Bài 2: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định – Trang chủ – Báo Bắc Ninh

Tăng dự trữ mặt hàng thiết yếu gấp 2 lần

Những ngày này, tại các chợ truyền thống, mặt hàng thực phẩm, rau xanh và nhu yếu phẩm được bày bán phong phú, giá ổn định. Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương chợ Đọ (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Ngày nào hàng cũng đầy ắp, không thiếu thứ gì, thậm chí do các nhà hàng ăn uống đóng cửa nên lương thực, thực phẩm hiện rất phong phú, một số mặt hàng giá còn giảm hơn so với ngày thường”.

Tại các siêu thị, hàng hóa luôn được doanh nghiệp bổ sung đầy ắp các kệ. Nhiều mặt hàng còn chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng. Ông Trần Văn Giang, Giám đốc Siêu thị Trường Giang, phường Hương Mạc (thị xã Từ Sơn) thông tin: “Từ sự chỉ đạo của cơ quan chức năng và bám sát diễn biến thị trường, Siêu thị chủ động dự trữ những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với khối lượng hàng gấp 2 lần so với trước khi dịch COVID- 19 bùng phát. Thỏa thuận với các nhà sản xuất và nhà cung cấp sẵn sàng cung ứng thêm khi Siệu thị có nhu cầu…”. Ông Diêm Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Bắc Ninh (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam), Giám đốc Hệ thống Siêu thị Dabaco chia sẻ: “Những sản phẩm của Dabaco sản xuất như: thịt lợn, thịt gà, trứng gà, xúc xích… không những đủ phục vụ thị trường trong tỉnh mà còn cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố khác. Những sản phẩm thiết yếu khác, đơn vị đã nhập về kho dự trữ với số lượng gấp hơn 2 lần, nhiều mặt hàng gấp đến 3 lần so với bình thường. Bên cạnh đó, Siêu thị còn chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, phương tiện sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương ứng phó với dịch COVID-19 theo các kịch bản mà Sở Công Thương đã xây dựng”.

 

Lượng hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại được dự trữ gấp 2-3 lần.

 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay những đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu chủ lực của tỉnh như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, Công ty TNHH Trường Giang Investment, Công ty Cổ phần Siêu thị Huy Hùng, Công ty TNHH SP Minh Phú, Tập đoàn Vingroup đã dự trữ khối lượng lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu gấp 2 – 3 lần so với bình thường. Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn triển khai phương án mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online (qua website, app trên điện thoại), đặt điểm giao nhận tại các chung cư, cơ quan, công sở. Những mặt hàng có nhu cầu cao như: Khẩu trang và nước rửa tay được các đơn vị dự trữ với số lượng lớn đáp ứng đủ yêu cầu của người dân. Các doanh nghiệp phân phối chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố luôn sẵn sàng cung ứng đưa  hàng về Bắc Ninh khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

 “Tâm dịch” nguồn hàng dồi dào

Tỉnh Bắc Ninh hiện có nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế. Để bảo đảm đủ hàng phục vụ tiêu dùng cho những khu vực này, Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp ngoài việc chủ động nguồn hàng đủ cung ứng ra thị trường, còn chủ động phối hợp với chính quyền các cấp điều tiết hàng hóa phục vụ người dân các khu vực đang thực hiện các biện pháp cách ly y tế, giãn cách xã hội.

Tại các huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp huyện giao cho 1 đơn vị/tổ công tác làm đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin hai chiều (giữa trong và ngoài khu cách ly), công khai họ và tên, địa chỉ, số điện thoại để người dân trong vùng cách ly biết và chủ động liên hệ khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa. Lựa chọn địa điểm kinh doanh cố định trong khu vực (ưu tiên cho các cơ sở đã có sẵn) hoặc chỉ định địa điểm (nhà văn hóa, hay vận động từ một đến hai hộ dân) làm nơi tiếp nhận và cung cấp hàng hóa cho từng hộ dân trong khu vực bị cách ly. Tính toán số hộ cung ứng phù hợp về khoảng cách tạo thuận lợi cho nhân dân trong quá trình mua hàng. Bố trí người hướng dẫn cho các đơn vị, cá nhân giao hàng hóa đúng địa điểm, di chuyển theo tuyến được chỉ định. Quá trình giao nhận hàng phải bảo đảm tuân thủ đúng mọi quy định về phòng, chống dịch. Thông báo cho người dân về thời gian, địa điểm, cách thức đăng ký nhu cầu các mặt hàng thiết yếu, sau đó tổng hợp cụ thể danh sách, số lượng, chủng loại hàng hóa chuyển cho đơn vị cung ứng để cung cấp. Các tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại địa bàn cách ly (nếu kinh doanh) duy trì cung cấp hàng hóa trong suốt thời gian cách ly, khi có nhu cầu nhập hàng thì thông báo với người phụ trách đầu mối trong khu vực để liên hệ với các đơn vị cung ứng mua hàng.

