Bài cuối: Liên tục học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn

(HNM) – Với ngành Y, đào tạo liên tục chính là giải pháp sống còn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi các kiến thức y học của thế giới thay đổi từng ngày, việc cập nhật liên tục những kiến thức, kỹ thuật mới sẽ giúp đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ hạn chế những sai sót trong hoạt động chuyên môn.

Khó thu hồi chứng chỉ

Hiện nay, Bộ Y tế đã có nhiều thông tư, quy định rõ về việc đào tạo liên tục trong ngành Y. Cụ thể, theo Thông tư số 35/2013/TT-BYT ngày 30-10-2013 của Bộ Y tế về thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động chuyên môn của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khi phát hiện người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 2 năm liên tục; người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh; người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 2 năm liên tiếp; không đủ sức khỏe để hành nghề… thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ. Thế nhưng, đến nay những quy định đó vẫn chưa được thực hiện triệt để, các chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên chưa thể thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp vi phạm.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo (Bộ Y tế) cho biết: Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung thanh, kiểm tra các cơ sở y tế, khi phát hiện cán bộ, y, bác sĩ không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ bị nhắc nhở và có thể thu hồi chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang đề xuất thí điểm kiểm tra phòng khám, bệnh viện tư nhân về việc cập nhật kiến thức của các y, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Trước mắt, nhân viên y tế sẽ được nhắc nhở tuân thủ các quy định, đến cuối năm 2016 sẽ thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Y tế là thu hồi chứng chỉ nếu y, bác sĩ không cập nhật liên tục kiến thức y khoa. Thế nhưng, “việc thu hồi chứng chỉ hành nghề với người không cập nhật kiến thức y khoa là việc bất đắc dĩ và không dễ thực hiện. Hiện ở vùng sâu, vùng xa, cả bệnh viện huyện mới chỉ có 4 nhân viên y tế. Nếu áp dụng quy định trên sẽ không còn ai làm việc” – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết.

Liên quan đến chứng chỉ hành nghề, nhiều chuyên gia trong ngành Y lo ngại, việc cấp chứng chỉ một lần trong đời sẽ khó kiểm soát được tay nghề. Bởi có nhiều bác sĩ khi chuyển sang làm công tác quản lý, khi quay lại làm công tác chuyên môn sâu rất có thể lúng túng trong xử lý các tình huống. Nên việc cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm/lần vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa giúp quản lý được chất lượng hành nghề.

Nâng cao chất lượng đào tạo và vai trò của hội nghề nghiệp

Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và nhu cầu đòi hỏi nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự kỳ vọng của người bệnh thì việc đào tạo liên tục cho đội ngũ y, bác sĩ càng trở nên cấp thiết. Thông qua các lớp đào tạo, chương trình hội nghị, hội thảo hoặc những buổi sinh hoạt chuyên môn tại bệnh viện, y, bác sĩ sẽ được cung cấp kiến thức và cập nhật những tiến bộ y khoa mới trên thế giới. Những lớp đào tạo ngắn hạn sẽ là nơi các y, bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm, giải quyết nhiều vấn đề chuyên môn giúp kiến thức y khoa trải đều hơn, ai cũng có thể tiếp nhận và cập nhật. Bộ Y tế cũng đã xác định, trong lĩnh vực khám chữa bệnh, bệnh viện là môi trường học tập, cập nhật kiến thức và kỹ thuật chuyên môn lý tưởng nhất, là cơ sở đào tạo liên tục quan trọng hàng đầu để nâng cao trình độ nguồn nhân lực y tế. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Ngô Quang, hiện có nhiều khóa đào tạo được mở ồ ạt, khó kiểm soát chất lượng đào tạo. Theo quy định, chỉ cơ sở được Bộ Y tế cấp mã đào tạo mới được tham gia đào tạo. Và chỉ có chứng nhận ở các cơ sở đào tạo này mới có giá trị “nuôi” chứng chỉ hành nghề y, nâng cao chất lượng bác sĩ, hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mang lại lợi ích cho nhân dân.

Ông Lương Ngọc Khuê cho rằng, sự tiến bộ của khoa học về các giải pháp điều trị từng loại bệnh thay đổi từng ngày, y, bác sĩ nếu không rèn luyện, học tập thì kiến thức sẽ bị mai một và tụt hậu. Do đó, việc học tập nâng cao kiến thức chuyên môn vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm đối với bệnh nhân của mỗi cán bộ, y, bác sĩ. Bộ Y tế cũng đã khẳng định, luôn tạo điều kiện và khuyến khích việc tổ chức liên tục các khóa đào tạo y khoa, đồng thời cũng có chế tài mạnh xử lý đối với các trường hợp không tuân thủ quy định.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng: Cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt vấn đề này. Đồng thời, ông nhấn mạnh: Ở các nước, vai trò của các hội nghề nghiệp trong cấp chứng chỉ hành nghề có ý nghĩa quan trọng. Bác sĩ muốn hành nghề phải tham gia một hội nghề nghiệp, được hội quản lý. Sự tham gia của các hội nghề nghiệp sẽ tăng sự theo dõi, kiểm soát lẫn nhau. Vì thế, vai trò của các hội nghề nghiệp trong việc cấp chứng chỉ là rất quan trọng. Các tổ chức nghề nghiệp sẽ đứng ra tổ chức sát hạch và Nhà nước dựa vào kết quả đó để cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, ở Việt Nam điều này chưa được thực hiện. Để phù hợp với xu thế chung, cũng cần xác định rõ vai trò của hội nghề nghiệp, nâng cao chất lượng hoạt động của hội. Cùng với vấn đề đó là thực hiện cải cách hành chính trong cấp chứng chỉ hành nghề, bảo đảm minh bạch, công khai, thuận lợi, tránh gây tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà.