Bài 65: Cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống – Môn Ngữ văn – Lớp 9
Bài 65: Cách làm bài nghị luận về một hiện tượng đời sống
I. Kiến thức cần nhớ
– Muốn làm bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống, phải tìm hiểu kĩ đề bài, phân tích sự việc, hiện tượng đó để tìm ý, lập dàn bài, viết bài và sửa chữa sau khi viết.
– Dàn bài chung:
+ Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng cần bàn luận.
+ Thân bài: Liên hệ thực tế, phân tích nhiều mặt; nêu đánh giá, nhận định.
+ Kết bài: Kết luận, khẳng định, phủ định, lời khuyên.
– Bài làm cần lựa chọn góc độ riêng để phân tích, nhận định; đưa ra ý kiến, suy nghĩ và cảm thụ riêng của người viết.
II. Soạn bài
1. Đề bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống
a. Các đề bài trên có điểm giống nhau là:
– Đề bài đều nêu ra các sự việc, hiện tượng trong đời sống, xã hội.
– Các sự việc, hiện tượng đời sống đều tiêu biểu cần người viết bày tỏ thái độ: ngợi ca, chê bai hoặc phê phán. Mệnh lệnh trong đề yêu cầu người viết trình bày ý kiến, suy nghĩ của bản thân: “nêu suy nghĩ của mình”, “nêu nhận xét, suy nghĩ của mình”, “nêu ý kiến”, “bày tỏ thái độ”.
b. Đề bài tương tự
Ví dụ:
– Trình bày suy nghĩ của em về đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
– Thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hãy trình bày suy nghĩ của em về thực trạng thực phẩm bẩn trong đời sống hiện nay.
2. Cách làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống
a. Đề thuộc loại đề nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.
Đề nêu lên sự việc bạn Nghĩa đã giúp đỡ mẹ trong việc nhà và việc đồng áng. Nghĩa biết sáng tạo các vật dụng, kết hợp giữa lí thuyết và thực hành được trở thành một tấm gương để các bạn học sinh noi gương và học tập.
Đề yêu cầu: Nêu suy nghĩ về sự việc, hiện tượng của bạn Nghĩa.
b. Ý nghĩa của việc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào học tập bạn Nghĩa: Học tập bạn Nghĩa là học yêu thương cha mẹ, học lao động, học cách kết hợp giữa lí thuyết và thực hành, học sáng tạo – làm những việc nhỏ mà có ý ngĩa lớn.
Những việc làm của Nghĩa chứng tỏ Nghĩa là người biết yêu thương, giúp đỡ cha mẹ, biết kết hợp học và hành, biết sáng tạo trong lao động.
Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào học tập bạn Nghĩa vì đây là một tấm gương học sinh tiêu biểu, đáng khen và cần phải học tập.
Các việc làm của Nghĩa không khó thực hiện. Nếu làm được những việc như Nghĩa thì đời sống sẽ trở nên tốt đẹp, bản thân các bạn học sinh được rèn luyện, làm những việc có ích cho gia đình và xã hội.
Mở bài mẫu:
Học tập, lao động và sáng tạo là những công việc không ngừng nghỉ của con người toàn xã hội. Gần đây, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Học tập Phạm Văn Nghĩa”. Đó là phong học đi đôi với hành, lao động và sáng tạo, giúp ích trong đời sống hàng ngày ở chính trong gia đình mình. Phong trào ấy đã được nhiều bạn học sinh nhiệt liệt hưởng ứng.
III. Luyện tập
Gợi ý lập dàn bài cho đề số 3.
Đề 3. Trò chơi điện tử là món tiêu khiển, hấp dẫn. Nhiều bạn vì mải chơi mà sao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy nêu suy nghĩ của em về hiện tượng đó.
a. Mở bài: Giới thiệu chung về vấn đề cần nghị luận: Hiện tượng học sinh mải chơi điện tử, sao nhãng việc học tập.
b. Thân bài:
– Thực trạng: Trò chơi điện tử ngày càng hấp dẫn, lôi cuốn nhiều học sinh bỏ học, sao nhãng việc học tập để chơi điện tử ngày càng phổ biến trong các trường học.
– Tác hại: Mải mê chơi điện tử không chú tâm vào học hành làm kết quả học tập sa sút, không chuyên tâm học hành, trò chơi điện tử tạo ảo giác, dẫn đến các hiện tượng bỏ học, trốn học, sa vào tệ nạn xã hội,…
– Phê phán hiện tượng mải chơi điện tử sao nhãng việc học, làm kết quả học tập giảm sút,…
– Biện pháp: Nêu cao tinh thần tự giác học tập, chơi điện tử mang tính chất giải trí chứ không phải trò tiêu khiển, quản lí thời gian của bản thân một cách khoa học, hợp lí,…Cần sự hợp tác giáo dục và quản lí giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
d. Kết bài: Đánh giá vấn đề và đưa ra bài học thiết thực cho bản thân.