 

Giao hàng tận nhà cho người dân vùng cách ly  tại thôn An Động, xã lạc Vệ (Tiên Du)

 

Đối với các mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm đến thời gian thu hoạch, có nhu cầu tiêu thụ, đăng ký với đầu mối trong khu cách ly để tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng có phương án xử lý kịp thời. Cục QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống  đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu và sản phẩm y dược, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…Nhờ thực hiện các phương án và giải pháp cụ thể đó mà trong đợt bùng phát lần thứ 4 dịch COVID-19 thị trường hàng hoá những ngày qua tại Bắc Ninh vẫn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng, hay tăng giá bán đột biến, kể cả vùng bị cách ly y tế.

Chị Đặng Thị Sim ở An Động, xã Lạc Vệ (Tiên Du)- khu vực đang bị phong tỏa chia sẻ: “Với việc xuất hiện một số ca dương tính với Sars-CoV-2, thôn An Động phải thực hiện cách ly từ ngày 21-5 để phòng chống, dịch. Trước khi có quyết định cách ly, tôi cũng như nhiều người dân trong thôn rất lo lắng về vấn đề lương thực, thực phẩm, bởi chợ và các hộ kinh doanh trong thôn đều dừng hoạt động kinh doanh. Nhưng nhờ được địa phương tuyên truyền và có đội thanh niên tình nguyện luôn sẵn sàng giúp chúng tôi mua sắm đủ những nhu yếu phẩm cần thiết và mang đến tận nhà với chất lượng bảo đảm, giá phù hợp, nhiều tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm cũng hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống của gia đình tôi và người dân trong khu vực cách ly vẫn ổn định, giữ tâm lý bình tĩnh, không mua tích trữ quá nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm và tuân thủ các quy định chống dịch. Mong rằng dịch COVID sớm được đẩy lùi, cuộc sống người dân trở lại bình thường”.

Để việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi, nhất là đến các vùng “tâm dịch” Sở Công Thương tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, trước hết là Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, ngành Y tế… và các địa phương quan tâm chỉ đạo các chốt liên liên ngành kiểm soát dịch trên địa bàn tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp được cho phương tiện, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm ra, vào địa phương sau khi thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Trường hợp phát sinh tình huống xấu (nhân viên hoặc người đến mua hàng tại các đơn vị phân phối lớn bị mắc COVID-19), đề nghị UBND tỉnh cho phép được áp dụng biện pháp: Sau khi thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch cần thiết như đưa người đi điều trị, cách ly, tiêu độc, khử trùng quanh khu vực, UBND cấp huyện báo cáo Sở Công Thương, UBND tỉnh có thể xem xét, cho đơn vị kinh doanh (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối…) đưa người quản lý, nhân viên từ nơi khác (không nhiễm bệnh) vào tiếp quản lại cơ sở vật chất để tiếp tục duy trì hoạt động, kịp thời cung ứng hàng hóa.

Sở Công Thương khuyến cáo người dân hãy yên tâm không cần mua hàng hóa, thực phẩm tích trữ qúa nhiều, vì hệ thống phân phối hàng hóa trong tỉnh luôn hoạt động, đủ thực phẩm cung cấp cho người dân, bảo đảm không tăng giá và cam kết về mặt chất lượng.

 

Bài 3: Kết nối thúc đẩy tiêu thụ nông sản nội tỉnh

Nhóm PV Kinh tế

Nhóm PV Kinh tế