Bác sỹ Ngô Thành Ý – BV 115, TP HCM: ‘Y học Thể thao Việt Nam thiếu chứ không yếu’
(Thethaovanhoa.vn) – ĐT U23 Việt Nam đã và đang bị biến thành bệnh viện dã chiến, trước thềm VCK U23 châu Á. Nguyên nhân thì có nhiều, song điều cơ bản, chúng ta vẫn chưa ý thức hết được vai trò của y học thể thao có tác động không nhỏ đến tham vọng – năng lực chinh phục của một đội bóng. Xung quanh các vấn đề về chấn thương thể thao, phẫu thuật và giai đoạn hậu phẫu – tập vật lý trị liệu, kéo dài “tuổi thọ” của VĐV thể thao đỉnh cao, Thể thao & Văn hoá có cuộc trao đổi với bác sỹ Ngô Thành Ý, khoa Y học thể thao – BV 115, TP.HCM.
- ‘U23 Việt Nam chấn thương nhiều do chế độ dinh dưỡng chưa tốt’
- Cựu HLV U23 Việt Nam bảo vệ ông Miura
- Vì sao U23 Việt Nam thành ‘bệnh viện dã chiến’?
* Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, xin bác sỹ cho biết những dạng chấn thương thể thao nào mà VĐV, đặc biệt là cầu thủ bóng đá hay gặp phải? Nguyên nhân vì sao?
– Thường là tổn thương và đứt dây chằng đầu gối, hoặc cổ chân, thoát vị đĩa đệm hoặc tổn thương cột sống. Nhẹ hơn là những chấn thương dạng căng cơ, ví như cơ đùi hoặc lưng, có thể dẫn tới rách hoặc đứt toàn phần… Những dạng chấn thương như gãy xương thì ít gặp hơn, nhưng không phải không có. Nó thường xảy ra ở những môn thể thao nặng tính đối kháng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chấn thương là do va chạm, hay tự bị. Kế đến, chấn thương cũng có thể xảy ra cũng có thể là do quá tải, hoặc thực hiện các động tác kỹ thuật sai cơ bản.
* Các công đoạn chữa trị, phẫu thuật và hồi phục diễn ra như thế nào? Theo bác sỹ, giai đoạn nào là quan trọng nhất, để một VĐV có thể trở lại chơi đỉnh cao?
– Vấn đề xử lý cấp cứu ngay sau khi bị chấn thương là cực kỳ quan trọng. Thông thường, người Việt Nam không xem trọng khâu xử lý ban đầu. VĐV phải dừng thi đấu, chườm đá để giảm đau, giảm sưng. Khi bị chấn thương thì mạch máu sẽ bị vỡ, dẫn đến máu thoát ra ngoài. Trong vòng 72 giờ đầu tiên, phải chườm đá mỗi ngày 3 lần thời gian 5–7 phút. Việc chườm đá sẽ giúp mạch máu co lại. Dân gian thường bôi dầu nóng hoặc xát muối, sẽ khiến cho mạch máu phình to và rất có hại.
Kế đến, phải tìm đến các bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn chính xác và tiến hành các bước phẫu thuật khi cần. Các trường hợp nhẹ thì không sao, nhưng nặng mà không được điều trị kịp thời, sẽ không có khả năng hồi phục, dẫn đến việc VĐV phải từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Khâu phẫu thuật và tập hồi phục chức năng, phản xạ, sau mổ có vai trò tương đương. Tuy nhiên, nhiều VĐV và thậm chí cả bác sỹ lại xem nhẹ giai đoạn hậu phẫu và điều này rất tai hại. Việc tập luyện sau phẫu thuật giữ vai trò quyết định cho việc VĐV có thể trở lại thi đấu đỉnh cao.
* So với thế giới, y học thể thao ở Việt Nam hiện nay như thế nào? Chúng ta vẫn tốn quá nhiều tiền để ra nước ngoài phẫu thuật, phải chăng, tiền nào của nấy?
– Phẫu thuật điều trị chấn thương ở Việt Nam và nước ngoài không có nhiều khác biệt lắm. Về dụng cụ phục vụ phẫu thuật là tương đương, máy móc trang thiết bị cũng không hề kém cạnh, bên cạnh đó, con người – bác sỹ cũng được đào tạo bài bản. Nó cũng giống như một chiếc xe hơi vậy, với phụ tùng hiện đại như nhau.
Tuy nhiên, tại sao nhiều VĐV lại chọn ra nước ngoài phẫu thuật, thay vì có thể thực hiện ở trong nước? Nó cũng liên quan đến nhiều vấn đề. Ví như một VĐV được phẫu thuật ở nước ngoài thường dễ được đảm bảo hơn (về lý thuyết), bởi người Việt Nam vốn sính ngoại.
Chất lượng phục vụ của các bệnh viện nước ngoài tốt hơn chúng ta (đương nhiên tiền cao hơn nhiều, vì phải trả cho rất nhiều khâu, bao gồm cả môi giới – quảng cáo), tuy nhiên, giai đoạn tập hồi phục lại gặp khó khăn, nếu bệnh nhân chỉ tập với giáo án qua mạng, thay vì có thể trực tiếp đến phòng tập. Tôi cho rằng, việc tập luyện với sự giám sát thực tế của bác sỹ sẽ tốt hơn nhiều.
‘U23 Việt Nam chấn thương nhiều do chế độ dinh dưỡng chưa tốt’
Từng trực tiếp điều trị thành công nhiều ca chấn thương cho các cầu thủ bóng đá Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Công Dũng, nguyên TTK Hội Y học Thể thao TP HCM đã có những chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa về kinh nghiệm phòng chống các chấn thương.
* Bác sỹ có lời khuyên nào cho VĐV thể thao chuyên nghiệp và không chuyên không?
– Chúng ta phải điều chỉnh lối sống. Với một VĐV thể thao đỉnh cao, phải có ý thức chuyên nghiệp. Họ không nên lạm dụng bia rượu, thức khuya, hay dùng chất kích thích. Mình chơi thể thao, sau đó uống bia, sẽ dẫn đến việc mất nước, điện giải. Trong lúc chơi thể thao, VĐV vốn đã mất nước (thông qua bài tiết mồ hôi), sau đó uống bia rượu, sẽ phải đi tiểu nhiều, thì lại mất thêm một lượng nước nữa. Tôi cho rằng VĐV cần có chế độ nghỉ ngơi, hồi phục sau khi chơi thể thao.
Với bất cứ môn chơi gì, luôn cần có bác sỹ thể thao chuyên khoa, để giúp các VĐV hồi phục thông qua các bài tập, phương pháp vật lý trị liệu. Vai trò này là rất quan trọng trong thể thao đỉnh cao, trước và trong các giải đấu lớn. Tất nhiên, cũng phải bao gồm cả các chế độ ăn sao cho đủ chất và bác sỹ cũng phải đưa ra công thức hợp lý.
* Xin cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi!
1. Ngoài hai bác sỹ người Việt Nam làm việc ở ĐT U23, còn có 1 trợ lý thể lực người Nhật Bản nhưng xem ra vẫn chưa đủ đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ.
830. Chi phí chữa trị chấn thương của Anh Khoa (SHB ĐN) tại Singapore do Quế Ngọc Hải gây ra là 830 triệu đồng.
7. Số cầu thủ U23 VN dính chấn thương trong đợt tập trung chuẩn bị cho VCK U23 Châu Á đã lên con số 7 tính đến thời điểm này.
Tùy Phong (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa