Bài dự thi “Nhà mình ngày Tết”: Bánh thuẫn đãi khách ngày Tết

Nhớ lại Tết 20 năm trước, khoảng 6 -10 ngày cận Tết mẹ tôi cũng như nhiều người dân ở Quảng Trị bắt đầu rộn ràng với việc đổ bánh thuẫn. Thời đó hàng hóa không phong phú như bây giờ để lựa chọn. Tất cả những món ăn ngày Tết người dân đều tự làm từ mứt gừng, dưa món, bánh chưng, bánh tét…không có khái niệm mua ở chợ.

Có lẽ sự chờ đợi chuẩn bị ăn Tết chỉ “nóng” lên khi mẹ sửa soạn làm bánh thuẫn. Đó là cảm giác thật thú vị mà những đứa trẻ nông thôn như chúng tôi hằng mong chờ mỗi khi Tết đến để được ăn món bánh này (vì mẹ chỉ làm trong dịp Tết)

Bài dự thi “Nhà mình ngày Tết”: Bánh thuẫn đãi khách ngày Tết - Ảnh 1.

Sự chờ đợi chuẩn bị ăn Tết chỉ “nóng” lên khi mẹ sửa soạn làm bánh thuẫn

Nguyên liệu chính của món bánh thuẫn rất đơn giản gồm bột, trứng, đường và một chiếc khuôn làm bằng gang hoặc đồng. Một khuôn bánh có hình bầu dục, thường có từ 10-12 chiếc bánh nhỏ bên trong có thêm họa tiết cánh hoa.

Công đoạn khó nhất là việc pha và đánh bột. Bột dùng để làm bánh là bột năng, bột huỳnh tinh (hay còn gọi là bình tinh) được pha với nhau theo tỷ lệ nhất định. Trứng làm bánh là trứng gà, sau đó cho thêm đường vào trứng và đánh tan. Cho tiếp bột đã rây mịn vào trứng tiếp tục đánh cho đến khi hỗn hợp này hòa quyện lại và dậy lên là được. Sau khi đánh xong, cho vào một ít vani để có hương thơm.

Chuẩn bị nguyên liệu xong thì đến khâu nướng bánh. Tất cả khuôn đều được thoa dầu bên trong. Khi các khuôn đã nóng, mẹ bắt đầu dùng mui (vá) rót bột vào khuôn cho vừa đủ và đều khắp, xong đậy nắp vung lại. Trên nắp bỏ thêm nhiều than lửa, chờ 5-7 phút sau, tháo nắp vung ra, thấy bánh nở cao gấp đôi khuôn và ngả vàng là bánh đã chín, lấy cây dài xâu vào bánh lấy ra.

Sau khi lấy bánh ra, một khâu quan trọng nữa là sấy bánh. Lò sấy của mẹ tôi sáng chế là lấy một miếng tôn bao quanh bếp lò, trên bếp lò để vừa chiếc nia tre. Mẹ xếp bánh vào nia tre, vài tiếng sau, thành quả là những chiếc bánh thuẫn sấy thơm lừng. Mẹ xếp mỗi túi ni lông khoảng 20-30 cái bánh.

Bài dự thi “Nhà mình ngày Tết”: Bánh thuẫn đãi khách ngày Tết - Ảnh 2.

Bánh thuẫn được bỏ vào túi ni lông cất để dành đãi khách mấy ngày Tết.

Mẻ bánh của mẹ là như vậy đó, mỗi lần mẹ làm bánh chúng tôi vây quanh nồi bánh vừa phụ giúp mẹ vừa ngóng chờ những chiếc bánh bị “hư” mẹ cho. Nghe mùi thơm của bánh làm nức mũi chúng tôi. Phần thưởng cho chúng tôi sau khi giúp mẹ làm bánh là những chiếc bánh bị “hư” hay dư sau khi những chiếc bánh đẹp nhất, và đủ số lượng bánh bỏ vào túi ni lông cất để dành đãi khách mấy ngày Tết.

Chỉ có vậy thôi nhưng mỗi khi Tết đến, mỗi khi làm bánh thuẫn chúng tôi rất vui và háo hức. Món bánh quê hương tuy đơn sơ, giản dị nhưng chứa đựng trong đó là cả tình yêu thương của mẹ dành cho chúng tôi.

CLIP: Làm bánh thuẫn

Cuộc thi “Nhà mình ngày Tết” và “Làm báo cùng Báo Người Lao Động “bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).

Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi “Nhà mình ngày Tết” và “Làm báo cùng Báo Người Lao Động”

tại đây

Lưu ý: Do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi; bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó.

Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: [email protected]

Bài dự thi “Nhà mình ngày Tết”: Bánh thuẫn đãi khách ngày Tết - Ảnh 5.