Bác sĩ thẩm mỹ viện ‘xịn’ cầu cứu vì bị giả mạo quá nhiều!

Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY

Bác sĩ “giả” mang hình ảnh bác sĩ thật rao khắp mạng xã hội

  Một bác sĩ online giả danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Một bác sĩ online giả danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Hiện nay, nhiều trang facebook mạo danh các bác sĩ làm việc tại các bệnh viện uy tín với mục đích lừa đảo, kêu gọi khách hàng sử dụng dịch vụ.

Như với trường hợp facebook Misu Nguyễn (BS. Thẩm Mỹ) và facebook Hien Anna thường xuyên đăng tải hình ảnh, video bài quảng cáo về các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp như nâng mũi, cắt mắt, tiêm filler… dưới danh nghĩa bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. 

Thế nhưng, toàn bộ lãnh đạo, nhân viên bệnh viện không hề biết đến 2 người đồng nghiệp này. Trong danh sách cán bộ, nhân đang làm việc và công tác tại bệnh viện tuyệt nhiên không có tên 2 “bác sĩ” kể trên.

Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khi nhận được phản hồi trên, Bệnh viện đã yêu cầu chủ nhân 2 trang facebook gỡ bỏ toàn bộ, thông tin hình ảnh… nhưng những kẻ giả mạo vẫn tiếp tục giả mạo.

Với sự ngoan cố đó, phía Bệnh viện nhiều lần ra khuyến cáo mọi người đề cao cảnh giác, không để bị đối tượng mạo danh bệnh viện lừa đảo. 

Trường hợp khác, anh Trần Quang Nhật (27 tuổi, ở tại Tiền Giang) mải mê đi tìm cơ sở độn cơ bắp, độn ngực để có cơ thể 6 múi như ý, anh này tìm hiểu trên mạng xã hội và chọn ra facebook Đỗ Quang Khải với lượt tương tác rất cao. 

Bác sĩ thẩm mỹ viện ‘xịn’ cầu cứu vì bị giả mạo quá nhiều! 1

Đến địa chỉ được chủ facebook chia sẻ, anh Nhật đi “nâng múi cấp tốc”, thế nhưng, sau khi phẫu thuật, kết quả không được như lời quảng cáo lại khiến anh thêm ảnh hưởng sức khoẻ. 

Sau đó, 5 lần 7 lượt anh Nhật đến cơ sở trên tìm bác sĩ Khải phản ánh nhưng đều được nhân viên cho biết bác sĩ vắng mặt. Quá bức xúc, anh này lên một số diễn đàn làm đẹp tố cáo thì mới biết mình bị bác sĩ giả biến thành “chuột bạch”.

Biết được tin, bác sĩ CK. PTTM Đỗ Quang Khải, Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM đã buộc phải lên tiếng đính chính, tuy nhiên, rất nhiều lần sau đó, danh nghĩa bác sĩ này lại bị đem ra trục lợi.

Kẻ giả danh sử dụng những chiêu trò nào?

Có thể đánh giá, tình trạng giả mạo bác sĩ, Bệnh viện uy tín hiện nay trên mạng xã hội vô cùng phổ biến, họ giả mạo để bán các sản phẩm làm đẹp, “gom” khách hàng có nhu cầu thẩm mỹ… mặc dù tay nghề không đảm bảo, không có giấy phép hành nghề.

Theo bác sĩ CK. PTTM Đỗ Quang Khải thông thường, chiêu trò của những đối tượng này phần lớn xoay quanh trong việc mua – sử dụng những tên miền có cụm từ hoặc địa chỉ gần giống tên website của thương hiệu nổi tiếng hoặc sử dụng kỹ xảo ghép hình các bác sĩ tự tung hô mình là cán bộ tại các cơ sở uy tín. 

Với việc đăng tải trên mạng xã hội facebook, kẻ lừa đảo có thể đầu tư thêm lượng like, lượng theo dõi và comment ngay trên facebook. 

