitcoin là tiền mã hóa đầu tiên trên thế giới và đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường crypto. Altcoin là từ ghép của Alternative (thay thế) và Coin. Altcoin là cách gọi chung tất cả các loại coin/token khác ngoài Bitcoin, được xây dựng nhằm mục đích thay thế cho Bitcoin.
Sàn giao dịch Crypto
Sàn giao dịch là nơi hỗ trợ người dùng mua bán tiền mã hóa. Hiện tại, thị trường có 2 loại sàn:
-
Sàn tập trung (CEX): sàn giao dịch do bên thứ 3 tổ chức, kiểm soát và làm cầu nối để trao đổi tài sản crypto. Tùy thuộc quy định tại các nước sở tại, sàn CEX thường yêu cầu thông tin ID, password và thực hiện KYC (Know your customer ). Một số sàn giao dịch lớn như Binance, Huobi, Bittrex, Gate.io, Kucoin…
-
Sàn phi tập trung (DEX): được xây dựng và hoạt động một cách phi tập trung dựa trên nền tảng của blockchain. Sàn phi tập trung không có sự tham gia của bên thứ 3. Một số sàn DEX nổi bật như Uniswap, Sushiswap, Saber, Quickswap…
Điểm khác biệt quan trọng nhất của sàn DEX và sàn CEX là người dùng có thể giao dịch, trao đổi coin ngay trên ví mà không cần phải di chuyển ra ngoài. Chỉ khi người dùng được cấp phép thì giao dịch mới xảy ra. Private key do người dùng nắm giữ. Một số điểm khác biệt khác như quyền kiểm soát tài sản, tính ẩn danh, đơn vị trung gian và số lượng tài sản cho phép giao dịch.
Ví tiền mã hóa
Cũng giống như các loại tiền tệ khác, tiền mã hóa cũng cần được lưu trữ trong ví. Ví tiền mã hóa (crypto wallet) là phần mềm giúp lưu trữ, gửi/nhận và theo dõi số dư tài sản. Có rất nhiều cách để phân loại ví trong crypto nhưng thông dụng nhất là 3 loại: ví nóng, ví lạnh và ví sàn.
Ví nóng – Hot Wallet
Ví nóng (Hot Wallet) là dạng ví lưu trữ online. Người dùng giữ Private Key để tự bảo mật tài sản của mình.
Ưu điểm của loại ví này là thuận tiện, có thể cài đặt trên máy tính, điện thoại hay extension trên trình duyệt. Nhược điểm là dễ bị hack. Một vài ví tiêu biểu như MetaMask, Trust Wallet…
Ở giai đoạn hiện tại, ví nóng không chỉ thực hiện chức năng lưu trữ mà còn được phát triển nhiều tính năng mới. Người dùng có thể swap trực tiếp trên ví mà không cần kết nối với laptop, tạo portfolio theo dõi danh mục đầu tư, hỗ trợ lưu trữ nhiều chuẩn token khác nhau.
Ví lạnh – Cold Wallet
Ví lạnh (Cold Wallet) là ví vật lý có thể cầm nắm trên tay, do các công ty chuyên nghiệp chế tạo và bán ra thị trường. Ví lạnh thường được sử dụng bởi các nhà đầu tư dài hạn. Mặc dù khá tốn công sức cho mỗi lần giao dịch nhưng bù lại, ví lạnh rất an toàn. Một vài nhãn hiệu ví lạnh nổi tiếng là Ledger, Trezor…
Ví sàn – Exchange Wallet
Ví sàn là một trong những loại ví được rất nhiều người sử dụng. Ví sàn được tạo ra trên các sàn giao dịch và người dùng không trực tiếp nắm giữ Private Key. Người dùng ví sàn có thể đối mặt với một số rủi ro như sàn scam, phá sản, bị đóng băng hoạt động… Khi đó, tài sản trong ví không thể rút hoặc di chuyển được.
Tuy nhiên, tính đến hiện nay, ví sàn vẫn là loại ví được sử dụng nhiều nhất. Đó là do tính thuận tiện của chúng. Các nhà đầu tư nhỏ thường nạp stablecoin lên sàn và mua đồng coin mình muốn ngay tại đó. Họ lưu trữ tài sản trong ví để thuận tiện bán ra hoặc trao đổi với người khác. Thêm vào đó, nếu giao dịch không quá lớn, phí rút tài sản có thể vượt quá so với giá trị tài sản.
Việc sử dụng ví nóng, ví lạnh hay ví sàn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người dùng theo từng mục đích và thời điểm thị trường khác nhau.
Thực trạng thị trường crypto hiện tại
Những năm 2017 – 2018, khi nhắc đến crypto, đa phần cộng đồng nhìn nhận đây là một công cụ lừa đảo dành cho tội phạm. Người dùng thường mất trắng tài sản khi đầu tư vào crypto. Bitcoin từ khi ra đời đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn, có lúc tuột dốc không phanh nhưng có khi chạm ngưỡng 60.000 USD.
