Bài dự thi Tết đoàn viên: Tết của những người x

Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm, là dịp để mọi người ở khắp nơi trở về cùng gia đình đoàn tụ. Thế nhưng, với những kiều bào đang sinh sống, học tập tại nhiều quốc gia trên thế giới, không phải ai cũng có điều kiện để trở về. Có những người vừa rời xa gia đình một hai năm, nhưng cũng có những người đã mấy chục năm không được ăn Tết ở quê hương.

Tết về trong ký ức

Là năm thứ 2 đến nước Mỹ học tập và cũng là cái Tết thứ 2 không được sum họp cùng gia đình, Nguyễn Khánh Linh (sinh viên Trường ĐH DePauw, Indiana, Mỹ) cho biết, tại bang Indiana không có nhiều người Việt Nam sinh sống nên không khí Tết không thật sự rõ nét. Dù vậy, càng gần đến Tết thì bạn bè, người thân tại Việt Nam càng đăng tải nhiều thông tin về về việc chuẩn bị, sắm sửa quần áo, dọn dẹp nhà cửa… khiến Linh cũng bồn chồn, nhớ gia đình và nhớ nhiều về những ngày Tết trong ký ức.

Bài dự thi Tết doàn viên: Tết của những người xa xứ  - Ảnh 1.

Cô sinh viên Khánh Linh trải nghiệm cái Tết thứ hai xa nhà. Ảnh: NVCC

Linh cho biết, Tết với Linh là khoảng thời gian ấm áp bên gia đình, được ăn các món ngon mẹ nấu như canh măng, chả giò; là mùi thơm lá dong từ các chiếc bánh chưng, bánh tét; là khoảng thời gian được xúng xính váy vóc, áo dài đi chụp ảnh ở đường hoa…

“Sinh viên mới xa nhà như chúng em cảm thấy khá buồn, tủi thân khi ngày Tết phải ở xa gia đình. Dù là người thích nghi, hòa nhập nhanh với môi trường mới, nhưng Tết vẫn là điều gì đó khó tả trong lòng. May mắn là bên cạnh em cũng có nhiều bạn bè ở lại Mỹ, không về Việt Nam đón Tết nên cùng tổ chức đón Tết. Đón Tết Việt trên đất Mỹ dù không thể trọn vẹn như đón Tết ở nhà, nhưng cũng là trải nghiệm thú vị”, Linh nói.

Trong khi đó, Tuấn Ph. (ngụ TP.Vinh, Nghệ An) hiện đang làm việc tại Đài Loan cho biết, Tết Nguyên đán ở Việt Nam cũng là ngày Tết ở Đài Loan. Do đó, những ngày gần đây, không khí chuẩn bị Tết rất náo nhiệt, tưng bừng.

Bài dự thi Tết doàn viên: Tết của những người xa xứ  - Ảnh 2.

Những lao động lưu vong tại Đài Loan vẫn làm việc trong những ngày Tết cổ truyền. Ảnh: NVCC

Bài dự thi Tết doàn viên: Tết của những người xa xứ  - Ảnh 3.

Những lao động lưu vong tại Đài Loan vẫn làm việc trong những ngày Tết cổ truyền. Ảnh: NVCC

Người Việt ở Đài Loan có nhiều thành phần như du học sinh, người lao động hợp pháp, lao động bất hợp pháp (người lưu vong), cô dâu Việt ở Đài Loan… Với những lao động hợp pháp, du học sinh… nếu ở lại Đài Loan dịp Tết, họ sẽ có nhiều trải nghiệm về ngày Tết cổ truyền của Đài Loan hoặc đi du lịch, vui vẻ cùng bạn bè.