Theo bác sĩ, để phát hiện một cơ sở thẩm mỹ có thực sự uy tín hay không, trước khi làm đẹp, khách hàng cần hiểu rõ loại hình dịch vụ mình làm, cơ sở được cấp phép hay không.

BS. Hoàng Thanh Tuấn – Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc Gia cho biết: “Nếu khách hàng muốn làm phẫu thuật kể cả xâm lấn ít như tiêm filler, botox… thì người thực hiện cũng phải đạt 2 điều kiện là bác sĩ được đào tạo thẩm mỹ hoặc có giấy phép (chứng chỉ hành nghề) thẩm mỹ.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, tại một cơ sở thẩm mỹ phải treo các văn bằng, chứng chỉ của bác sĩ lên tường cho khách hàng thấy, nếu cơ sở nào không treo thì chắc chắn cơ sở đó có vấn đề về uy tín. 

Nếu ở một Spa mà quảng cáo phẫu thuật, tiêm filler… cũng là không uy tín vì phạm vi được phép hoạt động của spa chỉ là chăm sóc da, dịch vụ không xâm lấn, không chảy máu. Hoặc một cơ sở làm đẹp nail, tóc lại kèm thêm cắt mí… chắc chắn là làm chui.  Hay nâng ngực, nâng mông… mà không đưa vào bệnh viện, làm tại thẩm mỹ viện cũng sẽ có nguy cơ không an toàn”.

Khách hàng luôn là người bị thiệt!

Theo BS. Hoàng Thanh Tuấn cho biết, làm trong ngành thẩm mỹ, bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng không mong muốn sau phẫu thuật, trong số đó, phần lớn họ đều là nạn nhân của các bác sĩ “dỏm”, thẩm mỹ “dỏm”.

“Cứ trào lưu thẩm mỹ có gì là lại có nạn nhân biến chứng vì cái đó. Khoảng năm 2015 – 2016, khi ngành thẩm mỹ rộ lên lăn kim thì có những bệnh nhân mặt đen sì, đầy lỗ kim đâm đến tìm chúng tôi.

Đến năm 2017, trong ngành rộ dịch vụ tiêm filler thì hàng loạt bệnh nhân đến đây với mũi đen sì, hoại tử, có người còn biến chứng sang mắt gây mù. Gần đây, thẩm mỹ lại hot cắt mắt, nhấn mí thì hàng loạt bệnh nhân mắt lệch, mắt hỏng, hoại tử, kim rơi trong mắt… phải nhập viện”, BS. Hoàng Thanh Tuấn cho biết.

 Clip BS. Hoàng Thanh Tuấn chia sẻ việc bị mạo danh

Nhiều viện thẩm mỹ cho bác sĩ mổ nhưng không hề có chứng chỉ ngành thẩm mỹ hay khi người làm đẹp sính ngoại, họ thuê các bác sĩ nước ngoài nhưng không ai biết được trình độ vị bác sĩ ngoại như thế nào.  Tuy nhiên, không ai có thể biết trình độ người bác sĩ đó ra sao hoặc ở nước sở tại, vị bác sĩ đã vi phạm những gì. 

Trước đây, một diễn viên nổi tiếng tấn công vào ngành dịch vụ làm đẹp và có mời về một bác sĩ thẩm mỹ người Hồng Kông. Tuy nhiên, trên thực tế,  bác sĩ người Hongkong này từng có liên quan đến các tiền án hình sự ở Hongkong, cụ thể vị bác sĩ này đã kê toa thuốc khiến một người tử vong, dẫn đến việc bị giam bằng, cấm điều trị và giam bằng, đồng thời phải nhận án tù treo 1 năm.

Ở trường hợp khác, bác sĩ thật phải gánh hậu quả cho bác sĩ giả. Nhiều khách hàng tin vào các tài khoản facebook có lượt theo dõi cao, tương tác tốt nên tìm đến địa chỉ trong lời giới thiệu để làm đẹp tuy nhiên, ngay sau đó đều rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY