Bài 1: Thực trạng đời sống công nhân trong “bão” Covid-19

Nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động cùng với việc thiết lập các biện pháp cách ly xã hội đã khiến cho đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn.

Sau khi dịch Covid-19 tạm được khống chế, thông qua các giải pháp của chính quyền các địa phương, hoạt động sản xuất đã trở lại. Tuy nhiên, vấn đề là việc chăm sóc đời sống tinh thần cho công nhân lao động thế nào thì chưa được các cơ quan tính đến.      

Bài 1: Thực trạng đời sống công nhân trong “bão” Covid-19

Dịch Covid-19 tràn đến khu công nghiệp (KCN) Vân Trung ở Bắc Giang từ ngày 8-5 sau khi phát hiện hai nữ công nhân dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, ở tỉnh Bắc Ninh, trong ngày 6-5 đã ghi nhận 20 ca dương tính.

Từ đây, các kịch bản, giải pháp phòng, chống Covid-19 được chính quyền các cấp của hai tỉnh kích hoạt và thực hiện rất quyết liệt, trong đó có việc quyết định tạm dừng hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp, cách ly các khu dân cư trong một thời gian. Việc này khiến đời sống công nhân gặp không ít khó khăn.

Công nhân ngoại tỉnh khốn đốn 

Chúng tôi có mặt tại xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) khi địa phương này chưa hết thực hiện Chỉ thị số 15/TT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tại thời điểm này, nhiều công nhân thuộc diện F1 đã được đưa đi cách ly tập trung. Thực hiện chủ trương làm sạch các khu nhà trọ, tỉnh Bắc Giang đã đề nghị các tỉnh, thành phố tạm đưa các công nhân về quê. Theo nguồn tin do an ninh khu vực cung cấp, số công nhân ngoại tỉnh ở lại các khu trọ của xã Quang Châu rất ít, chủ yếu là để trông nhà cho các chủ nhà trọ không phải là người địa phương.

leftcenterrightdel

Gia đình chị Bùi Phương Thùy, công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Đại Đồng-Hoàn Sơn thuê trọ ở Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh. Ảnh: Mạnh Thắng.

Xã Quang Châu nằm sát với các khu công nghiệp lớn của tỉnh Bắc Giang, có khoảng 18.000 công nhân thuê trọ trong khoảng 900 phòng. Có nhà trọ lớn sức chứa khoảng 100 người. Riêng thôn Núi Hiểu có tới 11.000 công nhân ở trọ.

Tâm sự với chúng tôi trước khi cùng hai con nhỏ lên xe trở về quê ở Thái Nguyên, anh Phạm Văn Tuyên, thợ hàn, làm việc trong KCN Quang Châu kể, vợ anh cũng làm công nhân trước khi chưa có dịch, bình quân mỗi tháng vợ chồng anh thu nhập 15 triệu đồng. Riêng chi tiền nhà trọ gần 2 triệu và tiền ăn, tiền học của các con cùng các chi phí khác hết sức tằn tiện rơi vào khoảng 11-12 triệu đồng. Hiện vợ anh đã đi cách ly tập trung. Anh mong sớm được trở về quê vì em trai đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Cũng trong đoàn xe ấy, chúng tôi gặp công nhân Nguyễn Thị Thu Huyền, làm việc tại một nhà máy trong KCN Quang Châu. Bình quân mỗi tháng Huyền thu nhập hơn 5 triệu đồng. Những ngày nghỉ tránh việc, Huyền không được trả lương. Huyền thú thật, trong túi chỉ còn đúng 200.000 đồng.

Tại tổ dân phố Hoàng Mai 3 (thị trấn Nếnh, Việt Yên), chúng tôi trò chuyện với chị Sa Thị Hoa, công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty Hồng Hải trong KCN Đình Trám. Vợ chồng chị Hoa có hai con, một đứa hai tuổi đang ở quê và cháu 10 tháng tuổi thì theo mẹ sống ở đây. Thu nhập của chị được hơn 6 triệu/tháng. Tiền thuê trọ một tháng của hai mẹ con là 1,2 triệu đồng ngoài ra còn chi phí tiền ăn, sữa, bỉm, thuốc chữa bệnh và gửi trẻ, điện thoại… Chẳng tháng nào chị tiết kiệm được tiền. Hiện chị cũng không còn đồng nào trong túi để về quê. 

leftcenterrightdel

 Công nhân làm việc ở các khu công nghiệp ở Bắc Giang và ở trọ trở về quê sau những ngày dài cách ly. Ảnh: Mạnh Thắng.

Điều tra, khảo sát các khu trọ quanh KCN Tiên Sơn (Tiên Du, Bắc Ninh) và KCN Đại Đồng-Hoàn Sơn (những nơi chỉ thực hiện Chỉ thị 16 và 19 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội trong thời gian có dịch Covid-19), chúng tôi thu được kết quả cũng tương tự. Số công nhân làm việc phổ thông ngoại tỉnh có mức lương 5-7 triệu đồng chiếm đa số nếu không tăng ca. Số công nhân có mức thu nhập hơn 10 triệu đồng không nhiều. Và đời sống của họ cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

Lương thấp, không có việc làm do dịch Covid-19 vì xí nghiệp, nhà máy đóng cửa đã khiến đời sống của công nhân giảm sút. Phụ nữ biết tiết kiệm, chi tiêu dè xẻn còn đỡ nhưng các nam công nhân thì khó tiết kiệm được tiền lương hơn vì nhiều mối quan hệ và đôi khi tụ tập nhậu nhẹt ngày nghỉ hoặc lúc nhàn rỗi.

Qua khảo sát các nam công nhân làm việc ở KCN Quế Võ II (Quế Võ, Bắc Ninh), chúng tôi nhận được kết quả là rất nhiều người trong số họ trả lời, nhiều tháng chi tiêu quá tay, phải vay mới đủ trả nợ rồi bù lương tháng sau.

Điều tra tại các khu trọ của công nhân ở xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), đi kèm với dịch vụ nhà trọ là rất nhiều các loại hình dịch vụ ăn uống, làm đẹp, khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, tạp hóa, thời trang… được mở ra. Có những con đường, biển quảng cáo các cửa hàng ken đặc giống như những phố buôn bán ở TP Hà Nội nhưng phải đóng cửa.

Những công nhân phải tạm về quê để “lánh nạn” Covid-19 đã vất vả nhưng những công nhân ở khu cách ly tập trung còn có nhiều nỗi lo hơn. Không chỉ lo lắng vì sợ lây nhiễm mà họ còn lo việc trả tiền ăn hằng ngày trong thời gian cách ly. Bởi theo quy định của nhà nước, những người đi cách ly tập trung phải trả 80.000 đồng/ngày. Trong khi đó, khi ở nhà hoặc có đi làm, tiền ăn của họ không đến mức đó. Thậm chí, nhiều phụ nữ nhịn ăn sáng để giảm béo và tiết kiệm.

Công nhân Nguyễn Thị Lương ở xã Trù Hựu (Lục Ngạn, Bắc Giang) làm việc ở Công ty May Đáp Cầu, Bắc Giang hiện đang cách ly tập trung trong Trường PTTH nội trú Lục Ngạn cho rằng, mức đóng tiền ăn trong những ngày cách ly tập trung mà nhà nước quy định chưa thật phù hợp với mức thu nhập hiện nay.

Công nhân địa phương cũng chật vật

Chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn C. ở chung cư Cát Tường (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Hiện anh C. làm cán bộ kỹ thuật tại một công ty may ở huyện Thuận Thành. Nhà anh C ở là chung cư dành cho người thu nhập thấp thí điểm đầu tiên của tỉnh này.

Trước đó, kể từ 18 giờ ngày 19-5, tòa nhà CT1, tầng 13 (tòa nhà CT2) và tầng 13 (tòa nhà CT3) của chung cư Cát Tường, với 177 hộ gia đình, 540 nhân khẩu phải cách ly y tế trong 14 ngày. Sau khi hết cách ly, vợ chồng anh đi làm như thường lệ. Tuy nhiên, cả vợ và chồng đều phải ở lại công ty, không được về nhà do các quy định phòng, chống dịch của doanh nghiệp.

Lúc chúng tôi đến, nhà anh chỉ có cô con gái đang học lớp 12 chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Cháu nhỏ còn lại đã được anh gửi về bà nội ở dưới huyện Tiên Du. Vợ anh C., chị Nguyễn Thị H là công nhân làm việc tại một nhà máy may tại KCN Vân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) đang bị cách ly tại thị trấn Bích Động (Việt Yên) do trong xưởng có F0.

Anh C. cho biết, dịch Covid-19 tràn về, học sinh phải nghỉ học tập trung và học theo hình thức online nhưng các cháu trong tuổi mẫu giáo thì không được đến lớp. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho gia đình anh chị. Nhiều gia đình có bố mẹ ở quê nên gửi con về còn đỡ vất vả. Có công nhân không tìm được chỗ gửi con nhỏ hoặc không gửi con do bất an về nhiều mặt nên đành bỏ việc, ở nhà trông con nhỏ.

leftcenterrightdel

Công nhân Nguyễn Thị Loan, thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ (Tiên Du, Bắc Ninh) chia tay hai con để vào nhà máy ăn, nghỉ và làm việc. Ảnh: Mạnh Thắng.

Chúng tôi đến thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ (Tiên Du, Bắc Ninh) và gặp gia đình chị Nguyễn Thị Loan đang làm công nhân tại một nhà máy ở khu công nghiệp Tiên Sơn. Trước khi dịch Covid-19 lan rộng dịp sau Tết, do việc gia đình nên chồng chị phải nghỉ một thời gian. Đang chuẩn bị đi xin việc làm thì dịch lại đến. Chồng chị ở nhà chăm con.

Sau một thời gian nghỉ dịch, đầu tháng 6 vừa qua, chị chia tay gia đình vào ăn ở và làm việc tại nhà máy. Là người có kinh nghiệm và gắn bó với công ty lâu năm nên thu nhập của chị khá tốt. Nếu tăng ca, làm thêm giờ cũng đạt hơn 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu chia số đó cho bình quân đầu người trong gia đình thì cũng không tiết kiệm được nhiều.

Chị chia sẻ, công nhân người địa phương có nhiều thuận lợi hơn công nhân từ tỉnh khác về làm việc vì không phải thuê nhà trọ nhưng những chi phí phát sinh trong tháng để duy trì các mối quan hệ gia đình, họ hàng nội ngoại cũng không phải là ít.  

Dù là công nhân ngoại tỉnh, lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề hay công nhân địa phương được đào tạo nghề thì dịch Covid-19 vẫn làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt. Nhiều gia đình công nhân có người thân từ trần, bị bệnh hiểm nghèo thì sự khó khăn ấy còn tăng gấp bội. Lúc này, câu chuyện thu nhập và đời sống của công nhân lại sục sôi hơn bao giờ hết.

(còn nữa)

NHÓM PV BÁO QĐND TẠI BẮC GIANG