Ngược lại, với những lao động lưu vong, ngày Tết cũng như ngày thường, đi làm và trở về nhà chứ không thể tập trung, cùng đón Tết với bạn bè. Anh Ph. cho biết, trong khi bên ngoài rộn ràng đón Tết, những người Việt lưu vong như anh cảm thấy nhớ Tết quê nhà vô cùng. Với anh Ph., ký ức ngày Tết là đi chúc Tết ông bà, hàng xóm; là nhận các phong bao lì xì; là những đêm giao thừa cùng nhau lén bắn pháo…

Giữ gìn truyền thống của cội nguồn

Đã 16 năm không được đón Tết Việt, Tammy Nguyễn (sống tại Ireland) cho biết, những năm đầu còn ham vui xứ người nên không “thấm” sự buồn. Nhưng càng về sau, chị càng cảm thấy nhớ mà mong mỏi được đón Tết cùng gia đình trên đất Việt.

Chị Tammy chia sẻ, 16 năm xa quê nhưng chị vẫn nhớ như in những cái Tết cổ truyền ngày xưa. Ngày Tết của chị là cùng mẹ đi mua sắm đồ Tết, đi ngắm chợ hoa, đi chọn mua mai, đào, quất… Ngày Tết cũng là dịp bận rộn với việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, bày biện bàn thờ, rồi tranh thủ đi làm tóc, làm móng tay…

Bài dự thi Tết doàn viên: Tết của những người xa xứ  - Ảnh 4.

Mâm cỗ ngày Tết với các món truyền thống như chả giò, canh măng, bánh chưng, gà luộc… của chị Tammy Nguyễn. Ảnh: NVCC

Ở Ireland, các siêu thị châu Á hiện nay đã đủ đầy hơn trước rất nhiều nên người Việt có thể tha hồ lựa chọn, mua sắm để mang Tết về với gia đình. Như mọi năm, chị luôn sắp xếp công việc, đưa các con đi mua sắm và nấu nhiều món ăn truyền thống như đồ xôi, chả giò, gà luộc, canh măng… Đặc biệt, chị không quên đặt những chiếc bánh chưng chuẩn hương vị Việt để bày biện, thờ cúng.

“Dù xa xứ nhưng ngày Tết vẫn được tôi chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Phần vì để vơi đi nỗi nhớ nhà, để thưởng thức hương vị Tết xưa cũ; phần vì để cho các con hiểu về văn hóa của cội nguồn. Người Việt xa xứ chúng tôi ai cũng muốn hướng cho con em về cội nguồn của mình thông qua các món ăn, các câu chuyện, trang phục ngày xuân… Bên cạnh đó, vào ngày Tết, gia đình chúng tôi sẽ đưa nhau lên chùa, rút xăm, xin lộc rồi đi xem các chương trình ca nhạc do nghệ sĩ Việt biểu diễn. Tôi sẽ cố gắng để các con được về Việt Nam đón cái Tết thực sự trọn vẹn trong những năm tới”, chị Tammy nói.

Bài dự thi Tết doàn viên: Tết của những người xa xứ  - Ảnh 5.

Áo dài truyền thống trong ngày Tết tại xứ người. Ảnh: NVCC

Từ Saint Cloud Florida, Thu Thảo (quê Gia Lai) cho biết cũng đã 10 năm liền không được ăn Tết cổ truyền Việt Nam. Thảo sinh sống tại khu vực ít người Việt nên không có không khí Tết. Tuy nhiên, nếu chạy xe khoảng 40 phút thì sẽ đến khu vực người Việt ở đông đúc hơn, có bánh mứt, hoa đào, hoa mai và có cả hội chợ, lô tô…

“Dịp này, chúng tôi sắp xếp công việc rồi trang trí nhà cửa, dán câu đối, treo các lồng đèn, liễn và mua các loại mai, đào về để có không khí Tết. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ mặc áo dài, chụp hình và gọi điện về cho gia đình ở Việt Nam. Vào dịp Tết, ai cũng thích mặc áo dài, dù là người Việt hay dâu, rể ngoại quốc và các con cháu sinh sống ở nước ngoài đều thích”, Thảo nói.

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết “Tết đoàn viên”. Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email [email protected] trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 – 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề “Bài dự thi “Tết đoàn viên” của báo Dân Việt“, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.