Bên cạnh đó là việc các quỹ đầu tư lớn trên thế giới như Grayscale, Square, Microstrategy… nhìn thấy lợi nhuận trong việc đầu tư crypto. Trong bối cảnh thị trường đi xuống như hiện nay, không ít ngân hàng, công ty vẫn lựa chọn crypto cho danh mục đầu tư dài hạn như JP Morgan, Morgan Stanley, Tesla, Paypal, Apple Pay…
Một số quốc gia bước đầu chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán hay có cái nhìn cởi mở hơn đối với tiền mã hóa. Tại Việt Nam, chính phủ bắt đầu nghiên cứu thí điểm về công nghệ blockchain để ứng dụng vào công tác quản lý và phát triển công nghệ.
Bên cạnh nhiều chuyển biến tích cực, người dùng cũng cần nâng cao cảnh giác khi đầu tư crypto. Trong bối cảnh thị trường chao đảo như hiện nay, không ít dự án lớn sụp đổ gây ra thiệt hàng hàng trăm triệu USD cho người dùng toàn thế giới. Do chưa được chính thức công nhận và nghiên cứu, đa phần người dùng có cái nhìn lầm tưởng về loại tài sản này, dễ trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo. Sự sụp đổ của Terra, 3AC hay hàng loạt vụ hack trong thời gian qua là lời cảnh tỉnh thiết thực nhất.
Đầu tư tiền mã hóa cần những gì?
Trang bị kiến thức về cryptocurrency
Kiến thức trong mảng crypto rất lớn, việc học hỏi liên tục là vô cùng cần thiết, nhất là dưới áp lực thay đổi nhanh chóng của thị trường. Những kiến thức hôm nay mới biết có thể đã trở nên lỗi thời vào ngày mai. Thị trường crypto hiện tại đang tập trung rất nhiều vào DeFi và sự phát triển của từng hệ sinh thái. Một số hệ sinh thái nổi bật hiện tại là Solana, Near, BSC, Aptos…
Bảo mật tài sản
Một điều không kém quan trọng là việc bảo mật tài sản. Trong crypto luôn tồn tại vô vàn hình thức lừa đảo, do đó, lời khuyên cho nhà đầu tư là phải cẩn thận với bất kỳ quyết định đầu tư trước khi làm gì đó với tài sản của mình.
Nếu giao dịch, cần kiểm tra sàn giao dịch có mức độ uy tín như thế nào. Nếu muốn mua token, cần kiểm tra dự án hoạt động lĩnh vực gì, nhà đầu tư là ai, rủi ro như thế nào…
Vốn đầu tư tiền mã hóa là bao nhiêu?
Thật ra không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Mức độ đầu tư tùy thuộc vào khả năng chấp nhận thua lỗ, mục đích đầu tư và danh mục đầu tư của mỗi người.
Đầu tư tiền mã hóa, tương tự như các loại tài sản biến động khác, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn vốn mà còn đến tinh thần và cuộc sống của nhà đầu tư. Lời khuyên là hãy sử dụng một số vốn nhỏ khi bắt đầu. Sau khi nắm bắt tình hình thị trường và hiểu cách nó vận hành, hãy tăng dần số vốn của mình. Thông thường, nhà đầu tư nên thu được lợi nhuận trong nửa năm cho đến một năm thì mới nên tiếp tục mở rộng đầu tư.
Những cách đầu tư tiền mã hóa phổ biến
Trade
Trade hay nói đơn giản là mua bán liên tục. Các đặc điểm của hình thức đầu tư này là:
-
Không có chuẩn thời gian giữa việc mua và bán, có thể vài giờ, vài ngày hay vài tháng. Đặc điểm nổi bật nhất là không giữ tài sản quá lâu và kiếm lợi nhuận dựa trên khoản chênh lệch nhỏ.
-
Trader thường sử dụng phân tích kỹ thuật và trade margin là công cụ chính, dựa trên chart phân tích điểm ra điểm vào để đưa ra quyết định. Mức lợi nhuận có thể rơi vào 50% – 100%.
Hold
Người dùng mua tài sản bằng việc phân tích cơ bản, đánh giá, dự đoán về tương lai dự án chứ không (hoặc rất ít) dùng phân tích kỹ thuật. Phân tích cơ bản có thể là đánh giá thị trường, so sánh với đối thủ cùng phân khúc, dựa trên số liệu. Từ đó đưa ra nhận định dự án tiềm năng hay không để đầu tư.
Việc hold tài sản thường kéo dài, đa phần là nửa năm đến một năm nhưng lợi nhuận thường rất lớn. Mục tiêu lợi nhuận có thể là 500% – 1.000%. Cá biệt một số dự án có thể lên đến 10.000%.
Các trang thông tin về tiền mã hóa uy tín
Để có thể đưa ra quyết định đầu tư tiền mã hóa đúng đắn giữa hàng nghìn dự án, nhà đầu tư cần phải liên tục cập nhật thông tin và kiến thức về thị trường. Điều quan trọng là lựa chọn các trang thông tin uy tín, đầy đủ và kịp thời về crypto.
-
Cập nhật tin tức nhanh nhất: Telegram, Twitter, Facebook.
-
Cập nhật thông tin thị trường: Coindesk, Congecko, Coinmarketcap.
-
Cung cấp thông tin nghiên cứu chuyên sâu: Messari, The Block, Dephi Digital, Medium, Binance Research.
Share this:
Like this:
Like
Loading…