Bác sĩ y học dự phòng (hạng III) cần tốt nghiệp ngành nào? Tốt nghiệp ngành y học cổ truyền có được không? Cần tối thiểu bao nhiêu năm để có thể từ bác sỹ y học dự phòng hạng III lên thành bác sỹ y họ
Đối với Bác sĩ y học dự phòng (hạng III) thì tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn và trình độ đào tạo cần đáp ứng những gì? Cần tối thiểu bao nhiêu năm để có thể từ bác sỹ y học dự phòng hạng III lên thành bác sỹ y học dự phòng hạng II? – Câu hỏi của bạn Thảo Trang từ Gia Lai.
Nhiệm vụ của bác sỹ y học dự phòng (Hạng III) là gì?
Theo khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV quy định cụ thể như sau:
Bác sĩ y học dự phòng (hạng III) – Mã số: V.08.02.06
1. Nhiệm vụ:
a) Thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; quản lý sức khỏe và đề xuất biện pháp quản lý sức khỏe tại cộng đồng;
b) Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu;
c) Thực hiện chế độ chức trách chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể:
Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về y tế dự phòng: phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh xã hội, quản lý chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khỏe, sức khỏe lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích;
Theo dõi, giám sát, phát hiện, đánh giá, kiểm soát và khống chế: yếu tố nguy cơ gây dịch, tác nhân gây bệnh, bệnh nghề nghiệp, bệnh liên quan đến yếu tố môi trường, tai nạn thương tích, an toàn thực phẩm, sức khỏe lao động và yếu tố nguy cơ khác đối với sức khỏe cộng đồng;
Thực hiện biện pháp kiểm soát và khống chế dịch bệnh, tác nhân truyền nhiễm gây dịch nhất là ổ dịch bệnh mới phát sinh;
Phòng chống bệnh không lây nhiễm, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
Tham gia quản lý, chăm sóc tại cộng đồng: bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp, bệnh xã hội và phục hồi chức năng;
Khám, chữa bệnh thông thường và xử trí cấp cứu ban đầu;
Khám, tư vấn và điều trị dự phòng theo quy định.
d) Hướng dẫn và đào tạo, bồi dưỡng về kỹ thuật cho viên chức, học sinh và sinh viên thuộc chuyên ngành;
đ) Tham gia nghiên cứu khoa học.
Bác sỹ y học dự phòng (Hình từ Internet)
Để được làm bác sỹ y học dự phòng (Hạng III) thì cần tốt nghiệp ngành nào? Tốt nghiệp ngành y học cổ truyền được không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT quy định cụ thể về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo với bác sỹ y học dự phòng (Hạng III) như sau:
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành Y học cổ truyền).
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ y học dự phòng (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ y học dự phòng).
Như vậy, để được làm bác sỹ y học dự phòng (Hạng III) thì bạn cần tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành Y học. Tuy nhiên, trừ trường hợp ngành Y học cổ truyền thì sẽ không đủ tiêu chuẩn theo quy định trên.
Ngoài ra bạn cần đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV được bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT như sau:
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
a) Hiểu biết quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;
b) Có năng lực xác định yếu tố tác động của môi trường tự nhiên, xã hội, nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe con người;
c) Có năng lực đề xuất biện pháp xử lý thích hợp, lập kế hoạch chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn diện, liên tục đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và bảo vệ môi trường;
d) Có năng lực tổ chức thực hiện và đánh giá các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn;
đ) Có năng lực phát hiện sớm ổ dịch bệnh, vấn đề về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong cộng đồng và tham gia phòng chống dịch;
e) Có năng lực tham gia nghiên cứu khoa học;
g) Có kỹ năng trong việc hợp tác và phối hợp có hiệu quả với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế để thực hiện nhiệm vụ.
h) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Muốn làm bác sỹ y học dự phòng hạng II thì cần phải làm bác sỹ y học dự phòng hạng III trong bao nhiêu năm?
Theo quy định tại điểm i khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch 10/2015/TTLT-BYT-BNV sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 03/2022/TT-BYT quy định như sau:
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
….
Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên chức danh bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm đối với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ ngành y học dự phòng; 06 năm đối với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành y học dự phòng hoặc bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Trường hợp có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
Theo đó, để được dự thi hoặc xét thăng hạng từ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) lên chức danh bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II) thì cần thời gian như sau:
– 09 năm đối với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ ngành y học dự phòng.
– 06 năm đối với người có bằng tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành y học dự phòng hoặc bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú.
– Trường hợp có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh bác sĩ y học dự phòng (hạng III) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.