Bài cuối: Ở lại và cống hiến
(HNM) – Khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, không ít công chức, sĩ quan chế độ cũ đã lần lượt rời bỏ đất nước. Thế nhưng cũng rất nhiều người đã ở lại để cống hiến cho đất nước.
Không lẽ chạy theo những người đã bỏ lại mình?
Chiến tranh lùi xa, nhưng GS.BS Trần Thành Trai không quên được nỗi ám ảnh khi ông phải chạy trốn từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Làm việc cho quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Bệnh viện Quân y Đà Nẵng, khi thành phố này thất thủ, dòng người chạy loạn từ Huế, Quảng Nam, Quảng Trị đổ về chật kín sân vận động Đà Nẵng. Bầu trời thành phố ngày đó dày đặc những chiếc phi cơ bay vào Nam, còn dưới biển, tàu hải quân chở lính tháo chạy. Khi lo được cho vợ con lên máy bay, bác sĩ Trai đã bị bỏ lại. Lo toan, sợ hãi, ông leo theo chiếc thuyền của ngư dân để vào Sài Gòn. Ông không ngờ rằng, để ngăn làn sóng người đổ vào thành phố, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cấm không cho tàu thuyền cập bến Sài Gòn. Nằm trên tàu, bác sĩ Trai thấm thía cảnh đói, khát. Đấu tranh mãi chính quyền mới mở lệnh cho họ cập bến và phải mất hơn 1 tuần lưu lạc trên biển ông mới vào được Sài Gòn để đoàn tụ vợ con. Cả nhà thuê một căn phòng ở gần sân bay Tân Sơn Nhất để chờ thêm cơ hội sang Mỹ, nhưng lại một lần nữa ông bị chối bỏ. “Ngày 30-4, tôi biết mọi chuyện sắp kết thúc, tôi lên sân thượng nhìn về phía Tòa đại sứ Mỹ với những chiếc trực thăng đáp xuống, bốc người đi ra hạm đội. Tôi ngồi đây cho đến lúc chiếc máy bay cuối cùng bay ra”. Đau xót vì bị bỏ lại, ông băn khoăn: “Không lẽ chạy theo những người đã bỏ lại mình?”, và ông đã quyết định ở lại.
GS.BS Trần Đông A.
Với GS.BS Trần Đông A, chuyện rời đất nước để ra đi lúc ấy quá dễ dàng. Ngày 28-4, một phi công ngụy được bác sĩ Đông A cứu mạng sống trên chiến trường Khe Sanh đã đề nghị đưa ông sang Mỹ, nhưng ông chọn cách ở lại vì không muốn gia đình ly tán.
Bác sĩ Trần Đông A sinh năm 1941 tại Hải Hậu – Nam Định. Vào năm 1952, quân địch phát hiện hai chị gái ông tham gia cách mạng đã tìm cách truy quét sát hại cả gia đình. Bố mẹ đã đưa Đông A chạy trốn vào Sài Gòn, và họ thất lạc mất người con trai út. Theo học Y khoa, khi vừa tốt nghiệp, ông bị buộc phải đi lính và làm việc trong nhóm mổ cứu thương lưu động trên các chiến trường. Những lần ra trận địa, ông đã mổ cho cả binh sĩ hai bên. Hễ nhìn thấy bất kỳ chiến sĩ nào của quân cách mạng bị thương nặng, bác sĩ Đông A chạy lại tìm cách cứu sống và dò la tin tức, quê quán vì lo sợ đó là đứa em mình bị thất lạc vào năm 1952. Nỗi lo sợ, ám ảnh bị đẩy lên cao khi ông biết tin em trai theo cách mạng, đang chiến đấu ở Quảng Trị. Trận đó lính hai bên tử thương quá nhiều, ước vọng gặp lại đứa em còn lành lặn trong trận chiến khắc nghiệt này của vị bác sĩ đi vào ngõ cụt. Ông day dứt, đau khổ mong muốn sớm có hòa bình và đã bị chính quyền ngụy kết tội “phản chiến”, họ cách ly bằng cách đưa ông sang Mỹ đào tạo nghiệp vụ. Đến năm 1974, bác sĩ Đông A được đưa về nước làm tiếp nhiệm vụ mổ cứu thương trên chiến trường, lúc đó ông nghĩ cả đời mình sẽ không có hòa bình. Và hòa bình đến sớm hơn sự kỳ vọng, và ngày 30-4, bỏ mặc đám bạn bè đồng nghiệp xô đẩy, giành giật để lên máy bay rời khỏi Sài Gòn, bác sĩ Trần Đông A đi theo đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập với tâm trạng bồi hồi lo nghĩ về người em bên kia chiến tuyến.
Khi chính quyền cách mạng phát lên thông tin về hòa hợp dân tộc và khoan hồng, bác sĩ Trai coi đó như cái phao bám của đời mình. “Ở lại với đất nước chúng tôi vẫn là một bác sĩ, đối tượng là bệnh nhân. Bệnh nhân không phân biệt chính trị, tôn giáo”. Cùng chung lý tưởng ở lại để phục vụ nhân dân, bác sĩ Trần Thành Trai và bác sĩ Trần Đông A cùng nộp đơn đi cải tạo, sau 2-3 năm họ được khôi phục quyền công dân và bố trí việc làm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2.
Lúc này, tập thể Bệnh viện Nhi Đồng 1 nơi bác sĩ Trai công tác có khoảng 10 bác sĩ, nhưng cứ 1 đến 2 ngày lại có một bác sĩ vượt biên, rời bỏ đất nước. Đến một ngày, trong khoa ngoại bệnh viện không còn một ai, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giao cho ông chức Trưởng khoa, và bắt đầu gây dựng lại đội ngũ. Sau khi ra khỏi trại cải tạo 5 tháng, bác sĩ Đông A đã được giao nhiệm vụ Trưởng khoa của Bệnh viện Nhi Đồng 2, và tiếp theo là Phó Giám đốc bệnh viện. Ông trở thành đại biểu Quốc hội, nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân… Nhưng đáng quý hơn, ông đã danh chính ngôn thuận trở về miền Bắc gặp lại người em là chiến sĩ cách mạng của mình.
Còn với GS Trần Thành Trai, bước ngoặt đầu tiên của ông là được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh. Sau đó, ông trở thành đại biểu Quốc hội khóa X. Đóng góp lớn nhất của ông trên cương vị này là xây dựng Luật Bảo hiểm y tế đã được Quốc hội thông qua. Sau này, ông tiếp tục giữ thêm các chức vụ khác, trước khi nghỉ hưu ông là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hai bác sĩ đã trở thành những đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, với nhiều đóng góp to lớn cho đất nước và dân tộc. Năm 1988, trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo quốc tế tại Việt Nam, rất nhiều câu hỏi đặt ra cho ông. “Họ đã làm gì ông trong trại cải tạo?”, bác sĩ Trần Đông A đã trả lời: “Đấy là thời gian đấu tranh tâm lý đầy khó khăn, nhưng bây giờ nhìn lại thì tôi thấy đây là thời gian cần thiết, bởi vì nhờ đó tôi học cách sống hòa hợp với chế độ mới”.
GS.BS Trần Thành Trai.
Phải biết quý trọng những giây phút của hòa bình
Khoảng năm 1985, một đoàn bác sĩ Mỹ đến Việt Nam phẫu thuật từ thiện cho trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch. Đoàn đã chọn Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi bác sĩ Trai làm việc để thực hiện những ca mổ đầu tiên. Thời điểm này nước ta còn bị cấm vận, không có internet, không có tài liệu y khoa nên bác sĩ Trai lần đầu được tiếp cận công nghệ. Vậy mà chỉ đến năm thứ hai bác sĩ Trai đã tự thực hiện mổ khiến các bác sĩ Mỹ thán phục. Họ ngỏ ý muốn mời ông sang Mỹ, ông đã mạnh dạn nộp đơn lên ban lãnh đạo để xin đi. Lúc ấy, nhiều người nói: Chuyến đi này chẳng khác nào “thả hổ về rừng”, thế nhưng sau một tháng học tập, bác sĩ Trai trở về Việt Nam và tiếp tục thay đoàn từ thiện Mỹ gánh trọng trách của những “thiên thần áo blouse”. Từ năm 1987 đến nay ông đã thực hiện hơn 4.000 ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ em bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch từ Nam ra Bắc. Năm 1988, bác sĩ Trần Đông A cùng bác sĩ Trần Thành Trai và một số bác sĩ giỏi tại TP Hồ Chí Minh đã thực hiện kíp mổ tách cặp song sinh dính liền Việt – Đức. Ca mổ thành công là một niềm tự hào của ngành y Việt Nam. Bác sĩ Trần Đông A, trưởng kíp mổ kiêm phẫu thuật viên chính đã được ghi danh trong cuốn sách kỷ lục Guiness của thế giới. Cũng chính năm đó, ông nhận được học bổng sang Pháp tu nghiệp 3 năm, chuẩn bị phong hàm giáo sư. Khoảng thời gian ông học ở Pháp, cũng là lúc Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu bắt đầu lung lay, người ta đồn đoán bác sĩ Trần Đông A sẽ nhân cơ hội để đi từ Pháp sang định cư tại Mỹ.
“Tôi yêu đất nước mình, bằng chứng là tôi vẫn ở đây và tiếp tục cống hiến cho đất nước. Khi nhìn lại sự kiện chiến tranh, phải là người có gia đình phân tán, chia đôi hai chiến tuyến và hằng ngày sống với bom đạn như tôi thì bạn mới biết quý trọng những phút giây của hòa bình. Giờ đây tôi đang trân trọng và tận hưởng những ngày tươi đẹp của cuộc đời mình”, GS.BS Trần Đông A nói.